Bản in
Dabaco: gắn sở hữu trí tuệ với chiến lược sản xuất, kinh doanh Dabaco.
Một trong những yếu tố then chốt giúp Dabaco phát triển và đạt được thành tựu như hiện nay, chính là việc Dabaco nhận thức rõ tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ cũng như đặc biệt quan tâm xây dựng phát triển thương hiệu trên nền tảng của sở hữu trí tuệ, gắn sở hữu trí tuệ với chiến lược sản xuất, kinh doanh của Dabaco.

DN chú trọng đến bảo hộ sở hữu trí tuệ

Ngay từ khi thành lập năm, Dabaco đã ý thức và quan tâm đến vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ thông qua việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Đến nay, DABACO đã đăng ký bảo hộ cho 26 Nhãn hiệu, 02 kiểu dáng công nghiệp. Trong đó, 22 nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ, 04 nhãn hiệu đang chờ thẩm định nội dung, 02 kiểu dáng công nghiệp đã được chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ hợp lệ. Hiện nay, với hơn 50 đơn vị thành viên, tổng giá trị tài sản là 10.088 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 3.713 tỷ, doanh thu đạt gần 13.000 tỷ đồng/ năm; hoạt động trên 10 lĩnh vực.

Tuy nhiên, các hoạt động sở hữu trí tuệ của Dabaco mới chỉ dừng lại ở việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ mà chưa có đánh giá tổng thể về tầm quan trọng, ảnh hưởng của sở hữu trí tuệ đến sự tồn tại của doanh nghiệp, chưa có chiến lược hay chính sách về sở hữu trí tuệ cùng hệ thống văn bản, quy trình quản trị quyền sở hữu trí tuệ.

Trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã được giao chủ trì thực hiện dự án: “Xây dựng, vận hành tổ chức hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ trong Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam”. Cụ thể, Năm 2017, DABACO vinh dự được Bộ KHCN lựa chọn là một trong 02 đơn vị được giao thực hiện Dự án: “xây dựng, vận hành tổ chức quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ trong công ty” thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 1393/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và công nghệ ngày 23/5/2018. Để triển khai dự án, ngày 06/5/2019 DABACO đã ban hành Quyết định 416/QĐ-DBC về việc thành lập Ban SHTT với chức năng tham mưu cho chủ tịch HĐQT, quản lý điều hành mọi hoạt động sở hữu trí tuệ của Tập đoàn Dabaco Việt Nam. Những hoạt động trọng tâm là: Tạo lập, Quản lý, thực thi, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ. Đến nay Dự án đã bước đầu đã đem lại những hiệu ứng tích cực như việc giúp DABACO xây dựng và quản lý hệ thống tài sản trí tuệ của mình; có định hướng quản lý sử dụng, khai thác phát triển khối tài sản trí tuệ của mình hiệu quả hơn…
 
 
Là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Tập đoàn,tài sản trí tuệ (TSTT) đối với DABACO có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh. Nghiên cứu quá trình phát triển của DABACO cho thấy, trong chiến lược, kế hoạch kinh doanh tập đoàn luôn sử dụng các TSTT như các bí quyết kỹ thuật, quy trình/quy chuẩn, các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bản quyền,… là một công cụ mạnh để làm đòn bẩy tìm kiếm các nguồn lực để đầu tư và phát triển doanh nghiệp; tài sản trí tuệ đang ngày càng trở thành tâm điểm cho sự thành công trong các kế hoạch của tập đoàn.

Cụ thể là, tổng số nhãn hiệu DABACO đang có là trên 58 nhãn hiệu; tuy nhiên, hiện nay DABACO mới chỉ tiến hành xác lập quyền cho 24 nhãn hiệu, trong đó có 22 nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ (ngoài 18 nhãn hiệu đã được liệt kê ở bảng trên thì DABACO đã tiến hành đăng ký 04 nhãn hiệu chung của Tập đoàn là: Logo DABACO, DABACO food, DBC DABACO food, DABACO (DABACO Group), có 02 nhãn hiệu đang trong giai đoạn được Cục sở hữu trí tuệ thẩm định về mặt nội dung là Transeco và Sstar; còn 34 nhãn hiệu còn lại hiện nay DABACO chưa tiến hành đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Đối với tên thương mại, DABACO đang sở hữu 48 tên thương mại tương ứng với tên của các đơn vị thành viên nhưng hiện nay chưa có tên thương mại nào tiến hành bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đối với kiểu dáng công nghiệp, DABACO sở hữu trên 200 kiểu dáng công nghiệp đối với các loại bao bì thức ăn chăn nuôi, bao bì phân bón; túi đựng, hộp đựng dùng cho siêu thị, nhà hàng, Nhà máy chế biến trứng, công ty thực phẩm nhưng chưa có kiểu dáng nào thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ.

Thông qua quá trình kiểm toán các TSTT cho thấy DABACO sở hữu số lượng các TSTT rất lớn, đặc biệt là các nhãn hiệu, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, bí mật kinh doanh,…; tuy nhiên, số lượng các TSTT được đăng ký bảo hộ theo quy định của Pháp luật là rất thấp (so với số lượng mà đơn vị sở hữu); các tài sản đã được đăng ký bảo hộ chủ yếu là các nhãn hiệu; với các tài sản trí tuệ được đánh giá cao như các bí mật kinh doanh, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế chưa thực hiện các thủ tục đăng ký theo quy định; đặc biệt, đối với các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hiện nay có khả năng đăng ký bảo hộ thấp do đã được sử đụng một cách rộng rãi trong quá trình sản xuất kinh doanh tại các đơn vị thành viên của Tập đoàn. Bên cạnh đó, DABACO hiện chưa có các hệ thống các chính sách, chiến lược, giải pháp để bảo vệ các TSTT của Tập đoàn, vì vậy rất dễ xẩy ra tình trạng các tài sản trí tuệ sẽ bị đánh cắp hoặc sao chép, có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh chung của DABACO.
 
...Gắn với xác lập quyền

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, Dabaco đã tạo dựng được hệ thống TSTT khá lớn, để bảo vệ khối tài sản đó Dabaco đã xây dựng quy chế về thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Quy chế bao gồm các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như: biện pháp dân sự, hành chính, hình sự, biện pháp khẩn cấp tạm thời… Từ đó, hành lang pháp lý quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ của Dabaco được xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện tại Tập đoàn và các công ty/đơn vị thành viên. Những quy chế, quy định này đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ của Dabaco.
 
 
Bên cạnh đó, Dabaco đã thành lập Ban sở hữu trí tuệ  nhằm quản lý chung toàn bộ hoạt động sở hữu trí tuệ của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Tại tất cả các công ty, đơn vị thành viên của Dabaco cũng đều có cán bộ phụ trách hoạt động sở hữu trí tuệ nhằm tạo thành hệ thống quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ thống nhất, xuyên suốt đem lại hiệu quả quản lý cao. Sau khi quy chế được ban hành, Ban sở hữu trí tuệ là bộ phận được giao trách nhiệm phổ biến quy chế đến tất cả các đơn vị thành viên đồng thời chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ khối tài sản trí tuệ của Tập đoàn và các đơn vị thành viên; hỗ trợ các đơn vị trong công tác bảo vệ tài sản trí tuệ của họ.
 
Trong quá trình thực hiện, Ban sở hữu trí tuệ đã phối hợp với bộ phận thị trường của các Nhà máy, công ty/đơn vị thành viên thường xuyên cập nhật, rà soát tình hình hoạt động sở hữu trí tuệ, các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên thị trường của Dabaco và các đối tác trong ngành nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Dabaco.  Ban Sở hữu trí tuệ và các đơn vị đã xây dựng mối quan hệ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền/hội/hiệp hội sở hữu trí tuệ, Cục sở hữu trí tuệ, Cục quản lý thị trường…, các tổ chức truyền thông các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu trí tuệ nhằm thực thi và bảo vệ tối đa khối tài sản trí tuệ của Dabaco.  Qua đó, Dabaco đã phát hiện một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình như: xâm phạm nhãn hiệu Nasaco, nhãn hiệu thức ăn chăn nuôi Topfeed, hoặc việc buôn bán các sản phẩm trứng gà nhái thương hiệu của Dabaco…
 
Trong khuôn khổ của dự án, căn cứ báo cáo kết quả kiểm toán tổng thể hệ thống tài sản trí tuệ của Dabaco, và tư vấn phối hợp của Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh, bước đầu Dabaco đã tiến hành thực hiện một số hoạt động xác lập quyền và tuyên bố quyền đối với một số TSTT như: Nhãn hiệu Vijaco; kiểu dáng công nghiệp chai dầu ăn, nhãn hiệu rau quả sạch Dabaco; Nhãn hiệu cà phê Phong Thủy, nhãn hiệu Hiệp Quang, nhãn hiệu gà giống Dabaco…
 
Mức độ nhận diện thương hiệu của Dabaco được mở rộng tới nhiều đối tượng khách hàng, đối tác, nhà đầu tư hơn. Hệ thống nhận diện thương hiệu được đưa vào ứng dụng đồng bộ tại Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã đem lại hiệu quả nhận diện rõ rệt. Các quy chuẩn logo thương hiệu Tập đoàn; Bộ nhận diện như: lịch, thiệp mời, biển hiệu, sổ làm việc, đồng phục... được in ấn và đưa vào sử dụng; Hệ thống catalog, hệ thống quảng cáo báo chí truyền thông được ứng dụng đồng bộ, bài bản và đem lại hiệu quả tích cực.
 
Việc thực hiện thành công dự án tại Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco Việt Nam cho thấy dự án đã đem lại hiệu quả thiết thực và đảm bảo tính bền vững cho Tập đoàn Dabaco khi khai thác, phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ trong tương lai, là mô hình mẫu để ứng dụng cho các doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

Ngoài ra còn rất nhiều tài sản trí tuệ khác Dabaco chưa được bảo hộ như: như tên thương mại, bí mật kinh doanh, sáng chế, giải pháp kỹ thuật, kiểu dáng công nghiệp (bao bì, túi tựng…), nhãn hiệu (dầu ăn, phân bón, thức ăn chăn nuôi…). Không chỉ vậy, Dabaco còn chú trọng hợp tác, đầu tư nghiên cứu các quy trình kỹ thuật, lai tạo các giống lợn, gà quý hiếm mang thương hiệu riêng của Dabaco; tập trung chuyển giao công nghệ; ứng dụng đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật chăn nuôi với bổ sung vi chất cần thiết có lợi cho sức khoẻ để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng như trứng gà omega3, trứng gà vỏ xanh, DHA, Selen, trứng gà ăn liền, xúc xích, zămbông, đồ hộp,….
 
PV