|
|||
Chủ động đề xuất tham mưu Trong những năm qua, triển khai thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn đi kèm, với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành nhiều văn bản quản lý nhà nước về lĩnh vực sở hữu trí tuệ như: Quyết định số 3878/2008/QĐ-UBND, ngày 09/12/2008 của UBND tỉnh Quảng Ninh về ban hành quy chế quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;
Quyết định số 3799/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy định một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Quy chế tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh; Quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự và thủ tục xét tặng Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh, Quyết định số 273/QĐ-UBND ngày 13/2/2012 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh về ban hành "Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2015, Quyết định số 1563/2012/QĐ-UBND quy định hướng dẫn tuyển chọn và quản lý dự án thuộc Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2015. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để Quảng Ninh triển khai thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ.
Ngày 05/10/2011 Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ký kết “Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2011-2015”, trong đó có nội dung phối hợp về sở hữu trí tuệ. Thực hiện Quyết định số 273/QĐ-UBND ngày 13/2/2012 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh về ban hành "Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2015. Quảng Ninh triển khai đồng loạt 21 dự án xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Tỉnh, trong đó:Chỉ dẫn địa lý: 03 sản phẩm (ngán, Chả mực Hạ Long, Mai vàng Yên Tử).Nhãn hiệu tập thể: 05 sản phẩm (Na dai, nếp cái hoa vàng, Tôm chân trắng Móng Cái, Mía tím Quảng Ninh, vải chín sớm Phương Nam). Nhãn hiệu chứng nhận: 13 sản phẩm (Ba Kích Quảng Ninh, Trứng gà Tân An, Thanh Long Uông Bí, Rượu mơ Yên Tử, Miến dong Bình Liêu, Tu hài Vân Đồn, Mắm Cái Rồng, Mực ống Cô Tô, Chè Đường Hoa Hải Hà, Rau an toàn Quảng Yên, Gà Tiên Yên, Nhựa Thông Quảng Ninh).
Triển khai đồng bộ các dự án xây dựng thương hiệu
Có thể nói, Quảng Ninh là tỉnh một trong những tỉnh đầu tiên triển khai đồng bộ các dự án xây dựng thương hiệu đầy đủ từ hoạt động xác lập quyền, quy hoạch vùng nguyên liệu đến phát triển sản xuất và phát triển thị trường. Đến nay, 21 sản phẩm xây dựng thương hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN); trong đó, 19/19 dự án đã thành lập mới các hội hoặc bổ sung chức năng quản lý cho các Hội/Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh các sản phẩm được xây dựng thương hiệu; xây dựng hoàn chỉnh 21 bộ tiêu chuẩn chất lượng và 60 quy trình kỹ thuật cho 21 sản phẩm thương hiệu...
Chính việc thực hiện các dự án thương hiệu đầy đủ các nội dung như vậy, nên Chương trình đã nhận được sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương đặc biệt sự tích cực vào cuộc của các phòng chuyên môn địa phương. Các dự án sau khi xây dựng thương hiệu đã mang lại hiệu quả cao, sản phẩm được thị trường chấp nhận, giá bán tăng và ổn định từ 10 - 30% so với khi chưa xây dựng thương hiệu, cá biệt, có sản phẩm tăng tới 50%. Diện tích và sản lượng các sản phẩm xây dựng thương hiệu đều tăng, hàng hóa đã có nhãn mác, bao bì đẹp, tạo lòng tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm.
Điều đó khẳng định cách làm và hướng đi đúng đắn của Chương trình xây dựng thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh. Thông qua các hoạt động của dự án thuộc Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu, hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, gắn với triển khai Đề án "Mỗi xã phường một sản phẩm của Tỉnh". Đây là yếu tố quan trọng góp phần hoàn thành Chương trình nông thôn mới của tỉnh Quảng Ninh.
Trong quá trình thực hiện các dự án trên, Quảng Ninh đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn của Bộ KH&CN: Cục Sở hữu trí tuệ cử chuyên gia tham gia phản biện trong các hội đồng thẩm định dự án thương hiệu của Tỉnh; Hướng dẫn, hỗ trợ trong việc xây dựng các hồ sơ đăng ký bảo hộ được đầy đủ, chính xác, nhanh chóng, tạo mọi điều kiện, phối hợp với Quảng Ninh để triển khai thực hiện, qua đó rút ngắn được thời gian thực hiện của 21 dự án trong triển khai Chương trình Xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2015.
Trong khuôn khổ chương trình phát triển tài sản trí tuệ (chương trình 68) từ 2011 - 2015, tỉnh Quảng Ninh đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN hỗ trợ thực hiện 05 dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm đặc sản của Quảng Ninh với tổng kinh phí thực hiện là 10,89 tỷ đồng trong đó 02 dự án do Trung ương quản lý; 03 dự án do Trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý (gồm: Mật ong Tiên Yên, Cá duội Cô Tô, Sá sùng Vân Đồn, Cua biển Quảng Yên, gốm sứ Đông Triều) và dự án Tuyên truyền và phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên Đài phát thanh và truyền hình Quảng Ninh.
Bên cạnh công tác hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ về xác lập quyền SHCN, Cục Sở hữu trí tuệ còn cử cán bộ tham gia đào tạo, tập huấn về các văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, công tác sáng kiến, thực thi quyền cũng được phối hợp chặt chẽ. Nhằm xây dựng hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Chương trình phối hợp hành động phòng chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010 -2015 giữa Sở khoa học và Công nghệ với các ngành: Thương mại, Công an, Hải quan, Văn hóa thông tin, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài chính. Chương trình đã được lãnh đạo 07 ngành ký thông qua. Chương trình đã phát huy được hiệu quả trong công tác phối hợp đấu tranh phòng chống hàng giả, gian lận thương mại.
Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật là một trong những ưu tiên trong hoạt động sở hữu công nghiệp của tỉnh. Hàng năm, Sở khoa học và Công nghệ tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn về sở hữu trí tuệ cho cán bộ của các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận về sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, thông qua các kênh truyền thông như: Báo Quảng Ninh, bản tin KHCN, cổng thông tin điện tử để tuyên truyền nhân dịp ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, Sở đã phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình Quảng Ninh triển khai thực hiện dự án "Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên sóng truyền hình tỉnh Quảng Ninh" với tần suất mỗi tuần 1 chương trình vào tối chủ nhật hàng tuần, trong 5 năm 2010-2015. Kết quả, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân về lĩnh vực sở hữu trí tuệ ngày một nâng cao.
Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh
|