Bản in
Khai thác, phát triển tài sản trí tuệ gắn với sản phẩm chủ lực địa phương
Các địa phương cần tiếp tục tập trung vào hoạt động bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ gắn với đặc sản địa phương, đưa SHTT thành công cụ hữu hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển KT-XH, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của địa phương.

Phát huy thế mạnh được bảo hộ

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT)- Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết tại  tọa đàm “Bảo hộ quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm chủ lực của địa phương” do Cục SHTT phối hợp với Sở KH&CN Sơn La tổ chức mới đây.
 
Tham gia tọa đàm có ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), ông Phạm Quang An – Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh Sơn La, đại diện lãnh đạo Cục SHTT, 14 Sở KH&CN, doanh nghiệp/hiệp hội, các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, trường đại học.
 
Phát biểu khai mạc, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết, các sản phẩm đặc thù gắn với địa danh là những tài sản có giá trị, những “thương hiệu” mang tính cộng đồng, có danh tiếng và uy tín chất lượng từ lâu truyền lại; mang đến giá trị tiềm năng to lớn không chỉ về mặt kinh tế mà còn ở cả mặt xã hội. Vì thế, việc đề ra các chính sách, biện pháp để thúc đẩy hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản địa phương, tạo động lực cho sự phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia hiệu quả, chủ động vào thị trường; đồng thời giữ gìn và phát huy được danh tiếng và uy tín chất lượng “thương hiệu” của các đặc sản địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước là rất quan trọng.
 
Hiện nay, các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đang giúp cho các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý Nhà nước xác lập quyền sở hữu công nghiệp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh mang tính chuyên nghiệp có trọng điểm. Mặt khác, nhằm định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm đặc sản mang tính đặc thù, tiềm năng của tỉnh.
 
 
Đoàn Khảo sát Cục Sở hữu trí tuệ tham quan khu sản xuất chè tại Công ty chè Mộc Châu.
 
Ông  Nguyễn Minh Đức – Phó Giám đốc Sở KH&CN Sơn La khẳng định, nhằm  xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản là tiềm năng lợi thế của tỉnh; trong đó có nội dung tập trung và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Theo đó, Sở KH&CN đã phối hợp với các đơn vị tư vấn, UBND các huyện thành phố tổ chức khảo sát, đánh giá tiềm năng xây dựng thương hiệu các sản phẩm. 
 
Đến nay, toàn tỉnh đã có 18 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ (Chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu; Cà phê Sơn La, Chuối Yên Châu; chè Olong Mộc Châu; rau an toàn Mộc Châu; nhãn Sông Mã; cam Phù Yên; táo Sơn tra Sơn La; Mật ong Sơn La; khoai sọ Thuận Châu,…), trong đó, sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu đã được bảo hộ tại thị trường Thái Lan năm 2017. Đây là sản phẩm nông sản đầu tiên của tỉnh đăng ký bảo hộ thành công tại thị trường nước ngoài.
 
Sở KH&CN tỉnh Sơn La đang tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm như; Chanh leo Sơn La; Mận hậu Sơn La; Rau an toàn Sơn La; Xoài Sơn La; Nhãn Sơn La và Bơ Sơn La. Các sản phẩm sau khi đăng ký thành công thương hiệu bước đầu phát huy hiệu quả, giá trị sản phẩm tăng lên khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường, một số sản phẩm mang nhãn hiệu bước đầu tiếp cận thị trường nước ngoài như: Nhãn, Xoài, Chanh leo. Bên cạnh đó, để duy trì và phát triển thương hiệu, các doanh nghiệp, Hợp tác xã được hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ xúc tiến thương mại, gắn việc quảng bá sản phẩm mang nhãn hiệu với du lịch canh nông, trải nghiệm như: Du lịch cánh đồng chè Shan tuyết Mộc Châu, du lịch lòng hồ Sông Đà, nghỉ dưỡng, trải nghiệm hái chè, sản xuất chè Ô Long…

Gắn với đặc thù địa phương
 
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Quang An – Giám đốc Sở KH&CN Sơn La cho rằng, hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản địa phương là cần thiết và cấp bách để nâng cao giá trị sản phẩm cũng như mang lại lợi ích kinh tế cho người dân. Các giải pháp phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc sản trong thời gian qua được Sở KH&CN tỉnh triển khai đồng bộ, việc công bố các văn bằng bảo hộ được gắn với lễ hội của từng địa phương, do đó mang lại hiệu ứng tốt trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng. 
 
Cũng theo ông Phạm Quang An, thời gian tới, công tác xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực cần chú trọng đến vai trò của doanh nghiệp, phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị, thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức tập thể, người dân nhằm tạo sự ổn định và bền vững.
 
 
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến hoạt động bảo hộ, thực thi quyền SHTT đối với các đặc sản địa phương; các giải pháp quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của các địa phương; đặc biệt là định hướng chính sách, giải pháp hỗ trợ của nhà nước, của địa phương nhằm thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, người dân trong hoạt động phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị để phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực trong thời gian tới.
 
Qua đó, các đại biểu cho rằng, để việc bảo hộ quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm chủ lực đạt hiệu quả rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa Sở KH&CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương trong hoạt động phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị để phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực trong thời gian tới.
 
Đánh giá cao những kết quả mà Sơn La đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt là công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của tỉnh. Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT mong muốn, từ kinh nghiệm của Sơn La, để phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, các Sở KH&CN cần có sự kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối giao thương, đẩy mạnh hợp tác phát triển KH&CN cũng như phát triển triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản vùng miền trong cả nước, đưa nông sản địa phương khẳng định vị thế trên thị trường, phục vụ công tác xuất khẩu.
 
“các Sở KH&CN, các viện/trường, các địa phương phải làm sao tham mưu, lồng ghép, tư vấn để đưa nội dung của SHTT vào nội dung tổng thể của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chỉ đến khi đó, các sản phẩm chủ lực mới có thể đóng góp đắc lực cho sự phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh”, ông Đinh Hữu Phí cho biết thêm.
 
Đề cập đến nội dung cần ưu tiên tập trung trong lĩnh vực SHTT tại các địa phương trong giai đoạn tới, ông Phí cũng cho rằng, các địa phương cũng cần tiếp tục tập trung vào hoạt động bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ gắn với đặc sản địa phương, đào tạo cán bộ làm công tác SHTT, đưa SHTT thành công cụ hữu hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của địa phương.
 
 
Ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ông Phạm Quang An – Giám đốc Sở KH&CN phát biểu tại buổi Tọa đàm
 
Trước đó, nhằm tăng cương hoạt động hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, Cục SHTT đã tổ chức hoạt động khảo sát, đánh giá hiệu quả, chia sẻ kinh nghiệm về thực trạng hoạt động bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương. Mục đích của chuyến khảo sát nhằm khảo sát thực địa, trao đổi thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả hoạt động bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT cho các sản phẩm chủ lực của địa phương giai đoạn 2016-2020; học tập kinnh nghiệm, mô hình kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương mang địa danh.
 
Đoàn khảo sát đã tham dự : Ngày hội nhãn Sông Mã và Lễ công bố xuất khẩu nhãn Sơn La năm 2019. Năm 2017, sản phẩm nhãn Sông Mã đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sông Mã”. Đến nay cây nhãn đã trở thành loại cây trồng chủ lực của huyện, nhiều hộ gia đình trồng nhãn có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
 
Thăm một số mô hình như: Mô hình chế biến chè tại Công ty chè Mộc Châu, mô hình nhãn tại huyện Sông Mã và mô hình trồng na tại HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, đây là HTX có 50 ha trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, toàn bộ diện tích trồng na của 21 hộ thành viên đã được đầu tư công nghệ tưới ẩm của Israel, giúp đưa phân bón trực tiếp hòa tan vào nguồn nước tưới. Để ổn định đầu ra và đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của thị trường, HTX Mé Lếch đã chuyển 5 ha na sang canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn phòng trừ sâu bệnh hại.
 
Bài, ảnh: PV