|
|||
Vì được trang bị nhiều năm nên các dàn máy tính để bàn của Bệnh viện Nhi đồng 1 đã xuống cấp, không ít trong số đó khi sử dụng phát ra tiếng ồn rất lớn. Với một bệnh viện luôn quá tải người bệnh, lại thêm tiếng ồn của các thiết bị điện tử, khiến không khí các phòng khám thêm phần bí bách. Là Trưởng phòng Công nghệ thông tin của Bệnh viện Nhi đồng 1, thạc sĩ Đặng Thanh Hùng nghĩ đến giải pháp làm sao để thay thế những cục CPU cổ điển bằng loại thiết bị khác, hiện đại hơn. Anh bắt tay vào tìm hiểu các thiết bị thay thế. Từ nguồn tài liệu trong và ngoài nước, kỹ sư Đặng Thanh Hùng biết đến bo mạch điện tử Raspberry Pi có khả năng thay thế cục CPU mà chức năng không thay đổi. Lục tìm các địa chỉ bán thiết bị điện tử tại TPHCM, anh Hùng vui mừng khi thấy sản phẩm này có ở thị trường với giá tương đối rẻ. Sau khi âm thầm thử nghiệm trên máy tính để bàn của cá nhân, anh khá hài lòng với thiết bị thay thế này. Với máy tính đơn lẻ thì quá ổn, nhưng với hệ thống cả trăm dàn máy, làm sao để vận hành tối ưu nhất lại là thách thức không nhỏ. Anh Hùng tiếp tục nghiên cứu cách vận hành nó trên hệ thống hàng trăm máy tính. Sau 3 tháng anh đã tìm ra cách vận hành khả quan. Giữa năm 2016, anh Hùng mạnh dạn đề xuất ban giám đốc bệnh viện cho thay thế cuốn chiếu (máy nào xuống cấp, hư hỏng thì thay trước), từng bước chuẩn hóa máy tính để bàn của toàn bệnh viện. Thạc sĩ Đặng Thanh Hùng cho biết, bo mạch điện tử Raspberry Pi với kích thước chỉ lớn hơn chiếc thẻ ATM, nếu tính cả hộp bảo quản thì bằng gói thuốc lá (kích thước bằng 1/100 CPU cổ điển), nhưng đầy đủ chức năng của một cục CPU cổ điển, hoàn toàn thay thế chỗ đứng của cục CPU trong dàn máy tính. Các bo mạch sẽ được kết nối với máy chủ thành một hệ thống vận hành khép kín. Đặc biệt, sản phẩm này hoạt động theo cơ chế ảo hóa máy chủ bằng phần mềm Proxmox mở rộng để kết nối từ bo mạch qua mạng nội bộ vào máy chủ. Đầu năm 2017, ban giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 đồng ý đưa công trình sáng tạo vào áp dụng cuốn chiếu tại bệnh viện. Thạc sĩ Đặng Thanh Hùng phân tích, sở dĩ anh thuyết phục ban giám đốc bệnh viện thay thế bo mạch Raspberry Pi cho CPU bởi nó có rất nhiều ưu điểm. Cụ thể, mỗi bo mạch điện tử mua mới có giá gần 2 triệu đồng, nhưng CPU mua mới giá trung bình là 8 triệu đồng, vì vậy khi đầu tư thiết bị này, bệnh viện tiết kiệm được 3/4 chi phí đầu tư trang thiết bị. Vì Raspberry Pi hoạt động theo cơ chế ảo hóa máy chủ bằng phần mềm Proxmox mở rộng nên hoàn toàn không mất chi phí mua phần mềm bản quyền như một số hệ thống khác. Đặc biệt, thiết bị này giúp tiết kiệm điện, trung bình mỗi cục CPU khi sử dụng sẽ tiêu thụ hết 150 - 200w điện/giờ, trong khi sản phẩm mới chỉ tiêu thụ hết 4w điện/giờ, như vậy về điện năng, bo mạch điện tử Raspberry Pi tiết kiệm gần 40 lần so với CPU. Với máy tính bàn sử dụng CPU, khi thiết bị bị lỗi phần mềm, nhân viên kỹ thuật phải tới tận nơi để kiểm tra, sữa chữa, nhưng với bo mạch điện tử Raspberry Pi, toàn bộ lỗi phần mềm đều được sửa chữa trên hệ thống máy chủ. Ước tính mỗi ngày tiết kiệm được từ 2 - 3 công làm việc. Ngoài ra, bo mạch điện tử Raspberry Pi không tỏa nhiệt ra ngoài môi trường và khi thiết bị hư hỏng, lượng rác thải điện tử cũng sẽ giảm rất nhiều so với CPU cổ điển và tiết kiệm được diện tích không gian đặt. “Giai đoạn đầu, chúng tôi thay thế 100 bo mạch điện tử Raspberry Pi cho 100 cục CPU cổ điển ở những dàn máy tính để bàn cũ nhất. Kết quả là hệ thống vận hành tốt ngoài mong đợi, không bác sĩ nào phàn nàn về thiết bị máy tính. Sau thành công ở giai đoạn đầu, hiện toàn Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thay thế gần 300 cục CPU bằng bo mạch Raspberry Pi. Tính ra, trong năm vừa qua, bệnh viện đã tiết kiệm được gần 500 triệu đồng tiền điện. Nếu thay thế 600 CPU của toàn bộ máy tính hiện hữu trong bệnh viện thì mỗi năm cũng tiết kiệm được gần 1 tỷ đồng”, kỹ sư Hùng cho biết. Kết quả mà giải pháp này mang lại đã khiến cho một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM quyết định học hỏi và áp dụng, như Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Da Liễu TPHCM… |