Bản in
Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ: Nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tại địa phương
Có thể khẳng định, đây là Chương trình tiêu biểu về việc được triển khai đồng bộ, hưởng ứng tích cực từ các địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng. Bên cạnh việc tham gia Chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) tại địa phương.

Thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho biết, Chương trình 68 giai đoạn đã hiện có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt Chương trình phát triển TSTT của địa phương. Cục SHTT, Bộ KH&CN và các cơ quan quản lý Chương trình ở địa phương luôn chủ động, tích cực triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT cho công chúng, trong đó, hoạt động này đã được đổi mới phương thức thực hiện để phù hợp với xu hướng tiếp cận, sử dụng thông tin hiện nay, cụ thể là: phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí  phát sóng Chương trình “Câu chuyện SHTT” nhằm truyền thông về vai trò của SHTT, giới thiệu các mô hình tiêu biểu về sử dụng công cụ SHTT đối với phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hội nhập sâu rộng của Việt Nam.  Phối hợp với một số trường đại học để tuyên truyền, phổ biến về “SHTT với hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” thông qua hình thức truyền thông lan tỏa, sử dụng mạng xã hội. Việc đa dạng hóa, đổi mới phương thức truyền thông này đã nhận được hưởng ứng, phản hồi tích cực từ cộng đồng sinh viên, các nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tổ chức các lớp tập huấn cho các doanh nghiệp, cộng đồng (một số địa phương đã triển khai xuống tận cấp huyện, xã). 

Bên cạnh việc triển khai các hoạt động nêu trên, Cục SHTT và các Sở KH&CN còn thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ khác nhằm nâng cao nhận thức chung của xã hội về hoạt động bảo hộ, thủ tục đăng ký xác lập, bảo vệ, thực thi quyền SHTT, tập huấn chuyên ngành cho cán bộ thực thi, cán bộ quản lý của các Sở, ban, ngành, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động sáng kiến, đổi mới sáng tạo, biên soạn, phát hành các tài liệu hướng dẫn về thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT; cập nhật thông tin về SHTT lên Bản tin KH&CN của Sở KH&CN, tham mưu, trình ban hành các Chỉ thị, Quyết định để quản lý, chỉ đạo điều hành đối với hoạt động quản lý nhà nước về SHTT tại địa phương.
 
Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT được triển khai đồng bộ, liên tục trên phạm vi cả nước đã tạo sự chuyển biến tích cực cho cán bộ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân. Qua đó, hoạt động này đã góp phần tăng số lượng đơn đăng ký bảo hộ của cả nước nói chung (đơn của các chủ thể trong nước tăng bình quân khoảng 10-12%/năm). Cụ thể là, trong 6 tháng đầu năm 2019, Cục SHTT đã tiếp nhận được 24.516 đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2018; tiếp nhận 1.656 đơn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là các đối tượng SHTT trực tiếp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm của cộng đồng, doanh nghiệp.
 
Cục SHTT đã phối hợp với các cơ sở giáo dục đào tạo hàng đầu của cả nước, các hiệp hội doanh nghiệp để xây dựng và triển khai các Chương trình đào tạo cơ bản và chuyên sâu về SHTT nhằm mục tiêu chính là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao về SHTT cho khoảng 1000 người, đối tượng hướng tới là cán bộ SHTT trong doanh nghiệp, các luật sư, giảng viên đại học, các nhà khoa học, cán bộ thực thi về SHTT.
 
PV