|
|||
Vai trò tiên quyết phát triển KT-XH, văn hóa mỗi quốc gia Phát biểu tại Hội thảo “Phổ biến chính sách, pháp luật sở hữu trí tuệ và tham vấn Báo cáo đánh giá tác động chính sách sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ” diễn ra ngày 7/10/2019 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc cho biết, trong thời đại KH&CN phát triển như vũ bão hiện nay, sở hữu trí tuệ (SHTT) trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Pháp luật quốc tế và pháp luật của hầu hết các quốc gia đều công nhận và bảo hộ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm việc phổ biến tiến bộ khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật vào mục đích phát triển xã hội. “Nước ta mở cửa từ năm 1986 và theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là hơn 2,9 tỷ USD, trong đó 3/4 là nhập khẩu, còn lại là xuất khẩu. Khi đó, các mặt hàng của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu khác. Năm 2018, sau 32 năm đổi mới, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là 480 tỷ USD, xuất siêu trị giá 6,8 tỷ USD. Năm 2019, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, ước tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt nam sẽ vượt ngưỡng 500 tỷ USD. Như vậy có thể thấy, từ năm 1986 đến nay, tình hình nền kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam đã có sự thay đổi một cách căn bản. Năm 1975, tổng giá trị tài sản của 500 hãng lớn nhất của nước Mỹ đăng ký ở thị trường chứng khoán, tạo nên sự hùng mạnh của nền kinh tế Mỹ có tỷ lệ tài sản vô hình trên hữu hình là 82/18. Nhưng đến năm 2015, tức 40 năm sau, sự dịch chuyển hoàn toàn ngược lại, hữu hình chỉ còn 18% và vô hình chiếm 82%. Một số các hãng có thể kể đến như Uber, Facebook, Microsoft. Có thể nói, tài sản vô hình là đặc tính của nền kinh tế hiện đại, gắn liền với các nước phát triển công nghiệp. Nói đến 2 nền kinh tế của Việt Nam và Mỹ cho thấy, trong phát triển kinh tế - xã hội ở thời đại hiện giờ thì vấn đề SHTT ngày càng được quan tâm nhiều hơn, trở thành vai trò tiên quyết, chi phối nhiều mối quan hệ, ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của một quốc gia, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội thảo Cũng theo Thứ trưởng, mặc dù nền móng cho hoạt động SHTT của Việt Nam đã được xây dựng một cách tương đối vững chắc nhưng hiện trạng của chính hệ thống này cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đang đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao như phải tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thực sự trở thành công cụ quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng của SHTT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách và hành động để thúc đẩy hoạt động này. Có thể kể đến Chiến lược SHTT đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) đã được Quốc hội phê chuẩn ngày 12/11/2018, có hiệu lực với Việt Nam ngày 14/01/2019 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được hai bên ký kết ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật SHTT để thi hành các nghĩa vụ theo Hiệp định CPTPP mà Việt Nam phải thi hành ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực. Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật SHTT đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như để thi hành các cam kết về SHTT như yêu cầu của các đối tác trong FTA, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ VHTT&DL, Bộ NN&PTNT xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT. Dự thảo hồ sơ đã được công bố trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi. Kỳ vọng nhóm dẫn đầu ASEAN về sáng tạo và SHTT Cùng chia sẻ tại Hội thảo, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT cho biết, ngày 22/8 vừa qua Thủ tướng đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 với mục tiêu quan trọng là “đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT”. Một mục tiêu khác không kém phần quan trọng là việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, công bằng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Hiệu quả thực thi pháp luật SHTT được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền SHTT giảm đáng kể.
Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí: "cần tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT; hình thành văn hóa SHTT trong xã hội" Bên cạnh đó, tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về SHTT của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII): Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm; số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 6 - 8%/năm; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 8 - 10%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%/năm trong số đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài; đưa Việt Nam trở thành trung tâm bảo hộ giống cây trồng với việc hình thành cơ quan bảo hộ giống cây trồng khu vực ASEAN+. “Để thực hiện mục tiêu trên, Chiến lược đã vạch rõ các nhiệm vụ về hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ; phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT; tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT; hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội; tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về sở SHTT”, ông Đinh Hữu Phí cho biết. Tại Hội thảo, đại diện Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả, Cục Trồng trọt cùng nhiều chuyên gia đã bàn luận các vấn đề liên quan tới cam kết về sở hữu công nghiệp trong Hiệp định CPTPP, EVFTA và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật SHTT; Các cam kết về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA; Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách trong Dự án sửa Luật SHTT và các chính sách về sở hữu công nghiệp./. Bài, ảnh: PV |