|
|||
Tham dự Toạ đàm có Lãnh đạo và cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ đến từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389, Toà án Nhân dân tối cao, Tổng cục Hải quan, Cục Cảnh sát kinh tế, Cục Bản quyền tác giả và Cục Trồng trọt, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ. Toạ đàm được tổ chức nhằm mục đích đánh giá thực trạng của công tác phát triển nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ tại các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ, xác định cơ sở cho việc xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ của Việt Nam, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030.
Phát biểu tại buổi Toạ đàm, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nêu rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ, trong bối cảnh các nhu cầu và đòi hỏi của xã hội đối với hệ thống sở hữu trí tuệ ngày càng tăng cao. Với sự tham gia phối hợp của các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ, một nhóm chủ thể quan trọng của đề án, ông tin tưởng đề án sẽ đạt được hiệu quả thực chất, góp phần nâng cao năng lực của cả hệ thống sở hữu trí tuệ.
Đại diện của Nhóm nghiên cứu xây dựng Đề án đã trình bày kết quả sơ bộ của hoạt động khảo sát và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ, qua đó cho thấy bức tranh tổng quan về công tác đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng nguồn nhân lực của cả hệ thống sở hữu trí tuệ nói chung. Các vấn đề: thiếu hụt về số lượng; chưa đáp ứng về chất lượng, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng về sở hữu trí tuệ; hình thức đào tạo, bồi dưỡng chưa đa dạng, chưa phù hợp; hiệu quả còn khá hạn chế; v.v.. Những vấn đề này được khảo sát chỉ ra khá rõ nét và cụ thể.
Đặc biệt, các chuyên gia tham dự trao đổi sâu về thực trạng nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ của hệ thống các cơ quan này, từ Trung ương xuống địa phương, chia sẻ những hạn chế về nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ trong các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ và cho rằng thực tế nguồn nhân lực như vậy chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp, nhất là khi các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tăng với tính chất, mức độ phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, những khó khăn về số lượng biên chế với yêu cầu tiếp tục tinh giản, cơ chế luân chuyển cán bộ càng khiến việc xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ trở nên khó khăn hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng về sở hữu trí tuệ được triển khai một cách hạn chế, không phải là cá biệt trường hợp cán bộ trực tiếp xử lý công việc về sở hữu trí tuệ chưa được đào tạo cả nội dung cơ bản lẫn chuyên sâu về sở hữu trí tuệ. Các chuyên gia rất tâm huyết trong việc đề xuất những giải pháp, từ đề xuất bổ sung biên chế, cơ chế đặc thù riêng về luân chuyển cán bộ đối với cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ, xác định rõ những yêu cầu đối với cán bộ theo từng vị trí việc làm cụ thể đến việc phát triển đa dạng các loại hình đào tạo, bồi dưỡng với việc xây dựng đội ngũ giảng viên giỏi, tài liệu và giáo trình về sở hữu trí tuệ có chất lượng gắn với công tác nghiệp vụ.
Các chuyên gia đều thể hiện mong muốn việc xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ được thực hiện một cách hiệu quả, thực chất và khả thi, góp phần nâng cao năng lực của hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia nói chung, hệ thống các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói riêng. Cụ thể, Đề án sau khi được phê duyệt sẽ là một cơ sở quan trọng với những đề xuất phù hợp, hiệu quả cho từng cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ của mình đảm bảo tính khả thi cao.
Tin, ảnh: PV
|