Bản in
Hạt điều Bình Phước và định hướng trở thành thương hiệu quốc gia
Bà Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho biết, tỉnh Bình Phước đã được chọn để quy hoạch làm vùng nguyên liệu điều chính của cả nước. Sản phẩm hạt điều Bình Phước cũng đang được định hướng xây dựng trở thành thương hiệu quốc gia.

Ổn định cuộc sống, làm giàu cho người dân

Là địa phương có diện tích trồng cây điều lớn nhất nước (chiếm khoảng 50% diện tích điều cả nước), với khoảng 170 nghìn ha. Theo quy hoạch của UBND tỉnh, đến năm 2020 diện tích điều của Bình Phước sẽ đạt khoảng 181 nghìn ha, sản lượng hạt điều đạt gần 358 nghìn tấn/năm. Cây điều đã góp phần ổn định cuộc sống và làm giàu cho hơn 71.600 hộ nông dân, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 nghìn lao động tại 225 doanh nghiệp và 328 cơ sở chế biến điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước. 
 
Bình Phước hiện có 91 xã/phường trực thuộc 11 huyện/ thị xã (Bù Gia Mập, Phú Riềng, Phước Long, Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Phú, Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành, Bình Long, Đồng Xoài) là những khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”.
 
Điều nguyên liệu, điều nhân trắng và điều rang muối là những sản phẩm được nhà nước bảo hộ theo quyết định này. Trong đó, hạt điều được cấp chứng nhận phải đảm bảo các điều kiện: hạt chắc, mẩy, cuống hạt phình to, bề mặt vỏ cứng sáng mịn, lắc hạt không kêu hoặc ít kêu, kích thước bề dày từ 14,5 18mm. Tỷ lệ nhân thành phẩm thu hồi không nhỏ hơn 30% tính theo khối lượng, số lượng không lớn hơn 200 hạt/kg. Còn điều rang muối có vỏ lụa hoặc không có vỏ lụa, khi tách đôi nhân hạt điều thấy khe hở nhỏ, không có muối đọng, hàm lượng chất béo không nhỏ hơn 43%, hàm lượng carbohydrat lớn hơn 23%, vị ngọt thơm, béo ngậy.
 
Theo Sở Công Thương Bình Phước, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thời gian tới  Sở sẽ xem xét các nguồn cung cấp đầu vào thân thiện với môi trường cho nông dân như: Giống, phân hữu cơ sinh học… Đồng thời, thực hiện các kế hoạch tiếp thị, xúc tiến thương mại, quản lý thương hiệu… Đặc biệt, chú trọng tổ chức và phát huy chuỗi các giá trị trong liên kết sản xuất để ngành điều vượt khó, giữ vững thương hiệu gắn liền với chỉ dẫn địa lý.

Chỉ dẫn địa lý sẽ kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, quảng bá hình ảnh nhằm đảm bảo cho những người sản xuất, kinh doanh, nhất là nông dân trồng điều được hưởng lợi nhiều hơn từ sản phẩm làm ra, đồng thời góp phần nâng cao giá trị hạt điều Việt Nam trên thị trường thế giới. Tỉnh Bình Phước đã được chọn để quy hoạch làm vùng nguyên liệu điều chính của cả nước. Sản phẩm hạt điều Bình Phước cũng đang được định hướng xây dựng trở thành thương hiệu quốc gia.
 
Bà Đào Thị Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, kiêm Phó Chủ tịch Hội Điều tỉnh Bình Phước thông tin, trên địa bàn tỉnh có hơn 134.000ha điều, chiếm gần 50% diện tích và 54% sản lượng điều cả nước. Đây là cây trồng chủ lực của tỉnh giúp ổn định cuộc sống và làm giàu cho hơn 71.000 hộ dân, ngành công nghiệp chế biến điều tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động địa phương… Chất lượng và danh tiếng hạt điều Bình Phước được biết đến rộng rãi nhưng ngành điều của tỉnh vẫn chưa có một thương hiệu đúng nghĩa.
 
"Việc phát triển chỉ dẫn địa lý là cấp thiết và phù hợp với chính sách phát triển ngành điều của tỉnh. Đây là công cụ giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng khả năng tiếp cận thị trường khó tính, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, đồng thời đảm bảo sự phát triển", bà Lanh nói.
 
Ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công Thương Bình Phước nhận định, để góp phần làm lợi cho cây điều và sản phẩm điều của tỉnh, sau khi có chỉ dẫn địa lý, tỉnh cần có các mục tiêu trung và dài hạn cho hạt điều thô và điều nhân, xây dựng sản phẩm sạch – an toàn. Vùng trồng điều phải được kiểm soát bao gồm khả năng truy xuất nguồn gốc, tuân thủ tiêu chuẩn chứng nhận có liên quan.
 
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Bình Phước, thời gian tới đơn vị này sẽ xem xét các nguồn cung cấp đầu vào thân thiện với môi trường cho nông dân như giống, phân hữu cơ sinh học, đồng thời thực hiện các kế hoạch tiếp thị, xúc tiến thương mại, quản lý thương hiệu…cũng sẽ được đẩy mạnh.
 
 
Trong khi đó TS. Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng hạt điều Bình Phước được nhà nước bảo hộ mang lại nhiều cơ hội. Thứ nhất, cho phép doanh nghiệp và người sử dụng tiếp cận phát triển thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, thương mại cho nông sản. Thứ hai, giúp nâng cao quyền lợi, trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân, tổ chức lại sản xuất, duy trì uy tín, danh tiếng của sản phẩm điều trên thị trường.
 
Trở thành thương hiệu quốc tế
 
"Tỉnh Bình Phước đã được chọn để quy hoạch làm vùng nguyên liệu điều chính của cả nước. Còn sản phẩm hạt điều Bình Phước cũng đang được định hướng xây dựng trở thành thương hiệu quốc gia. Do đó tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển ngành điều Bình Phước. Tỉnh ủy Bình Phước cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức và người sản xuất, chế biến trong xây dựng vùng nguyên liệu, ổn định, phát triển liên kết chuỗi giá trị bền vững".
 
Tin vui đến với người trồng điều Bình Phước khi vào tháng 6/2019, UBND tỉnh Bình Phước có buổi làm việc với đoàn Đại sứ quán Hà Lan và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phát triển thương hiệu điều Bình Phước.
 
Tại buổi làm việc, ông Marco Trimborn - CEO phụ trách thị trường châu Âu, châu Á của Tập đoàn Mekong châu Âu BV (MCE - Hà Lan) cho biết, Bình Phước có nhiều tiềm năng về cây điều và mong muốn được tham gia phát triển hạt điều Bình Phước trở thành thương hiệu quốc tế.
 
Ông Marco Trimborn cho biết thêm, nếu nhận được hỗ trợ của tỉnh, MCE sẽ đầu tư khoảng 250 triệu USD, phân thành các hợp phần. Cụ thể như: xây dựng nhà máy sản xuất dầu vỏ hạt điều tinh lọc cho thị trường châu Âu tại xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng với quy mô 10 ha; thiết lập trang trại trồng điều mẫu theo hướng hữu cơ, organic 190 ha để định hướng phát triển sản phẩm điều sạch xuất khẩu vừa để đánh giá khả năng mở rộng vùng nguyên liệu chất lượng cao tại xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
 
Cùng đó, MCE sẽ hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu điều khoảng 5.000 ha có khả năng truy xuất nguồn gốc, tuân thủ các điều kiện nhập khẩu khắt khe vào thị trường châu Âu tại hai xã Đức Liễu và Thống Nhất, huyện Bù Đăng và mở rộng thêm các huyện, thị xã: như Phước Long, Bù Gia Mập, Bù Đốp với diện tích khoảng 200.000 ha.

MCE cũng sẽ là cầu nối xuất khẩu sản phẩm hạt điều đạt chuẩn theo yêu cầu vào thị trường châu Âu, hướng tới xuất khẩu hạt điều hữu cơ, organic cũng như nghiên cứu xuất khẩu phụ phẩm từ cây điều.
 
PV