|
|||
Tham dự Hội thảo có đồng chí Phạm Công Tạc – Thứ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Nguyễn Huy Dũng – Thứ trưởng Bộ TT&TT; đồng chí Nguyễn Văn Trường – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ NN&PTNN; đồng chí Hà Văn Siêu – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VHTT&DL; đồng chí Ngô Văn Cương – Bí thư Trung ương Đoàn; đồng chí Lê Vũ Tiến – Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN; đồng chí Tạ Hồng Sơn – Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ NN&PTNN; đồng chí Tô Linh Hương – Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ VHTT&DL; đồng chí Nguyễn Anh Cương – Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT; cùng các chuyên gia và đông đảo đoàn viên thanh niên thuộc 4 bộ và các Tỉnh Đoàn: Bắc Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc. Hội thảo được tổ chức nhằm hướng đến chào mừng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), Ngày KH&CN Việt Nam (18/5) và Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021). Hội thảo sử dụng nền tảng công nghệ SmartROOM tổ chức 5 điểm cầu trực tuyến tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Quảng Ninh và Vĩnh Phúc. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với vai trò của sở hữu trí tuệ Hội thảo là diễn đàn để đoàn viên, thanh niên tiếp cận, khai thác các quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong sản xuất, kinh doanh và việc triển khai Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020 và Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/08/2019 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược về sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Hội thảo quy tụ, kết nối, thúc đẩy, phát huy vai trò đoàn viên, thanh niên thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực KH&CN, TT&TT, VHTT&DL, NN&PTNN cũng như một số địa phương. Chương trình Hội thảo tập trung chia sẻ và thảo luận về 5 nhóm nội dung chính: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với vai trò của SHTT và thúc đẩy chuyển đổi số; Thực trạng chuyển đổi số trong du lịch; Quyền SHTT - Công cụ gắn kết sản phẩm OCOP và du lịch; Chuyển đổi số cấp xã với mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị; Câu chuyện chuyển đổi số tại doanh nghiệp cụ thể. Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ NN&PTNN cho biết, Chương trình OCOP phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực gắn với đơn vị làng, xã để tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, ngành nghề, dịch vụ nông thôn có lợi thế; gắn với văn hóa, truyền thống ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Chủ thể tham gia Chương trình là các thành phần kinh tế, đặc biệt là các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn. Sau 3 năm triển khai, Chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp. Đã có 60/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, 4.733 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên, trong đó, 62,16% sản phẩm đạt 3 sao, 36,1% sản phẩm đạt 4 sao và 1,74% sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hơn 2.596 chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó 37,8% là các HTX, 27,7% là doanh nghiệp, 31,7% là cơ sở sản xuất, còn lại là tổ hợp tác. Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì (Hà Giang); chè Tân Cương (Thái Nguyên); cà phê (Sơn La), lúa gạo (Sóc Trăng, An Giang)…; hình thành 393 chuỗi giá trị OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của HTX và doanh nghiệp. Nhấn mạnh vai trò của SHTT trong phát triển sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, SHTT là một trong những công cụ để thực hiện các hoạt động tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại, tổ chức quảng bá và phát triển thương mại sản phẩm, xây dựng và bảo vệ thương hiệu đối với sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý. Việc khai thác các thương hiệu (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) giúp các sản phẩm OCOP phát huy được các giá trị của cộng đồng, đặc biệt về chất lượng, văn hóa và tổ chức cộng đồng. Đồng thời, góp phần thúc đẩy việc bảo hộ các sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với những thương hiệu của địa phương. Trong giai đoạn tới, Chương trình OCOP sẽ có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP gắn với vai trò và phát huy giá trị của các thương hiệu địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Tại Hội thảo, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT, Bộ KH&CN nhấn mạnh vai trò của việc bảo hộ nhãn hiệu đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và sản phẩm OCOP, du lịch. Theo đó, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho phép doanh nghiệp có thể tối đa hóa sự khác biệt của sản phẩm, quảng cáo và tiếp thị để từ đó nâng cao khả năng nhận biết sản phẩm hoặc dịch vụ tại các thị trường quốc tế; thiết lập mối liên hệ trực tiếp với khách hàng nước ngoài. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2018 – 2020, Cục SHTT đã hỗ trợ nông dân quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho đặc sản của địa phương dưới các hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhẫn hiệu tập thể; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao giá trị các nông sản gắn với địa danh. Đã cấp 517 đơn nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý liên quan đến các nghành nghề nông nghiệp nông thôn, trong đó: 337 nhãn hiệu tập thể; 165 nhãn hiệu chứng nhận và 15 chỉ dẫn địa lý hình thành các sản phẩm OCOP. SHTT là một công cụ đắc lực trong lĩnh vực du lịch trong việc tăng độ nhận diện và ghi nhớ của khách du lịch với một địa điểm du lịch hoặc một sản phẩm du lịch tích hợp cả dịch vụ lưu trú và nghỉ dưỡng. Có thể thấy rằng, nhãn hiệu là đối tượng SHTT chính để phát triển ngành công nghiệp du lịch, đặc biệt là nhãn hiệu chỉ dẫn địa danh, ông Hồng cho biết. Thanh niên cần thể hiện vai trò xung kích, sáng tạo
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội thảo. Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho rằng, bốn từ khóa được sử dụng tại hội thảo là “Chuyển đổi số - Sở hữu trí tuệ - Du lịch - OCOP”. Việc tập hợp nhiều vấn đề, nhiều từ khóa trong hội thảo đã thể hiện khát vọng của các đoàn viên, thanh niên ở các Bộ - những người có sức trẻ, nhiệt huyết, quyết tâm, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thách thức và sẽ đóng góp được cho đất nước. Hội thảo cũng khẳng định vị trí, trách nhiệm, vai trò sáng tạo, xung kích của đoàn viên, thanh niên trong tiếp cận với tiến bộ KH&CN mới, thúc đẩy khai thác các quyền SHTT, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra những cơ hội, đưa nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống trong bối cảnh mới đầy cơ hội và thách thức. Chia sẻ tại Hội thảo, ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT đề cập đến chủ đề Ngày SHTT thế giới năm nay: “SHTT và doanh nghiệp nhỏ và vừa: Mang ý tưởng của bạn đến với thị trường”, nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong khai thác quyền SHTT vào thị trường. Ông Trần Lê Hồng cũng đã đề xuất một số giải pháp gợi mở, cách thức để đoàn thanh niên tham gia và thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ông Hồng cho rằng thanh niên cần nâng cao kiến thức về SHTT và khẳng định, Cục SHTT sẽ đồng hành với Trung ương Đoàn tổ chức triển khai các lớp bồi dưỡng kiến thức về SHTT cho cán bộ đoàn và các bạn trẻ khởi sự kinh doanh trong thời gian tới.
Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương và các diễn giả trao đổi tại chương trình. Nhấn mạnh vai trò của thanh niên, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo của đoàn thanh niên 4 Bộ với sự kết nối của các Tỉnh thành Đoàn. Đồng thời cho rằng thời gian tới Trung ương Đoàn sẽ chọn đây là mô hình điểm để nhân rộng, tổ chức được nhiều hội thảo trên cả nước, tuyên truyền đến đoàn viên thanh niên về những vấn đề Chính phủ đang triển khai. Đặt ra nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm để làm sao thúc đẩy vấn đề chuyển đổi số, SHTT. Theo ông Cương, thanh niên có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nâng cao nhận thức của xã hội về KH, CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ứng dụng kiến thức về các lĩnh vực này để khởi nghiệp, lập nghiệp và góp phần phát triển văn hoá SHTT trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Hình ảnh từ điểm cầu Bắc Giang. Chia sẻ ở đầu cầu Bắc Giang, đại diện HTX thanh niên Bắc Giang momg muốn được hỗ trợ các kiến thức về KH&CN thông qua chuyên gia, quy trình đăng ký nhãn hiệu để khai thác thương mại và xây dựng thương hiệu tốt hơn trong thời gian tới.
Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN Lê Vũ Tiến phát biểu tại hội thảo. Đại diện Ban Tổ chức, ông Lê Vũ Tiến – Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN chia sẻ, xuất phát từ thông điệp của của Ngày SHTT thế giới năm nay, với vai trò, trách nhiệm của lực lượng thế hệ trẻ của khối các cơ quan Trung ương, đang trực tiếp tham gia vào các lĩnh vực như nông nghiệp, dịch vụ du lịch, KH&CN, TT&TT…, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của 4 Bộ đã liên kết ý tưởng, phối hợp tổ chức Hội thảo. Đây là diễn đàn để đoàn viên, thanh niên tiếp cận, khai thác các quyền SHTT trong sản xuất, kinh doanh và việc phát triển du lịch gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Trong khuôn khổ sự kiện, Đoàn thanh niên các Bộ KH&CN, TT&TT, VHTT&DL, NN&PTNT đã ký kết Biên bản ghi nhớ chương trình hợp tác công tác Đoàn và phong trào thanh niên giai đoạn 2021 – 2022. Hội thảo có sự đồng hành của Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển cộng đồng (TOTA R&D) và Công ty Quản lý DUCAPITAL Holding.
Lãnh đạo Bộ KH&CN và Bộ TT&TT tặng hoa cho đại diện Đoàn thanh niên. Bài, ảnh: Hạnh Nguyên |