|
|||
Sáng 28/3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ), đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành phương án không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; một số ý kiến tán thành thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này và đề nghị quy định lộ trình thực hiện. Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, nội dung này xin được giữ như quy định của Luật hiện hành. Thảo luận tại hội nghị, đa số ý kiến đại biểu cho rằng, đây là dự án Luật khó, chuyên môn sâu. Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động của chính sách, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời, các đại biểu cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với nhiều nội dung cơ bản tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ của Ủy ban Pháp luật. Liên quan đến nội dung về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ), đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đề nghị không nên thu hẹp hoàn toàn xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ mà cần có sự phân loại cụ thể. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị không nên thu hẹp hoàn toàn xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ Đối với những vụ việc, vấn đề lớn, trường hợp tái diễn, tranh chấp thì bắt buộc phải xử lý tại Tòa án. Tuy nhiên, đối với những vi phạm nhỏ thì có thể áp dụng xử phạt vi phạm hành chính. “Việc xử lý các tranh chấp về sở hữu công nghiệp, vừa qua trong nền kinh tế của chúng ta đang trong quá trình phát triển, mức độ quan tâm xã hội chưa nhiều, mặc dù nhiều doanh nghiệp nhiều cá nhân thấy rằng sở hữu công nghiệp, kiểu dáng công nghiệp có vi phạm tuy nhiên quá trình đề nghị, đưa ra tòa án xử lý chưa nhiều. Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập, chúng ta không chỉ sử dụng sản phẩm trong nước, mà còn rất nhiều sản phẩm nước ngoài. Do đó, phải tuân thủ quy định của pháp luật quốc tế liên quan đến điều khoản này. Nếu chỉ thực hiện theo biện pháp hành chính thì nhiều trường hợp không đủ sức răn đe. Vì vậy, nếu không có biện pháp xử lý mạnh hơn thì tình trạng này sẽ vẫn xảy ra…”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu quan điểm. Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, phương án hiện nay rất xác đáng bởi vì các vi phạm về sở hữu trí tuệ có thể là vi phạm trong các giao dịch dân sự, nhưng cũng có thể là các vi phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính nhà nước. Việc này cần phải phân biệt rất rõ, không nên thuần túy cho rằng vi phạm về sở hữu trí tuệ chỉ là phát sinh tranh chấp dân sự. “Giữ nguyên như hiện hành là có cơ sở cả về mặt lý thuyết, cũng như về mặt thực tiễn và nhất là thực tiễn Việt Nam và cũng không mâu thuẫn gì với vấn đề chúng ta vừa có xử lý hành chính, lại vừa có giải quyết tranh chấp bằng cơ chế dân sự tại tòa án”, đại biểu Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh. Ngoài ra, theo đại biểu về mặt thực tiễn, hiện nay nếu chúng ta giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ cơ bản bằng cơ chế Tòa án, không có xử lý hành chính hay là xử lý ở phạm vi hẹp thì sẽ dẫn đến quá tải cho hệ thống Tòa án về vấn đề này. “Quá tải cả về số lượng công việc cũng như chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là năng lực, sự chuẩn bị về điều kiện chuyên môn của Tòa án để giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ chưa phải đã là tốt trong điều kiện chúng ta cũng chưa có một Tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ”, vị đại biểu lưu ý. Giải trình tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, đối với các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, góp ý sửa đổi điều kiện hành nghề và kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, Ban soạn thảo sẽ tổng hợp đầy đủ và báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. “Đây là dự án luật khó, phức tạp, có tính chuyên môn sâu do đó trong quá trình tiếp thu, giải trình, không thể tránh khỏi thiếu sót, cơ quan soạn thảco sẽ tiếp tục làm việc, xin ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý đối với các ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội tại hội nghị và có giải trình cụ thể khi Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy định tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV”, Bộ trưởng cho biết. |