Bản in
Xây dựng thương hiệu chè Bắc Sơn
Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội phối hợp với phòng kinh tế và trạm BVTV Sóc Sơn triển khai chương trình sản xuất chè an toàn sinh học trên diện tích 20 ha. Sau một năm thực hiện, chương trình đã có nhiều bước tiến mới trong việc nâng cao giá trị cây chè ở địa phương.

An toàn sinh học – hướng đi mới
Mục đích của chương trình là nhằm giúp người dân tiếp thu tiến bộ khoa học kĩ thuật đảm bảo đầu ra cho chè Bắc Sơn và hạn chế việc sử dụng nông dược, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng. Để đạt tiêu chuẩn sản xuất theo hướng an toàn sinh học, người trồng chè phải sản xuất theo đúng quy trình, từ khâu chọn giống đến khâu chăm sóc và thu hoạch đều hạn chế sử dụng hoá chất.
Mô hình này đã nhanh chóng thu hút được 30 hộ nông dân tham gia. Trong quá trình thực hiện dự án, người dân đã nhận được sự hỗ trợ của cán bộ trạm BVTV từ khâu trồng trọt, chăm sóc và thu hái, nhờ đó đã thay đổi đáng kể tập quán sản xuất
Anh Nguyễn Quang Minh – thôn Phúc Sơn cho biết: trước kia mỗi lứa chè phải phun thuốc trừ sâu vài lần và sau khi phun 2-3 ngày người dân đã thu hoạch ngay. Đến nay, mỗi lứa chỉ phun một lần và cách ly 7 -  15 ngày mới thu hoạch.
Với sự hướng dẫn của cán bộ trạm BVTV, bà con xã Bắc Sơn đã tiến hành thu hoạch chè đúng thời điểm góp phần nâng cao năng suất cây chè và đảm bảo chất lượng. Hiện nay, giá bán chè an toàn sinh học lên tới 200.000 đồng/kg và được người tiêu dùng đánh giá cao. Ông Lê Sĩ Minh, Phó Chủ tịch UBND Bắc Sơn cho biết: Sản phẩm chè Bắc Sơn đã được đăng kí bảo hộ thương hiệu tháng 10/2010. Đến nay, bà con rất phấn khởi và tin tưởng vào mô hình sẽ làm giàu cho gia đình và địa phương.
Tiếp tục hỗ trợ đầu tư
Từ những thành công ban đầu, đến nay rất nhiều hộ nông dân ở Bắc Sơn muốn tham gia sản xuất chè theo hướng này. Hiện UBND Bắc Sơn đang có chủ trương chuyển toàn bộ diện tích trồng chè của xã sang sản xuất theo hướng an toàn sinh học. Tuy nhiên, theo ông Lê Sĩ Minh để đẩy mạnh sản xuất chè an toàn sinh học cần tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để tháo gỡ khó khăn vì hiện tại người dân chủ yếu vẫn thu hái, chế biến thủ công nên năng suất chưa cao.
Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư hiện vẫn đang là bài toán khó đối với người dân Bắc Sơn khi tham gia mô hình này. Cây chè đòi hỏi nguồn vốn không nhỏ, khoảng 30 – 40 triệu đồng/ha/năm. Cùng với đó, nhiều yếu tố phục vụ cho sản xuất như thủy lợi, giao thông của người dân vẫn còn hạn chế.
Trong thời gian tới cần tiếp tục vận động người trồng chè đầu tư thâm canh, tăng năng suất. Song song với trồng, chăm sóc, thu hái chè. cần xây dựng mối liên kết với cơ sở chế biến theo hướng ổn định. Đối với tổ chức sản xuất, tiêu thụ và xúc tiến thương mại, Bắc Sơn cần kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của hiệp hội chè trên địa bàn, có đầu mối chỉ đạo, xúc tiến tạo cho cây chè và sản phẩm chè có vị thế mang lại giá trị cao. Xây dựng 100% diện tích chè ở các vùng sản xuất lớn đáp ứng yêu cầu sản xuất chè an toàn. Đặc biệt, Bắc Sơn cần thu hút mạnh hơn nữa sự hỗ trợ đầu tư trên cơ sở quy hoạch, địa phương cần chủ động quảng bá tiềm năng của mình.
Hiện nay, phát triển trồng chè đã mở ra “cửa mới” cho chè Bắc Sơn, bởi vậy để khai thác hết tiềm năng cần có sự phối hợp đồng bộ từ cơ chế chính sách, sự quyết tâm cao của nông dân, sự đam mê sáng tạo của các nhà khoa học, sự năng động của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất góp phần khẳng định thương hiệu chè Bắc Sơn.


                                    Ánh Tuyết