Bản in
Sắp có nhãn hiệu “Rau Đà Lạt”
10-12 sản phẩm rau của 3 vùng là TP. Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương thuộc tỉnh Lâm Đồng sẽ được kiểm định đợt đầu và công bố chính thức nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” trên toàn quốc vào tháng 6 tới.

Những sản phẩm này sẽ được xây dựng một bộ quy chuẩn về các tiêu chí như đất trồng, nước tưới, giống, phân bón, thu hoạch, đóng gói theo quy trình GAP (Good Agricultural Practices).
Để được cấp nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” điều kiện “cần” là rau phải đi đúng lộ trình của GAP. Theo đó, trước hết phải đạt “Rau an toàn”, sau đó đạt các cấp độ khác như VietGAP, EurepGAP, GlobalGAP.
Dự kiến sẽ có13 sản phẩm để kiểm định là: bắp cải, cải thảo, xúp lơ, cà chua, đậu cô ve, ớt ngọt, xà lách, khoai tây, cà rốt, bó xôi, xà lách xong, nấm bào ngư, hành tây.
Báo cáo sơ bộ của 3 địa phương này, tổng sản lượng rau hàng năm đạt khoảng 115 triệu tấn, trong đó Đơn Dương chiếm 50%. Đây cũng là 3 địa phương  đã ứng dụng sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và mang hiệu quả kinh tế cao. Hiệu quả sản xuất của rau cao cấp cao gấp 2 lần bình quân chung (đạt doanh thu bình quân 400 triệu đồng/ha).
Theo quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng, sản phẩm được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Rau Đà Lạt” là rau trồng trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận là  huyện Đức Trọng và Đơn Dương. Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” có thời hạn trong 3 năm do UBND thành phố Đà Lạt cấp. 
Tỉnh Lâm Đồng cũng giao cho 3 địa phương Đà Lạt, Đức Trọng và Đơn Dương cùng phối hợp quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Rau Đà Lạt”. Sự bắt tay giữa 3 địa phương này không chỉ là phối hợp quản lý mà còn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, thu hoạch, sơ chế cũng như đầu ra cho sản phẩm.
Thời gian qua không ít rau từ Trung Quốc, rau từ một số địa phương khác đã bị gian thương trà trộn, làm giả rau Đà Lạt. Nhãn hiệu này ra đời sẽ giúp rau Đà Lạt được bảo hộ tốt hơn.
Báo cáo gần đây của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2010 toàn tỉnh có 7 đơn vị được chứng nhận GlobalGAP, 1 đơn vị chứng nhận rau hữu cơ, 53 tổ chức, cá nhân sản xuất rau được cấp chứng nhận VietGAP và 55 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận “Rau an toàn” với tổng diện tích 600 ha. Đây là những cơ sở thuận lợi cho Lâm Đồng triển khai thực hiện quy trình đóng dấu “Rau Đà Lạt” lên sản phẩm của mình sắp tới. 
                                  

Nguyễn Uyên (Tổng hợp)