Bản in
Sản xuất vật liệu và thiết bị xử lý nước an toàn sinh học
Sáng chế số 14431 để sản xuất vật liệu và thiết bị xử lý nước an toàn sinh học do TS. Trần Thị Ngọc Dung - Trưởng phòng Công nghệ Thân Môi trường (Viện Công nghệ Môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu được đánh giá là một dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ngành y tế.

TS. Trần Thị Ngọc Dung chế tạo vật liệu lọc caramic xốp cố định nano bạc bằng phương pháp khử in-situ từ vật liệu sét cao lanh. TS. Dung  đã mạnh dạn đề xuất nghiên cứu chế tạo nano bạc bằng phương pháp dung dịch nước. Với sự sáng tạo độc đáo, nano bạc của Viện Công nghệ môi đã đạt chất lượng cao và ổn định, chi phí lại thấp hơn 30 lần so với phương pháp cũ, có thể tạo ra với số lượng lớn để ứng dụng trong thực tế. Việc thử nghiệm ở nhiều bệnh viện lớn đều chứng minh nano bạc của Viện Công nghệ môi trường có hoạt lực rất mạnh, tiêu diệt được hàng chục loại vi sinh vật gây bệnh trên người, mà lại không gây độc với người và môi trường. Chính vì những lợi ích đó, nano bạc của nữ tiến sĩ đã được đưa vào sản xuất với số lượng lớn và ứng dụng thành công trên nhiều lĩnh vực.

Cùng với đó, trong dự án  TS.Trần Thị Ngọc Dung cũng tiến hành nghiên cứu thiết kế và chế tạo bộ dụng cụ lọc nước uống cho quy mô gia đình. Việc nghiên cứu này có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn khi mà một thống kê đã chỉ ra rằng có tới ¼ dân số thế giới đang thiếu nước sạch để dùng. Đây cũng được cho là những nguyên nhân chính gây ra các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa thậm chí là cả ung thư.

Bên cạnh dự án của Tiến sĩ Trần Ngọc Dung, Bộ khoa học và Công nghệ cũng đồng loạt phê duyệt hàng loạt sáng chế/ giải pháp khác có tính hữu ích cao trong cuộc sống. Có thể kể đến như việc áp dụng giải pháp hữu ích số 1198 để sản xuất chế phẩm vi sinh vật cải tạo đất ở quy mô công nghiệp của ThS Nguyễn Thu Hà hay việc áp dụng sáng chế số 7430 để xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ rác từ bãi chôn lấp rác thải quy mô cấp huyện của TS.Hoàng Quốc Tuấn,…

Việc phê duyệt  và hỗ trợ các dự án có tính hữu ích cao trong cuộc sống đã cho thấy Bộ Khoa học và Công nghệ đang đánh giá cao vấn đề này và coi nó như một phần quan trọng góp phần nâng cao đời sông của người dân trong tương lai.

Với những thành tích của mình, TS. Trần Thị Ngọc Dung đã được nhận nhiều Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam và Viện Hàn lâm KH&CN vv..

GS. Viện  Sĩ Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam ghi nhận: Hành trình nghiên cứu khoa học đòi hỏi ở người đam mê nhiều hy sinh, công sức và thời gian để theo đuổi những cống hiến cho lợi ích của nhân loại.  Với những nhà khoa học nữ, hành trình này sẽ đặc biệt vất vả, khó nhọc hơn bởi họ còn phải hoàn thành trách nhiệm gia đình bên cạnh nỗ lực cho những đam mê nghiên cứu của mình. 

Cho dù họ có được vinh danh hay không, thì tất cả điểm chung là lòng say mê nghiên cứu khoa học và sự kiên cường vượt qua mọi trở ngại để mang đến những hiểu biết và khám phá mới cho con người, góp phần làm thay đổi cuộc sống.

PV