Bản in
Sở hữu trí tuệ và các công nghệ chuyển đổi số - cơ hội cho Việt Nam
Ngày 16/10/2021, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến “Sở hữu trí tuệ và các công nghệ chuyển đổi số - cơ hội cho Việt Nam”.

Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ thêm vai trò, giá trị của sở hữu trí tuệ và các công nghệ chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tận dụng tốt nguồn lực tri thức trẻ được đào tạo bài bản trong và ngoài nước nhằm giúp Việt Nam bắt kịp các xu hướng công nghệ chuyển đổi số trên thế giới, đặc biệt là việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ như một công cụ chiến lược để khơi thông năng lực nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi số quốc gia.

Hội thảo thu hút sự quan tâm, tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý, đặc biệt là vai trò xung kích của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Tại hội thảo, các diễn giả đến từ các tổ chức trong và ngoài nước đã tập trung trao đổi, chia sẻ thông tin rất hữu ích về nhiều chủ đề: TS. Tràng Nguyễn – CEO của HUEPRESS JSC, Research Fellow Viện nghiên cứu phát LiFi, Vương quốc Anh với tham luận “Xu hướng công nghệ chuyển đổi số trên thế giới hiện nay”; “Giải pháp phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia” do TS. Đinh Ngọc Thạnh, Giáo sư tập sự, Soongsil University, Hàn Quốc trao đổi; “Xu hướng công nghệ chuyển đổi số trong bối cảnh Việt Nam” của TS. Trọng Hải, Sáng lập, CEO của Hspace; “Hiệu lực bảo vệ, khai thác quyền sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi số - Cơ hội nào cho Việt Nam?” của TS. David Ngô – Chủ tịch Công ty Cổ phần IPGROUP; “Chiến lược quản trị tài sản trí tuệ - Chìa khoá khơi thông năng lực nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi số tại các trường, viện và doanh nghiệp” do TS. Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ.

Ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trình bày tham luận tại hội thảo

Theo các diễn giả, chuyển đổi số và kinh tế tri thức - tài sản vô hình, là tri thức và được coi như một loại hàng hoá đặc biệt. Sở hữu trí tuệ cần được đưa vào triển khai ứng dụng trong thực tế như một công cụ hữu hiệu thúc đẩy và là chìa khoá khơi thông hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung và hoạt động đổi mới sáng tạo gắn với thương mại, kinh doanh trên nền tảng số nói riêng.

Bên cạnh việc phân tích thực trạng, xu hướng và những khó khăn, thách thức của khai thác tài sản sở hữu trí tuệ, hoạt động chuyển đổi số, các diễn giả và đại biểu dành nhiều thời gian để bàn luận các giải pháp khai thác, quản trị hoạt động sở hữu trí tuệ, chuyển đổi số, giải pháp để phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đầu tư công nghệ thế nào để bắt kịp thế giới,…

Theo đó, trong bối cảnh hiện nay, viện, trường, doanh nghiệp cần quản trị hoạt động sở hữu trí tuệ hiệu quả để phát triển bền vững, chủ động quyền sở hữu trí tuệ để chuyển đổi số thành công. Chiến lược sở hữu trí tuệ với các chiến lược khác của viện, trường, doanh nghiệp có mối liên hệ mật thiết không tách rời, bởi hoạt động này nhằm phát triển giá trị gia tăng và đảm bảo lợi nhuận thông qua việc sáng tạo, bảo hộ và sử dụng tài sản trí tuệ. Quyền sở hữu trí tuệ như một công cụ để xây dựng hoạt động kinh doanh chứ không phải chỉ là việc tạo ra được các quyền sở hữu trí tuệ như là mục đích cuối cùng của doanh nghiệp. Các công nghệ số được tạo ra dựa trên quyền sở hữu trí tuệ, được bảo hộ, khai thác và bảo vệ hiệu quả cho việc cung ứng hàng hóa và dịch vụ.

Với việc đầu tư công nghệ, các chuyên gia cho rằng cần được triển khai sớm, đi tắt đón đầu, trước khi công nghệ đã rõ ràng. Nhà nước cần có “cách mạng” về chính sách, còn doanh nghiệp khởi nghiệp cần tạo được “cách mạng” về công nghệ. 

Đại biểu trẻ trong và ngoài nước tham gia Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV để cùng hiến kế, góp sức trẻ và trí tuệ của mình cho khát vọng xây dựng đất nước hùng cường dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số có thể đăng ký tại link: trithuctrevietnam.vn.

Tin, ảnh: Hạnh Nguyên