Bản in
Phát triển mạnh đặc sản địa phương từ chỉ dẫn địa lý
Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới, nằm ở cực bắc của Việt Nam. Với đặc thù về địa hình, khí hậu đa dạng nên tỉnh có những sản phẩm nông nghiệp đặc thù, giá trị kinh tế cao như: cam sành; mật ong bạc hà; chè Shan tuyết; thịt bò vàng vùng cao.

Nâng cao giá trị sau bảo hộ

Trong các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh đó, con bò vàng vùng cao đang được chú trọng chăn nuôi theo hướng hàng hóa, giúp người dân nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Bò vàng vùng cao đã gắn liền với lịch sử, văn hóa của người dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh. Thịt bò vàng có chất lượng thơm ngon và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bình chọn và đưa vào danh sách bảo tồn. Chất lượng thịt ngon hơn hẳn các loại thịt bò dưới các tỉnh vùng thấp, bò Australia, bò Mỹ trên thị trường.
 
Là giống bò đặc trưng của tỉnh Hà Giang, thịt bò vàng được coi là đặc sản của nơi đây. Vì vậy việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý thịt bò vàng Hà Giang là việc làm cần thiết và cần được phát huy hiệu quả.
 
Bò Vàng là giống bò được đồng bào dân tộc Mông ở 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn (gồm 4 huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ) nuôi dưỡng từ lâu đời. Giống bò vàng có nhiều màu sắc khác nhau từ màu đen, màu xám đến màu vàng cánh gián…
 
Do được thuần hóa từ lâu đời, nên giống bò vàng có khả năng thích nghi cao với các điều kiện bất lợi của ngoại cảnh như giá lạnh và dịch bệnh cũng như các phương thức chăn thả hoang dã của người dân…
 
Ngoài những ưu thế trên, giống bò vàng của Hà Giang còn cho năng suất thịt cao, chất lượng thịt thơm ngon và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bình chọn và đưa vào danh sách bảo tồn. Trong những năm qua, sản phẩm thịt bò vàng đã được chế biến thành thịt bò khô và đã trở thành đặc sản đối với du khách khi lên du lịch trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn.
 
Bò vàng vùng cao Hà Giang có những đặc trưng riêng, khác biệt so với các khu vực khác. Thịt bò Hà Giang có màu đỏ tươi, thớ thịt nhỏ mịn, mặt thịt dính tự nhiên, khô ráo và có mùi gây đặc trưng. Sau khi chế biến thịt có vị ngọt, mềm và hương vị đặc biệt. Nhờ tập quán chăn nuôi mà thịt bò vàng Hà Giang có hàm lượng Protein cao từ 21,30% đến 23,30%, thịt có nhiều mỡ giắt, tỷ lệ mỡ từ 3,80% đến 5,79%. Thịt bò vàng Hà Giang mềm, độ dai thấp từ 48,90 đến 70,50 và tỷ lệ mất nước sau chế biến thấp hơn so với bò vàng ở khu vực khác, khoảng từ 24,63 đến 31,00.
 
Đặc trưng về chất lượng của bò vàng Hà Giang có được là do bò vàng được chăn nuôi ở khu vực địa lý có độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển nên khí hậu nơi đây quanh năm trong lành, mát mẻ, nhiệt trung bình cả năm khoảng từ 21,6oC đến 23,9oC. Ở độ cao này, không khí loãng hơn so với vùng thấp nên để lấy được ôxi, trong cơ thể bò tự điều chỉnh làm tăng hàm lượng Hemoglobin trong máu, vì vậy thịt bò Hà Giang có màu đỏ tươi hơn thịt của bò được nuôi tại các khu vực thấp và địa phương khác. Bên cạnh đó, khu vực địa lý trong điều kiện ¾ diện tích là đá, địa hình chia cắt, thiếu đất canh tác và không thể chăn thả, người dân chỉ còn cách nuôi bò nhốt chuồng.
 
Vì vậy vào năm 2018, Ban Điều phối Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh Hà Giang (CPRP) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống nông nghiệp Việt Nam (CASRAD) tổ chức Hội thảo nhằm xây dựng hồ sơ Chỉ dẫn địa lý cho “Sản phẩm Bò Vàng” của Hà Giang.
 
Hội thảo đã đưa ra mẫu (logo) và phân tích ý nghĩa của logo “Bò Vàng Hà Giang”, xác định khu vực mang chỉ dẫn địa lý của “Bò Vàng Hà Giang”; xây dựng bản đồ vùng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Bò Vàng dựa trên kết quả điều tra và khảo sát của cơ quan chức năng; qui chế, nội qui quản lý Chỉ dẫn địa lý; đề xuất, thống kê về các tiêu chuẩn về giống, chất lượng thịt cũng như thương hiệu của chất lượng thịt bò vàng…
 

Tham gia chuỗi liên kết sản xuất và kinh doanh chăn nuôi

 
Được sự tài trợ của Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa Hà Giang, tỉnh Hà Giang đã xây dựng chỉ dẫn địa lý Hà Giang cho sản phẩm thịt bò vùng cao. Ngày 19 - 4 vừa qua, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra quyết định số 1983/QĐ-SHTT, về việc cấy giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò Hà Giang, vùng chỉ dẫn là các xã thuộc sáu huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần.
 
 
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết, sản phẩm thịt bò vàng vùng cao được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý là một bước đột phá, mở ra cơ hội to lớn cho người chăn nuôi, bởi đây là kết quả sau nhiều năm xây dựng, bảo tồn giống bò này. Chỉ dẫn địa lý chính là công cụ nhằm thỏa mãn các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, phương thức sản xuất trước yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Đặc biệt, chỉ dẫn địa lý sẽ bảo hộ quyền lợi chính đáng cho người chăn nuôi bò, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm thịt bò Hà Giang tham gia thị trường trong nước cũng như vươn ra thị trường thế giới.  Đây cũng là niềm tự hào, đồng thời cũng gắn liền với trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và quảng bá rộng rãi sản phẩm thịt bò của Hà Giang.
 
Tỉnh Hà Giang sẽ chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm tăng số lượng, chất lượng đối với sản phẩm thịt bò. Ban hành các quy trình kỹ thuật từ khâu lựa chọn giống, chăm sóc bò; quy trình chế biến, đóng gói, bảo quản đến khâu tiêu thụ sản phẩm thịt bò... để duy trì chỉ dẫn địa lý đồng thời nhằm bảo hộ quyền lợi chính đáng cho người chăn nuôi và người tiêu dùng sản phẩm thịt bò.
 
Trong năm 2019, UBND tỉnh Hà Giang sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân tham gia chuỗi liên kết sản xuất và kinh doanh chăn nuôi; chính sách phát triển và bảo tồn giống bò vàng vùng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
 
Trước đó, Hà Giang cũng được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: Cam sành Hà Giang, Chè san tuyết Hà Giang, Mật ong Bạc hà Mèo Vạc, Hồng không hạt Quản Bạ, Na Khê – Yên Minh và Gạo già dui Xín Mần. Trong đó 2 sản phẩm là cam sành và mật ong bạc hà đã có tem truy xuất nguồn gốc. Đối với các sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý trong thời gian qua không chỉ giúp các hộ sản xuất tăng lợi nhuận mà còn giúp địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế.
 
PV