Bản in
Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp: Cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập
Việc gia nhập Thỏa ước này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam khi đăng ký yêu cầu bảo hộ KDCN ra nước ngoài, đảm bảo việc thực hiện cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định EVFTA, CPTPP..., song cũng đặt ra cho chúng ta không ít những khó khăn, thách thức.

Ngày 30/9/2019, bên lề Kỳ họp lần thứ 59 của Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã thay mặt Chính phủ Việt Nam nộp Văn kiện gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (KDCN) đến Tổng giám đốc WIPO. 

Cơ hội và thách thức khi gia nhập Thỏa ước La Hay
 
Có ba cách đăng ký yêu cầu bảo hộ KDCN ra nước ngoài: đăng ký theo kênh quốc gia (nộp đơn riêng tại cơ quan SHTT quốc gia đó); kênh khu vực (nộp một đơn duy nhất tại cơ quan SHTT của khu vực đó); kênh quốc tế (nộp theo Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN, một đơn duy nhất cho Văn phòng quốc tế của WIPO). Hiện nay, khi đăng ký yêu cầu bảo hộ KDCN ra nước ngoài theo kênh quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam phải nộp đơn thông qua đại diện SHCN nước sở tại, nộp đơn đăng ký trực tiếp cho các cơ quan SHTT của từng quốc gia riêng rẽ, nghĩa là nếu muốn yêu cầu bảo hộ ở nhiều nước thì phải làm nhiều đơn khác nhau với ngôn ngữ và yêu cầu của các quốc gia đó và phải chịu nhiều chi phí, nhất là phí thuê luật sư.
 
Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN giúp đơn giản hóa thủ tục đăng ký KDCN bằng cách thông qua một đơn đăng ký với một ngôn ngữ duy nhất (tiếng Anh, Pháp hoặc Tây Ban Nha) và bằng một loại tiền thống nhất (đồng franc Thụy Sỹ) nộp qua Văn phòng quốc tế của WIPO, giúp cho người nộp đơn dễ dàng thực hiện các thủ tục liên quan đến đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ như sửa đổi đơn, chuyển giao quyền sở hữu và các thủ tục khác liên quan đến đơn đăng ký KDCN. Đồng thời, việc quản lý quyền đối với KDCN được bảo hộ (như gia hạn hiệu lực, chuyển nhượng KDCN, các thay đổi tên và địa chỉ chủ sở hữu KDCN) cũng được thực hiện một cách dễ dàng hơn bằng một thủ tục duy nhất nộp cho Văn phòng quốc tế của WIPO. Do đó, theo chúng tôi cơ hội khi Việt Nam tham gia Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN theo Văn kiện Geneva 1999 gồm:
 
Một là, khi đăng ký yêu cầu bảo hộ KDCN ra nước ngoài theo kênh quốc tế (nộp đơn theo Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN, nộp một đơn duy nhất cho Văn phòng quốc tế của WIPO), doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam có thể được thừa hưởng sự bảo hộ cho KDCN của mình ở nhiều quốc gia khác nhau, với chi phí thấp nhất.
 
Hai là, Việt Nam gia nhập Thỏa ước này cũng tạo ra các thuận lợi, giảm chi phí cho các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài khi muốn bảo hộ KDCN tại Việt Nam. Khi KDCN được bảo hộ, họ có nhiều động cơ hơn để nhập khẩu các sản phẩm mang KDCN đã được bảo hộ vào Việt Nam hoặc đầu tư sản xuất các sản phẩm này tại Việt Nam.
 
Ba là, các đăng ký quốc tế KDCN (cơ sở dữ liệu KDCN đã công bố) giúp doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam định hướng được xu hướng phát triển kiểu dáng của sản phẩm công nghiệp theo khía cạnh thẩm mỹ, là cơ sở để các nhà sản xuất trong nước phát triển các kiểu dáng mới trên cơ sở kế thừa kiểu dáng đang có. Để cạnh tranh, các nhà sản xuất khác cũng cho ra đời sản phẩm với kiểu dáng khác mang tính thẩm mỹ và cuốn hút người tiêu dùng. Điều này thúc đẩy chu trình sáng tạo liên quan đến KDCN.
 
Bốn là, Việt Nam có cơ hội tiếp cận và hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT nói chung và về KDCN nói riêng. Hệ thống pháp luật về KDCN có cơ hội được hoàn thiện trên cơ sở phù hợp, hiệu quả và minh bạch, vừa sử dụng KDCN như là công cụ để thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm mang KDCN, khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, vừa hài hòa cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền và lợi ích cộng đồng. Đồng thời, hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ, tuân thủ chủ trương về cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng các chuẩn mực, cam kết quốc tế về KDCN.
 
Khó khăn, thách thức...
 
Thứ nhất, sau khi Thỏa ước có hiệu lực đối với Việt Nam, dự kiến số lượng đơn yêu cầu đăng ký KDCN của người nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng cao; số lượng đơn yêu cầu đăng ký KDCN của người Việt Nam nộp ở trong nước và nộp ra nước ngoài cũng tăng lên. Bảng 1 cho thấy tổng lượng đơn KDCN chưa kết thúc thẩm định nội dung tích lũy hàng năm (đơn SHCN chưa kết thúc thẩm định nội dung bao gồm đơn đang được thẩm định nội dung dở dang, đơn đến thời hạn nhưng chưa được thẩm định nội dung và đơn chưa đến thời hạn thẩm định nội dung). Cột tỷ lệ đơn trong bảng 1 cho thấy thời hạn trung bình kết thúc thẩm định nội dung đơn KDCN (tính từ ngày nộp đơn), ví dụ năm 2017 là 1,11 năm.

Theo quy định tại Điều 119 Luật SHTT, trong trường hợp không phát sinh các thủ tục khác liên quan đến đơn, thời hạn có kết quả thẩm định nội dung đối với KDCN không quá 7 tháng kể từ ngày công bố đơn. Thời hạn này được hiểu là thời hạn Cục SHTT ra kết quả thẩm định nội dung lần thứ nhất. Trong khi đó, theo Văn kiện Geneva 1999 thời hạn tuyên bố từ chối bảo hộ KDCN là 6 tháng kể từ ngày công bố quốc tế, sau thời hạn này, từ chối không được công nhận và KDCN yêu cầu đăng ký đó mặc nhiên được công nhận bảo hộ. Điều này tạo áp lực rất lớn đối với Cục SHTT trong việc xử lý đơn KDCN đăng ký qua Văn phòng quốc tế của WIPO. 
 
Thứ hai, nhằm thúc đẩy số lượng đơn, chất lượng đơn yêu cầu đăng ký KDCN của người Việt Nam nộp ở trong nước và đăng ký quốc tế cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Bảng 2 cho thấy chất lượng đơn KDCN, bao gồm cả chất lượng hình thức  và nội dung  so với đơn yêu cầu đăng ký, tỷ lệ đơn có thông báo thiếu sót là 50,19%, tỷ lệ đơn dự định từ chối bảo hộ là 22,65%, tỷ lệ văn bằng được cấp so với đơn yêu cầu đăng ký là 66,11%, so với đơn đã kết thúc thẩm định nội dung là 78,14%.
 
Số lượng đơn, chất lượng đơn yêu cầu đăng ký KDCN phụ thuộc vào (i) chính sách thúc đẩy, hỗ trợ KDCN của Nhà nước; (ii) mức độ hiểu biết của người nộp đơn về thủ tục đăng ký đơn KDCN, điều kiện bảo hộ KDCN, khả năng sử dụng mạng thông tin quốc gia về KDCN, khả năng tra cứu đánh giá dữ liệu KDCN thu thập được phục vụ cho việc tạo lập KDCN và thủ tục xác lập quyền KDCN; (iii) dịch vụ cung cấp tra cứu, đánh giá KDCN phục vụ tạo lập KDCN và xác lập quyền KDCN. Để có thể tra cứu, đánh giá KDCN với chất lượng cao thì người thực hiện phải có hiểu biết sâu về KDCN, đó là những chuyên gia có kinh nghiệm trong hoạt động tạo lập và xác lập quyền KDCN; (iv) khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết lập, duy trì, cập nhật mạng thông tin quốc gia về SHCN nói chung, về KDCN nói riêng, công cụ tra cứu KDCN, nhất là công cụ tra cứu chuyên sâu. Do đó, để tăng số lượng đơn, chất lượng đơn yêu cầu đăng ký KDCN của người Việt Nam thì việc xây dựng, ban hành chính sách phù hợp thúc đẩy, hỗ trợ KDCN; tăng mức độ hiểu biết của người nộp đơn; tăng số lượng và chất lượng chuyên gia về KDCN; xây dựng hệ thống hỗ trợ, nhất là các đại diện SHCN, các dịch vụ cung cấp tra cứu, đánh giá KDCN phục vụ tạo lập KDCN và xác lập quyền KDCN; tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết lập, duy trì, khai thác thông tin KDCN cũng là các thách thức lớn, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ và chủ động.
 
Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ các nội dung trong Quy chế thẩm định đơn KDCN theo Quyết định số 2381/QĐ-SHTT ngày 8/12/2009 của Cục SHTT cho phù hợp với tiêu chuẩn và điều kiện thẩm định đang được áp dụng cũng như phù hợp với tuyên bố của Việt Nam khi nộp Văn kiện gia nhập Thỏa ước này cũng là một thách thức không nhỏ cho Việt Nam nói chung và Cục SHTT nói riêng. Quy chế này cần được sử dụng như một cẩm nang thẩm định, một công cụ đào tạo thiết thực cho các thẩm định viên, các chuyên gia về KDCN, tạo sự thống nhất trong thẩm định và như một tài liệu tham khảo cho các chuyên gia tư vấn SHCN và các đại diện SHCN. Quy chế này không chỉ hướng dẫn chung về nghiệp vụ thẩm định mà còn đi sâu vào việc hướng dẫn thẩm định các trường hợp cụ thể hoặc điển hình. Điều này cũng tạo khó khăn, thách thức cho quá trình sửa đổi, bổ sung Quy chế thẩm định đơn KDCN.
 
Thứ tư, theo tiến trình sửa đổi, bổ sung Luật SHTT, cần tiến hành rà soát các nội dung liên quan đến KDCN được nêu trong Luật SHTT Việt Nam và Văn kiện Geneva 1999. Cần sửa đổi, bổ sung các điều khoản có lợi cho Việt Nam mà không trái với Văn kiện Geneva 1999, sau đó Việt Nam đưa ra tuyên bố cho Tổng giám đốc WIPO. Ví dụ, thời hạn tuyên bố từ chối bảo hộ KDCN, thời hạn yêu cầu trì hoãn công bố KDCN, phí chỉ định tiêu chuẩn mức 2 hoặc 3 hoặc có phí chỉ định riêng, tính thống nhất của KDCN, số hình chiếu nhất định của KDCN. Việc thống nhất sửa đổi, bổ sung các nội dung này (nếu có) trên cơ sở lợi ích hài hòa giữa người nộp đơn với xã hội, giữa Việt Nam với các quốc gia cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam nói chung và bộ phận soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật SHTT nói riêng.
 
Việc Việt Nam gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN sẽ góp phần gia tăng các hoạt động sản xuất, thương mại và đầu tư của các nước vào Việt Nam; thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp ra nước ngoài; khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp theo khía cạnh kiểu dáng và thẩm mỹ của sản phẩm. Qua đó, góp phần vào việc nâng cao năng lực sản xuất trong nước, năng lực xuất khẩu, mở rộng các hoạt động ngoại thương và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Bên cạnh những thuận lợi, việc tham gia Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN cũng đặt ra một số khó khăn, thách thức cho Việt Nam trong hoạt động thẩm định đơn, nhất là thẩm định nội dung đơn KDCN đảm bảo chất lượng và đúng thời hạn; đòi hỏi chúng ta phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ nhằm thúc đẩy số lượng và chất lượng đơn đăng ký KDCN; sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến KDCN được nêu trong Luật SHTT, nhất là các điều khoản có lợi cho Việt Nam mà không trái với Văn kiện Geneva 1999...
 
PV