|
|||
Ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết tại Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Viện Sở hữu trí tuệ và đón nhận Cờ thi đua của Bộ trưởng Bộ KH&CN vào ngày 23/5 tại Hà Nội. Tham dự buổi Lễ có các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ; lãnh đạo một số đơn vị, tổ chức trong và ngoài Bộ; lãnh đạo các tổ chức đối tác; các chuyên gia và toàn thể lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Viện. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đánh giá cao kết quả đạt được của Viện trong thời gian qua. Thứ trưởng nhấn mạnh, Viện là một trong những đơn vị trụ cột, có vai trò quan trọng trong hệ thống sở hữu trí tuệ và tin tưởng rằng với những nỗ lực và sự đoàn kết, Viện sẽ ngày càng có đóng góp to lớn cho hoạt động sở hữu trí tuệ. Trong 15 năm hoạt động và phát triển (24/5/2007- 24/5/2022), Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về nghiên cứu khoa học; đào tạo, huấn luyện; tư vấn, giám định; dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp (SHCN)…
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học đã thực hiện thành công nhiều đề án, đề tài cấp quốc gia, cấp bộ và cấp cơ sở phục vụ trực tiếp cho khiển khai hoạt động đào tạo, giám định về sở hữu trí tuệ, cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ cho việc hoạch định, thẩm định các chính sách về sở hữu trí tuệ, xây dựng Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ, xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, kết quả thực hiện dự án cấp quốc gia đã tạo ra công cụ, cơ sở cho việc thực hiện hoạt động phổ biến, khai thác thông tin và cung cấp dịch vụ sở hữu công nghiệp cho Viện và các tổ chức khác, đó là Nền tảng Dữ liệu và Dịch vụ sở hữu công nghiệp IPPlatfom và 19 Trạm IPPlatform đang được vận hành. Đây là Nền tảng đầu tiên cho phép kết nối các cá nhân, tổ chức có sáng chế, giải pháp hữu ích với các bên có nhu cầu mua. Điểm nổi bật của Nền tảng IPPlatform là cho ra kết quả tìm kiếm nhanh chóng, độ chính xác cao, phù hợp với mọi đối tượng với kỹ năng tra cứu khác nhau. Khác với các cơ sở dữ liệu sẵn có trước đây chỉ có chức năng tra cứu, IPPlatform cung cấp nhiều dịch vụ khác về sở hữu công nghiệp như nộp đơn đăng ký, giám định, định giá tài sản trí tuệ…Ngoài ra, nền tảng còn cho phép người dùng tự cập nhật các thông tin mới nhất liên quan đến tài sản trí tuệ và đăng thông tin mua bán sáng chế, giải pháp hữu ích. Hiện mạng lưới các Trạm IPPlatform đã được thiết lập, mở rộng tại nhiều địa phương trong cả nước, đưa thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp đến địa phương, gần với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân: Sở KH&CN các tỉnh/thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Phòng, Bình Định, Quảng Ninh…, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức, … Với những tiện ích ưu việt nói trên so với những công cụ khai thác thông tin SHCN trước đây, Nền tảng IPPlatform đã nhận được Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2019.
Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo, huấn luyện về Chương trình đào tạo quản trị tài sản trí tuệ do Viện phối hợp với Sở KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh với các chuỗi module từ cơ bản đến nâng cao dành cho các loại đối tượng học viên khác nhau đã bước đầu gây dựng được đội ngũ quản trị nhân viên tài sản trí tuệ đầu tiên của Việt Nam (doanh nghiệp, tổ chức đào tạo, nghiên cứu…) nhằm đáo ứng nhu cầu nhân lực quản trị viên tài sản trí tuệ của các tổ chức, doanh nghiệp.
Hoạt động tư vấn, giám định, định giá về sở hữu công nghiệp được Viện tiếp nhận, giải quyết và cung cấp ý kiến chuyên môn theo yêu cầu của nhiều cơ quan thực thi, tổ chức và cá nhân. Số lượng yêu cầu giám định Viện tiếp nhận có xu hướng gia tăng (10-15%/năm), tính đến ngày 01/5/2022 Viện đã tiếp nhận và xử lý gần 8.845 Hồ sơ yêu cầu giám định liên quan tới sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, phục vụ kịp thời yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
Theo ông Tạ Quang Minh, thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục phát triển theo hướng duy trì, phát triển các hoạt động đã được xây dựng; tăng cường triển khai các hoạt động đào tạo, huấn luyện dành cho doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN, cá nhân nhằm nâng cao hiểu biết, kỹ năng quản trị, phát triển hiệu quả tài sản trí tuệ; đẩy mạnh hoạt động thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp theo hướng phối hợp với các Sở KH&CN phổ biến, khai thác mạnh mẽ thông tin sở hữu công nghiệp và cung cấp các dịch vụ về sở hữu công nghiệp đa dạng, chất lượng cao phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển tài sản trí tuệ.
Cùng với việc chú trọng củng cố, nâng cao năng lực của Viện, sự chỉ đạo, quan tâm của Lãnh đạo Bộ KH&CN, mối quan hệ hợp tác, đối tác giữa Viện với các cơ quan, tổ chức cá nhân khác sẽ tiếp tục được chú trọng nhằm không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ mà còn nâng cao hơn nữa vai trò của Viện trong việc hỗ trợ các chủ thể khác nhau tiếp cận và sử dụng hiệu quả các công cụ về sở hữu trí tuệ vì mục tiêu phát triển.
Ngày 24/5/2007, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký Quyết định số 846/QĐ-BKHCN thành lập Viện Khoa học sở hữu trí tuệ để triển khai thực hiện nghiên cứu khoa học; đào tạo, huấn luyện; giám định, tư vấn và định giá trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Có thể nói, Viện là cơ quan, tổ chức sự nghiệp công đầu ngành duy nhất, được giao thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, giám định, định giá về sở hữu trí tuệ. Viện được Bộ thành lập, bên cạnh và độc lập với Cục Sở hữu trí tuệ, để đảm bảo tính khách quan trong thực hiện chức năng xác lập quyền sở hữu công nghiệp (do Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện) và chức năng giám định sở hữu công nghiệp (do Viện thực hiện) phục vụ hoạt động thực thi quyền sở hữu công nghiệp.
Tin, ảnh: PV
|