Bản in
Mở rộng khu vực địa lý trồng cam Vinh- nâng cao giá trị cam quả
Những địa phương được cấp bổ sung chứng nhận chỉ giới địa lý cam Vinh là đáp ứng nguyện vọng của người trồng cam từ trước đến nay. Sau khi được chứng nhận chỉ giới địa lý cam Vinh, sản phẩm cam của các địa phương này có cơ hội được quảng bá tại các hội chợ, đồng thời được dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh, nhằm nâng giá trị cam quả.

Phát triển thế mạnh sản phẩm chủ lực của tỉnh

Hiện có 5.600 ha cam, trong đó có gần 3.000 ha cam kinh doanh, sản lượng cam khoảng gần 50.000 tấn. Cam được trồng nhiều ở các vùng: Con Cuông, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên… với các giống cam chủ yếu như: Xã Đoài, Vân Du, V2, Sông Con.
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ban hành Quyết định số 5004/QĐ-SHTT về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00012 cho sản phẩm cam Vinh ở Nghệ An thêm 60 xã của 9 huyện, thị xã.
 
Cụ thể, mở rộng khu vực địa lý trồng cam từ 12 xã thuộc 5 huyện lên 73 xã thuộc 11 huyện của tỉnh Nghệ An. 61 xã được bổ sung là các xã có điều kiện đặc thù về tự nhiên và kỹ thuật canh tác tương đồng với 12 xã đã được bảo hộ.
 
Ở Nghệ An, cây cam được trồng từ lâu đời và phát triển mạnh vào những năm 60 -70 của thế kỷ trước. Qua nhiều thế hệ, người dân trồng cam địa phương đã chọn lọc và phát triển một loại cam được đông đảo người dân ưa thích và trở thành một trong 10 cây chủ lực của tỉnh Nghệ An. 
 
Nhờ những đặc tính nổi trội, cam vùng này đã nổi tiếng cả nước và trở thành đặc sản của xứ Nghệ. Nhất là sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa, sản phẩm cam đã không ngừng phát triển, từ đó nâng cao được giá trị kinh tế, giúp bà con nhân dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất. 
 
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu và xây dựng chỉ dẫn địa lý cam “Vinh” trước đây, việc thu thập lấy mẫu để xác định hình thái và chất lượng của quả cam chỉ giới hạn trong 3 giống cam được trồng ở 12 xã thuộc 5 huyện, đây là vùng đã được du nhập các giống cam đầu tiên vào tỉnh Nghệ An và đây cũng được xác định là vùng lõi của sản phẩm cam “Vinh”. Việc chỉ giới hạn 3 giống cam và khoanh vùng chỉ dẫn địa lý trong 12 xã thuộc 5 huyện chưa phản ánh hết được thực trạng sản xuất cam của tỉnh Nghệ An. 
 
Cơ hội quảng bá, nâng cao giá trị cảm quả
 
Trước thực trạng đó, tỉnh Nghệ An đã nghiên cứu giống cam V2, một giống cam chín muộn có khả năng thích nghi, phát triển tốt và điều kiện địa lý của một số khu vực trồng cam khác trong tỉnh.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy: đặc thù hình thái và chất lượng của giống cam V2 tương đương với các giống cam đã được bảo hộ như cam Xã Đoài, cam Vân Du và cam Sông Con. Điều kiện tự nhiên, con người, tập quán canh tác của khu vực nghiên cứu mở rộng không có sự sai khác nhiều và hoàn toàn phù hợp với điều kiện của khu vực địa lý đã được bảo hộ.
 
 
 Ảnh minh họa (nguồn Internet)
 
Kết quả nghiên cứu trên là cơ sở để ngày 16/8/2019 Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, tiến hành sửa đổi chỉ dẫn địa lý 00012 với những sửa đổi về bổ sung giống cam V2 và mở rộng khu vực địa lý từ 12 xã thuộc 5 huyện lên 73 xã thuộc 11 huyện của tỉnh Nghệ An. Ngày 16/10/2019, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 5004/QĐ-SHTT về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00012 cho sản phẩm cam “Vinh”.
 
Cam V2 có hình cầu hoặc tròn đều, quả to trung bình từ 180 - 250 g/quả, quả có thể lưu giữ trên cây lâu mà không bị giảm chất lượng, vỏ quả mỏng và bóng, màu vàng đẹp với độ dày trung bình 3mm, tép màu vàng nhạt, mịn và mọng nước. Cam V2 có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm. Hàm lượng nước cao từ 86,76 đến 90,65 %, tỷ lệ xơ thấp, độ axit tổng số từ 0,46 - 0,60 %, độ Brix từ 9,18 đến 12,95 %. Hàm lượng  Vitamin C từ 42,76 đến 55,88 mg/100g.
 
Theo ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An: Những địa phương được cấp chứng nhận chỉ giới địa lý cam Vinh đã đáp ứng được nguyện vọng của những người trồng cam từ trước tới nay. Sau khi được chứng nhận, các sản phẩm cam ở các địa phương này có cơ hội quảng bá tại các hội chợ, đồng thời được dán tem truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị cam quả.
 
Cây cam ở Nghệ An được trồng từ lâu đời và phát triển mạnh vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Qua nhiều thế hệ, người dân trồng cam địa phương đã chọn lọc và phát triển một loại cam được đông đảo người dân ưa thích và trở thành một trong những cây chủ lực của tỉnh Nghệ An.
 
Nhờ những đặc tính nổi trội, cam vùng này đã nổi tiếng cả nước và trở thành đặc sản của xứ Nghệ. Nhất là sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, sản phẩm cam đã không ngừng phát triển, từ đó nâng cao được giá trị kinh tế, giúp bà con nhân dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất.
 
60 xã của 9 huyện được cấp bổ sung gồm:
- Xã Minh Thành, Đồng Thành, Xuân Thành, Trung Thành, Nam Thành (Yên Thành).
 - Xã Nam Anh, Nam Hưng, Nam Kim, Khánh Sơn (Nam Đàn).
 - Nghi Trung, Nghi Vạn, Nghi Thuận, Nghi Kiều, Nghi Công Nam, Nghi Công Bắc, Nghi Lâm (Nghi Lộc).
- Tân Hợp, Đồng Văn, Tiên Kỳ, Giai Xuân, Nghĩa Phúc (Tân Kỳ); Nghĩa Long, Nghĩa Lộc, Nghĩa Tân, Nghĩa Liên (Nghĩa Đàn); Hạ Sơn, Văn Lợi, Châu Đình, Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp).
- Đông Hiếu, Tây Hiếu, Quang Phong, Nghĩa Hòa (thị xã Thái Hòa).
- Thanh Nho, Thanh Đức, Thanh Thủy, Thanh Hòa, Hạnh Lâm (Thanh Chương)
- Lĩnh Sơn, Khai Sơn, Đỉnh Sơn, Cao Sơn, Cẩm Sơn, Tào Sơn, Long Sơn, Thọ Sơn, Bình Sơn, Hội Sơn, Phúc Sơn (Anh Sơn).
- Chi Khê, Yên Khê, Bồng Khê, Mậu Đức, Đôn Phục, Thạch Ngàn, Môn Sơn, Lục Dạ, Lạng Khê, Bình Chuẩn, Cam Lâm (Con Cuông).
 
Bài, ảnh: PV