|
|||
Bên cạnh đó tích cực tham gia triển khai Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm; tích cực tham gia triển khai các hoạt động liên quan đến SHTT trong các Chương trình của Trung ương, Bộ, ngành và địa phương; hoàn thành việc đăng ký bảo hộ CDĐL các sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột tại Nhật Bản… Song song với việc xây dựng Chương trình cho giai đoạn tiếp theo, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 đã và đang có những thành tựu nổi bật đáng ghi nhận.
Cục cũng tổ chức ký kết Hợp đồng và cấp kinh phí cho 22 dự án để thực hiện trong năm 2019, tập trung hỗ trợ cho các sản phẩm chủ lực của địa phương như cam Cao Phong (Hòa Bình), cam Hà Giang, cà phê Buôn Ma Thuột, bưởi năm roi Vĩnh Long; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược SHTT, quản trị tài sản trí tuệ cho Công ty DABACO, Nhà máy đóng tàu Hạ Long, Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng và hỗ trợ áp dụng các sáng chế của Viện KH&CN Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, v.v.. Cục cũng xem xét đặt hàng nhiệm vụ hỗ trợ cho các sản phẩm tôm sú Cà Mau, sâm Ngọc Linh và quế Trà Bồng theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ; hỗ trợ đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản cho 3 chỉ dẫn địa lý Thanh long Bình Thuận, Cafe Buôn Ma Thuột và Vải thiều Lục Ngạn. Ngoài ra, Cục đang nghiên cứu, xúc tiến các thủ tục để hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh ra nước ngoài.
Trong khuôn khổ các hoạt động chung của Chương trình, Cục đã tư vấn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế ra nước ngoài; tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Chương trình trên báo in, báo điện tử, truyền hình, cũng như duy trì, cập nhật Trang tin điện tử của Chương trình; tổ chức các đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm hoạt động bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của địa phương và một số hội thảo chuyên đề về phát triển tài sản trí tuệ; tổ chức kiểm tra 18/22 dự án và chuẩn bị nghiệm thu 05 dự án hoàn thành triển khai trong năm 2019.
Triển khai Quyết định số 2454/QĐ-BKHCN ngày 23/8/2019 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về tái cơ cấu Chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn sau năm 2020, Cục SHTT đã nghiên cứu, đề xuất nội dung Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2015 để Lãnh đạo Bộ xem xét, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, Cục đã tích cực tham gia vào các hoạt động phát triển tài sản trí tuệ của địa phương thông qua triển khai Quy chế phối hợp giữa Bộ KH&CN, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng quản lý chỉ dẫn địa lý; tham gia triển khai Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP); triển khai việc xây dựng Biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia; tích cực tham gia các hoạt động của Chương trình Thương hiệu quốc gia, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực quốc gia (gạo, tôm, sâm, v.v.); hướng dẫn xây dựng và thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực các địa phương.
Bên cạnh đó, các Văn phòng đại diện đã tích cực tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân và các địa phương trong khu vực; thực hiện cung cấp thông tin cho các cơ quan hữu quan; tổ chức đào tạo, tuyên truyền và phổ biến kiến thức về SHTT; phối hợp với các Sở KH&CN và các cơ quan chức năng trong triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về SHTT, thúc đẩy và phát triển hoạt động sáng kiến và sáng tạo của địa phương.
Tin, ảnh: PV |