Bản in
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản: Cơ hội mới cho thanh long Bình Thuận
Vào tháng ba năm nay, những người trồng vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang) không khỏi vui mừng khi nhận được thông tin vải thiều Lục Ngạn chính thức trở thành sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) tại Nhật Bản.

Đây là yếu tố quan trọng để khẳng định chất lượng và giúp sản phẩm chiếm được lòng tin của người tiêu dùng ở một trong những thị trường “khó tính” hàng đầu thế giới. Có lẽ nhờ đó mà trong vụ xuất khẩu vải thiều năm nay, “khách hàng Nhật Bản phản hồi về chất lượng vải tốt hơn năm ngoái. Các lô hàng đều tiêu thụ hết trong vòng hai, ba tiếng”, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT) trả lời trên báo Chính phủ điện tử.

Ít ai biết rằng ngoài vải thiều Lục Ngạn, hai sản phẩm khác cũng đang trong quá trình “chạy nước rút” để theo đuổi bảo hộ CDĐL ở Nhật Bản là thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là ba sản phẩm được tiến hành đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN Việt Nam) và Cục Công nghiệp thực phẩm (Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản - MAFF) từ năm 2017. Hiện nay, đơn đăng ký bảo hộ CDĐL thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản đã trải qua hai lần thẩm định và vừa kết thúc thời gian tiếp nhận ý kiến của bên thứ ba vào ngày 21/9 vừa qua. “Theo dự kiến, đến cuối tháng chín này, Nhật Bản sẽ tổ chức họp hội đồng chuyên gia. Trên cơ sở đó, họ sẽ đưa ra quyết định chính thức về việc cấp giấy chứng nhận bảo hộ CDĐL ở Nhật Bản cho sản phẩm thanh long Bình Thuận”, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT (Bộ KH&CN) cho biết. Nếu không có gì thay đổi, thanh long Bình Thuận sẽ sớm trở thành CDĐL thứ hai của Việt Nam được bảo hộ tại Nhật Bản.

“Cũng giống như vải thiều Lục Ngạn, việc cấp CDĐL cho thanh long Bình Thuận có ý nghĩa rất lớn đối với việc xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản nói riêng và các nước nói chung”, ông Đinh Hữu Phí nhận xét. Ngoài tác dụng bảo vệ thương hiệu cho nông sản, tránh bị “đánh cắp” thương hiệu khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang CDĐL ở Nhật Bản thường có giá bán cao hơn thông thường và được người dân nơi đây ưa chuộng vì “họ hiểu rẳng, các sản phẩm này đã được MAFF đứng ra bảo đảm chất lượng, do vậy, họ sẽ tin tưởng và sẵn sàng mua sản phẩm đó hơn”, TS. Nguyễn Phương Thúy ở Khoa Đông phương học, trường Đại học KHXN&NV (ĐHQGHN) giải thích trong bài giảng trực tuyến về đăng ký bảo hộ CDĐL tại Nhật Bản vào tháng chín vừa qua. Việc được cấp CDĐL ở thị trường như Nhật Bản sẽ góp phần nâng cao danh tiếng của thanh long Bình Thuận và tạo điều kiện thuận lợi khi bước sang các thị trường khác.

Đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ cao

Dù xuất phát cùng thời điểm nhưng thời gian “cán đích” của các CDĐL trên lại không giống nhau. Thực tế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau song nhìn chung, “việc đăng ký bảo hộ CDĐL cho các sản phẩm của Việt Nam tại Nhật Bản thường gặp khó do tiêu chuẩn của họ rất cao và chặt chẽ”, ông Đinh Hữu Phí cho biết.

Khác với các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa thông thường, CDĐL là dấu hiệu dùng để sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang CDĐL do điều kiện địa lý quyết định, bao gồm yếu tố tự nhiên (khí hậu, thủy văn, địa chất,...) hoặc yếu tố con người (kỹ năng người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương,...). Đây cũng là yếu tố quan trọng nhất cần chứng minh trong quá trình đăng ký bảo hộ CDĐL. Chẳng hạn, CDĐL Bình Thuận được cấp cho sản phẩm thanh long ở Việt Nam vào năm 2006 nhờ đặc tính thịt quả chắc giòn, có vị ngọt chua và mùi thơm đặc trưng, hạt nhỏ và ít, giàu các chất dinh dưỡng. Các đặc tính này có được là nhờ điều kiện tự nhiên của vùng trồng - phía Tây là núi cao, phía Đông giáp biển, có nhiệt độ trung bình và số giờ nắng cao, phù hợp với quá trình phát triển của cây thanh long.

Thoạt nhìn, yêu cầu này cũng khá tương đồng với quy định của Nhật Bản. “Trong đơn đăng ký bảo hộ CDĐL cho thanh long Bình Thuận ở Nhật Bản, ngoài những thông tin cơ bản về đặc tính, phương pháp sản xuất, hình thái sản phẩm,... một nội dung quan trọng là chứng minh đặc tính của thanh long Bình Thuận có được là do trồng ở Bình Thuận chứ không phải ở nơi khác, và [những người sản xuất nơi đây] đã trồng thanh long trên 25 năm và duy trì được chất lượng ổn định”, TS. Nguyễn Phương Thúy cho biết.

Tuy nhiên, điểm khác biệt nhất là phía Nhật Bản yêu cầu các đặc tính này phải được xác định bằng các chỉ tiêu định lượng, do các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan kiểm chứng. Đây cũng là điểm yếu mà các CDĐL của Việt Nam thường gặp phải. “Thông thường chúng ta vẫn nói rằng quả này ngọt, hương vị thơm mát,... tuy nhiên, mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau. Thay vì mô tả chung chung như vậy, cần phải làm rõ ngọt như thế nào, thể hiện qua hàm lượng đường là bao nhiêu,...”, TS. Nguyễn Phương Thúy giải thích. Chẳng hạn trong trường hợp vải thiều Lục Ngạn, Nhật Bản đã yêu cầu làm rõ “vị ngọt đậm” của vải thiều Lục Ngạn là như thế nào, có được nhờ yếu tố gì,... Trong khi đó, hầu hết các nghiên cứu về nông sản Việt Nam nói chung và vải thiều nói riêng thường tập trung vào kỹ thuật canh tác, phương pháp bảo quản,... chứ ít nghiên cứu sâu về quả vải. Bởi vậy, quá trình tìm kiếm và thu thập các tài liệu đáp ứng yêu cầu Nhật Bản đã tốn không ít thời gian và công sức của cả Sở KH&CN Bắc Giang.

Nỗ lực từ nhiều bên

Những bài học kinh nghiệm trong quá trình theo đuổi đăng ký bảo hộ CDĐL cho vải thiều Lục Ngạn ở Nhật Bản đã giúp Cục SHTT có những biện pháp hỗ trợ bài bản hơn với thanh long Bình Thuận “Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý, sử dụng CDĐL thanh long Bình Thuận như Sở KH&CN tỉnh Bình Thuận, Hiệp hội thanh long Bình Thuận,... kết hợp với một đơn vị tư vấn phía Nam do chúng tôi thuê, đã đến tận vùng trồng thanh long để khảo sát, điều tra nghiên cứu và tìm ra số liệu đáp ứng yêu cầu của phía Nhật Bản”, ông Đinh Hữu Phí cho biết. Bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật, “Cục SHTT còn tìm cách vận dụng sức mạnh tổng hợp, từ lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT, các địa phương, đại sứ quán của mình bên Nhật và đại sứ quán Nhật Bản ở đây để tác động với các bên liên quan ở Nhật Bản,... Nói chung, gần như toàn bộ hệ thống đều vào cuộc”.

Sau nhiều lần hoàn thiện hồ sơ, tài liệu để đáp ứng các yêu cầu của phía Nhật Bản, đến nay quá trình đăng ký bảo hộ CDĐL cho thanh long Bình Thuận ở Nhật Bản đã đi đến chặng cuối cùng. “Đến ngày 21/9/2021, MAFF đã dừng tiếp nhận ý kiến của bên thứ ba liên quan đến hồ sơ đăng ký bảo hộ CDĐL cho thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản. Về cơ bản, nếu không có ý kiến phản đối có lý do chính đáng, MAFF sẽ tiếp tục tiến hành các thủ tục đăng ký cho thanh long Bình Thuận”, TS. Nguyễn Phương Thúy cho biết. Kết quả chính thức sẽ được thông báo sau cuộc họp hội đồng chuyên gia của phía Nhật Bản dự kiến diễn ra vào cuối tháng chín. Quy trình này cũng giống với CDĐL vải thiều Lục Ngạn hồi tháng ba vừa qua, một tuần sau cuộc họp hội đồng chuyên gia, vải thiều Lục Ngạn chính thức được bảo hộ CDĐL tại Nhật Bản.

Nhiều kỳ vọng đang đặt vào kết quả bảo hộ CDĐL cho thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Đinh Hữu Phí cũng nhấn mạnh rằng “đăng ký bảo hộ CDĐL mới chỉ là giai đoạn đầu tiên. Điều quan trọng là sau khi đăng ký xong, chúng ta phải duy trì bảo đảm chất lượng để phát triển bền vững sản phẩm này như thế nào”. Chẳng hạn, với CDĐL vải thiều Lục Ngạn sau khi được bảo hộ tại Nhật Bản, “họ yêu cầu phải có báo cáo định kỳ về chất lượng sản phẩm xem có đáp ứng đúng các yêu cầu hay không”, ông Đinh Hữu Phí cho biết. Do vậy, “chúng ta phải xây dựng quy chế tổ chức quản lý, kiểm soát quy trình sản xuất, tem mác, nguồn gốc như thế nào, dư lượng kháng sinh ra sao, quản lý phạm vi vùng trồng như thế nào,... tránh trường hợp sau khi được bảo hộ CDĐL xong, sản phẩm tăng giá bán, một số nhà sản xuất mở rộng diện tích trồng vượt ra phạm vi vùng bảo hộ, dẫn đến không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến giá trị của CDĐL”.

Thanh long Bình Thuận

Là một trong những tỉnh trồng thanh long nhiều nhất Việt Nam, mỗi năm Bình Thuận thu hoạch được gần 700.000 tấn thanh long từ 33.482 ha. Trong vòng năm năm từ 2016-2020, diện tích trồng thanh long của cả tăng gần 24%, sản lượng tăng gần 35%.

Hiện nay việc tiêu thụ thanh long trên thị trường nội địa chỉ chiếm khoảng 15% sản lượng, 85% còn lại tập trung cho xuất khẩu. Tuy nhiên, lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ rất thấp khi chỉ dao động trong khoảng 2 đến 3%, số còn lại tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc hoặc bán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh và các doanh nghiệp này trực tiếp xuất khẩu. Vì vậy, việc đưa quả thanh long sang Nhật Bản sẽ mang một ý nghĩa quan trọng với Bình Thuận, đó là tạo cơ hội xuất khẩu thanh long có “danh phận”, có giá cả ổn định và cơ hội nâng cao năng lực trồng trọt cũng như làm ra những sản phẩm chất lương cao, tạo đà cho những loại hoa trái khác trong tương lai.

Hiện tại có năm địa phương thuộc khu vực sản xuất thanh long mang CDĐL: huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, huyện Bắc Bình và thành phố Phan Thiết.