Bản in
Hoàn thiện được công nghệ sản xuất dầu omega-3 từ phụ phẩm chế biến thuỷ sản
Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 (Chương trình 68 giai đoạn 3) đã hỗ trợ bảo hộ, khai thác sáng chế, đã thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng nguồn tri thức, tài sản trí tuệ (TSTT) cho xã hội, đồng thời, đã minh chứng cho xu hướng của các nhà khoa học, nhà sáng chế Việt Nam hiện nay là hoạt động nghiên cứu đã dần tiếp cận, giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống, có tính ứng dụng cao.

Mới đây, các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã áp dụng giải pháp hữu ích do Viện làm chủ để sản xuất thành công viên nang mềm omega-3. Kết quả đã góp phần giải quyết cùng lúc nhiều bài toán: tận thu được một lượng lớn phụ phẩm từ chế biến thủy sản, tăng hiệu quả kinh tế cho các đơn vị chế biến thủy sản trong nước, bổ sung thêm sản phẩm chế tạo thực phẩm chức năng đáp ứng nhu cầu trong nước, tạo cơ hội cho các nhà khoa học triển khai các kết quả nghiên cứu để tạo ra sản phẩm hữu ích phục vụ cộng đồng...

Việc sản xuất thành công sản phẩm giàu axit béo không no omega-3 của các nhà khoa học Việt Nam không chỉ góp phần làm tăng giá trị nguyên liệu thuỷ sản, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu dầu các nguyên liệu dược phẩm trong đó có omega-3, mà còn góp phần kiểm soát chất lượng sản phẩm dược liệu từ nguyên liệu, đồng thời cung cấp cho người dân các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung EPA, DHA chất lượng cao từ nguyên liệu tự nhiên trong nước.

Tại Việt Nam hiện có hơn 100 nhà máy chế biến cá ngừ. Chất thải rắn và phụ phẩm (đầu, xương, mang, nội tạng, phần thịt có màu sẫm, vây bụng và da) được thải ra từ chế biến cá ngừ đóng hộp chiếm khoảng 65% lượng nguyên liệu ban đầu; con số này ở sản xuất thăn cá ngừ là 50%; sản xuất phile cá là 30-50%. Ngoài ra, còn có một lượng lớn phế liệu cá phát sinh trong quá trình đánh bắt. Theo thông tin từ Tổng cục thuỷ sản, sản lượng cá ngừ của 3 tỉnh trọng điểm là Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Định năm 2015 là 17.884 tấn. Với những số liệu báo cáo nêu trên thì hàng năm nghề khai thác đánh bắt cá ngừ sẽ loại bỏ đi khoảng 10.000 tấn phụ phẩm, phế liệu cá ngừ (trong đó, đầu chiếm 20%, xương 8%, vây 1% còn lại là các phần phế liệu khác có giá trị kinh tế không cao). Bên cạnh đó, phế liệu từ khai thác và đánh bắt cá tạp, cũng như các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh, đồ hộp thủy sản khô... cũng rất lớn và hầu hết được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi với giá trị thấp.
 
Trong khi đó về sản xuất dầu cá, hiện mới chỉ có một số cơ sở chế biến thủ công theo phương pháp nhiệt và bán thô cho nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc với giá thành rất rẻ (25-30 nghìn đồng/kg). Như vậy, việc nghiên cứu, chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ phụ phẩm chế biến, phế liệu thuỷ sản, cá tạp là rất cần thiết vì sẽ góp phần tăng hiệu quả sản xuất đối với cả người đánh bắt, nuôi trồng và chế biến. Mặt khác qua chế biến, chúng ta cũng chủ động nguồn nguyên liệu các hoạt chất quý ở trong nước, hạn chế bán nguyên liệu thô và nhập khẩu các sản phẩm đã chế biến với giá thành cao.
 
Nhằm giải quyết bài toán trên, được sự hỗ trợ từ Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 (do Bộ KH&CN quản lý), các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã triển khai Dự án “Áp dụng giải pháp hữu ích số 935 quy trình sản xuất sản phẩm giàu axit béo omega-3 để tạo thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung EPA, DHA chất lượng cao”. Các kỹ thuật, công nghệ áp dụng trong quá trình thực hiện dự án đều được  nghiên cứu và phát triển tại Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên. Các kỹ thuật này cũng đã được cấp bằng bảo hộ độc quyền giải pháp hữu ích số 935 theo Quyết định số 52760/QĐ-SHTT ngày 20/12/2011 của Cục Sở hữu trí tuệ.
 
 
GS.TS Phạm Quốc Long (Viện trưởng Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên, Chủ nhiệm Dự án) cho biết: “Các kỹ thuật sản xuất dầu béo từ sinh vật biển đòi hỏi các kỹ thuật đặc biệt vì dầu béo từ cá có nhiều axit béo không no mạch dài đa nối đôi nên rất dễ bị biến đổi trong quá trình chế biến, làm giảm nhanh chóng chất lượng sản phẩm. Ở trong nước đã có một số nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm, tuy nhiên đến nay chưa có công nghệ nào được triển khai vào sản xuất lớn".
 
"Trong Dự án này, chúng tôi đã kết hợp các kỹ thuật sinh học và hoá học trong phân lập, làm giàu và tinh chế các axit béo không no, giúp cho sản phẩm dầu omega-3 sản xuất từ phụ phẩm chế biến thuỷ sản (sinh vật biển) đạt chất lượng vượt trội so với các sản phẩm chế biến trong nước hiện tại và tương đương với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Ngoài ra, chúng tôi còn chủ động xây dựng các sản phẩm với hàm lượng các hoạt chất là axit béo không no mạch dài EPA, DHA theo mong muốn”, GS.TS Phạm Quốc Long cho biết thêm.
 
Đến nay, Dự án đã hoàn thiện được công nghệ sản xuất dầu omega-3 từ phụ phẩm chế biến thuỷ sản; xây dựng được hệ thống thiết bị sản xuất dầu omega-3 quy mô 500 kg nguyên liệu/mẻ; sản xuất thử nghiệm sản phẩm dầu và viên nang mềm omega-3 đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 43/2014/TT-BYT. Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Nature Việt Nam là doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao giải pháp hữu ích, bố trí kinh phí đối ứng và phân phối sản phẩm. GS.TS Phạm Quốc Long cho biết thêm: “Trước mắt, dự án tập trung vào nguồn nguyên liệu có hàm lượng các axit béo không no đa nối đôi cao, đặc biệt là phụ phẩm từ chế biến cá ngừ, gan cá ngừ tập trung trong các nhà máy chế biến để sản xuất dầu omega-3. Từ đó làm cơ sở để nhân rộng mô hình sản xuất ra các đối tượng tiềm năng khác”.

Kết quả dự án là áp dụng giải pháp hữu ích để sản xuất thành công viên nang mềm omega-3, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 43/2014/TT-BYT. Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Nature Việt Nam (doanh nghiệp hoạt động sản xuất và phát triển các sản phẩm dầu omega-3 để cung cấp nguyên liệu cho các công ty dược) là đơn vị tiếp nhận chuyển giao giải pháp hữu ích, bố trí kinh phí đối ứng và phân phối sản phẩm.
 
PV