|
|||
Thúc đẩy bằng cơ chế, chính sách Bình Dương đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy ĐMST. Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao năng suất sản xuất đã được tỉnh quan tâm, nhiều ngành cùng triển khai thực hiện một cách hiệu quả. HĐND tỉnh đã ban hành 3 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 1 quyết định liên quan về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa ĐMST. Để các chính sách được vận dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao, việc tạo ra sân chơi, địa điểm để hiện thực hóa và “chắp cánh” cho các ý tưởng khởi nghiệp, ĐMST là điều tất yếu. Do đó, Bình Dương đã bước đầu hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST với nhiều dự án về trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và ĐMST, vườn ươm DN như: Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp; BLOCK71, các phòng thí nghiệm chế tạo (fablab)… Các dự án hướng đến xây dựng nền tảng trí thức và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phục vụ phát triển thành phố thông minh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực về khởi nghiệp sáng tạo; đào tạo các phương pháp giáo dục mới (giáo dục STEM) được đẩy mạnh. Tỉnh chủ động tổ chức nhiều cuộc thi về sáng kiến, khởi nghiệp, hướng tới tìm kiếm những ý tưởng độc đáo và khả thi để đưa vào thực tiễn, hoặc hỗ trợ mở các công ty khởi nghiệp tại Bình Dương. Đơn cử, năm 2020 tỉnh phát động cuộc thi khởi nghiệp từ nghề truyền thống tỉnh Bình Dương; tổ chức diễn đàn “Những kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên” năm 2020; tổ chức cuộc thi “Binh Duong Startup Innovation 2020”... thu hút gần 10.000 lượt học sinh, sinh viên tham gia. Tạo lập tài sản sở hữu trí tuệ Quyền SHTT là công cụ mạnh cho ĐMST, tạo ra hành lang pháp lý cho việc bảo hộ và bảo vệ tài sản trí tuệ. Đây chính là một loại tài sản quan trọng của DN, nhất là DN khởi nghiệp ĐMST, giúp tạo ra tính độc quyền, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN nói riêng và DN quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế văn hóa - xã hội nói chung. Trong hệ sinh thái ĐMST, việc kết nối giữa ý tưởng nghiên cứu từ viện, trường và các DN để có thể chuyển giao công nghệ hay thương mại hóa các sáng chế vẫn còn rất khó khăn, gặp nhiều rào cản nhất định. Để ĐMST trí tuệ được coi là tài sản của cá nhân, DN và để tạo lập tài sản SHTT từ kết quả của cá nhân, DN đòi hỏi phải có cách thức, biện pháp. Ông Trần Giang Khuê, Phó Văn phòng đại diện phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết: “Hoạt động ĐMST tạo ra tri thức mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, những quy trình mới, mô hình kinh doanh dịch vụ mới... Những “cái mới” này muốn trở thành tài sản SHTT thì chúng ta phải dựa vào dấu hiệu nhận biết. Tính mới, khả năng đưa ra thương mại, tính thẩm mỹ đẹp hơn không, sự khác biệt… để đánh giá những “cái mới” có phải SHTT hay không. ĐMST chính là khởi nguồn để tạo ra tài sản SHTT. Thứ nhất, hoạt động tạo lập ra tài sản SHTT là tạo ra mới hoàn toàn, hình thành từ nhu cầu thị trường, ý tưởng. Thứ 2, chúng ta cải tạo, cải tiến các sản phẩm. Thứ 3, có thể mua tài sản SHTT của người khác, tùy chúng ta tạo lập tài sản SHTT sao cho phù hợp”. Ông Trần Giang Khuê, Phó Văn phòng đại diện phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ: “ĐMST chính là “chìa khóa” cho sự thành công. Trong kinh doanh, ĐMST là tiền đề để tạo ra sự thay đổi, sự thay đổi này luôn giúp cho DN nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đôi khi tăng giá trị sản phẩm, tăng giá thành sản phẩm, lợi nhuận cao hơn. Ở quy mô quốc gia, ĐMST chính là khoa học công nghệ nội sinh, tạo ra các tài sản SHTT mới, sáng chế mới, công nghệ mới, giúp đất nước nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế”. |