|
|||
Sửa đổi Luật để thúc đẩy bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vì tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế tri thức, là nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh và là công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp và nền kinh tế. Trải qua 16 năm thi hành từ khi được ban hành năm 2005 đến nay, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này. Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009 và 2019 không đáng kể, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Điều này đã được thể hiện trong chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. “Bên cạnh đó, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay với việc Việt Nam tham gia nhiều cam kết quốc tế hướng đến việc nâng cao đáng kể mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, điển hình là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Những cam kết quốc tế này đòi hỏi việc nội luật hóa thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay. Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, việc xây dựng dự án Luật đã được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm các bước: Thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập; xây dựng dự thảo; tổ chức các hội nghị hội thảo, gửi công văn xin ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan; lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, cá nhân; thẩm định hồ sơ dự án Luật; trình Chính phủ cho ý kiến về hồ sơ dự án Luật và hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội. Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 02 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm chính sách đã được thông qua. Cụ thể, bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời, khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập. Hai phương án được cân nhắc Liên quan tới vấn đề trên, theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, nội dung sửa đổi để thực hiện chính sách này được thể hiện theo hai phương án. Phương án 1 là sửa đổi Điều 86, bổ sung các Điều 86a, 133a, 136a và khoản 6 Điều 139 để quy định cụ thể về việc quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được trao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời quy định bảo lưu quyền của Nhà nước trong một số trường hợp cũng như nghĩa vụ của tổ chức chủ trì. Phương án này được đưa ra nhằm mục đích: (i) tạo động lực khuyến khích các đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) đối với phần kết quả nghiên cứu có khả năng bảo hộ SHCN, và thúc đẩy thương mại hóa đối tượng quyền SHCN đó; (ii) vẫn bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước đối với kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được bảo hộ SHCN có sử dụng ngân sách. Quy định tương tự đã được nhiều quốc gia thực hiện nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đi đầu là Hoa Kỳ, tiếp đó là các nước như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Phần Lan, Nga,...; các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Phillipines và châu lục khác như Brazil, Chile, Mexico, Argentina, Nam Phi, Úc ... cũng đã có quy định tương tự. Trong số 50 quốc gia dẫn đầu về tổng số đơn đăng ký sáng chế của công dân năm 2019, có 24 quốc gia có quy định pháp luật tương tự Luật Bayh-Dole của Hoa Kỳ. Ngay trong ASEAN, có 4 quốc gia đã có quy định tương tự. Đặc biệt, Luật Tiến bộ Khoa học Công nghệ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 2007 cũng đã quy định trao quyền đăng ký sáng chế, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Phương án 2 là giữ nguyên quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên phương án này không giải quyết được những tồn tại như việc pháp luật hiện hành (Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 9 Nghị định 103/2006/NĐ-CP) quy định quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký này. Tuy nhiên tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư thực hiện quyền đăng ký và trở thành chủ văn bằng bảo hộ thì cũng không có khả năng thương mại hóa đối tượng được bảo hộ do không có chức năng cũng như khả năng kinh doanh. Trong trường hợp để tổ chức chủ trì có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện việc giao quyền đăng ký kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Do tính chất phức tạp của tài sản trí tuệ, đặc biệt các quy định về định giá các đối tượng này mà hiện nay việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy việc giữ nguyên quy định hiện hành sẽ không thể giải quyết được các bất cập hiện nay do không đủ căn cứ pháp lý cho tổ chức chủ trì thực hiện đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trong một số trường hợp; không thúc đẩy việc khai thác, thương mại hóa các đối tượng này, làm cho giá trị đầu tư của nhà nước trở nên kém hiệu quả và quan trọng nhất là không thể “cởi trói” để thúc đẩy nguồn lực đổi mới sáng tạo của cả nền kinh tế. Đồng thời, quy định này chưa tính đến đặc thù của tài sản trí tuệ cũng như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là định hướng phát triển nền kinh tế tri thức của Việt Nam hiện nay. Trong tổng số 85 ý kiến góp ý về vấn đề này có 82 ý kiến tán thành Phương án 1, trong số đó nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả như quy định của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị TW 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đồng thời đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì trong lĩnh vực giống cây trồng và một số đối tượng của quyền tác giả; sửa đổi các văn bản luật có liên quan để thống nhất với nội dung sửa đổi nêu trên của Luật Sở hữu trí tuệ. Sau khi tiếp nhận được các ý kiến của Đại biểu quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đang tích cực nghiên cứu để giải trình và tiếp thu nhằm hoàn thiện quy định theo phương án thứ nhất là phương án được đa số đại biểu quan tâm. Liên quan đến ý kiến cần có phương án cụ thể hơn về phân chia lợi ích, cơ quan chủ trì soạn thảo đang nghiên cứu để đưa ra đề xuất về phân chia lợi ích phù hợp với Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 mà vẫn bảo đảm mục tiêu của chính sách này. Bộ KH&CN đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để nghiên cứu, rà soát và đánh giá thực trạng việc khai thác thương mại các kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và giống cây trồng. Cho đến nay, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đánh giá của chúng tôi thì chúng tôi dự kiến sẽ đề xuất với Chính phủ cho phép mở rộng đối tượng áp dụng cơ chế giao quyền đăng ký đối với kết quả nghiên cứu là đối tượng được bảo hộ giống cây trồng. Ngoài ra, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chúng tôi cũng đang nghiên cứu để sửa lại đề xuất liên quan đến vấn đề kiểm soát việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng được giao quyền theo hướng đơn giản hóa yêu cầu để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc thúc đẩy thương mại hóa các đối tượng này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang rà soát thêm để đề xuất sửa đổi các quy định của các luật liên quan văn bản quy phạm pháp luật liên quan, ví dụ như Luật KH&CN... Tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Mục tiêu chung mà Chương trình cần đạt được là triển khai hiệu quả Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và đưa sở hữu trí tuệ thành công cụ quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và góp phần tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng và doanh nghiệp. Bên cạnh việc góp phần thực hiện các mục tiêu cụ thể đã được quy định trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 theo Quyết định số 1068/QĐ- TTg (như chỉ số đơn đăng ký bảo hộ, khai thác thương mại, chỉ số đóng góp cho GDP ….), Chương trình cũng đặt ra một số mục tiêu cụ thể khác liên quan đến công tác phát triển nhân lực chất lượng cao về sở hữu trí tuệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong nước và nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực địa phương, hỗ trợ quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp và tổ chức KH&CN. Chương trình đề xuất 06 nhóm nội dung lớn, mỗi nhóm nội dung có các hoạt động cụ thể. Các nội dung chính của Chương trình cũng được đề xuất phù hợp với chu trình cơ bản của hoạt động sở hữu trí tuệ là tạo ra tài sản trí tuệ, bảo hộ, quản lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và phát triển tài sản trí tuệ.
|