Bản in
Hiệu quả từ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ
Chương trình phát triển tài sản trí tuệ hay còn gọi là chương trình 68 đã tạo ra một hướng đi mới trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt triển khai Chương trình 68 giai đoạn từ 2016 – 2020 với nhiều nội dung và cách thức triển khai mới, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn , Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Tạo lập giá trị tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân

Chương trình 68 giai đoạn 2016 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã triển khai được 2 năm? Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những mục tiêu và nội dung đổi mới cho việc tổ chức và triển khai chương trình so với giai đoạn trước?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Mặc dù Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội như: Số lượng sáng chế được hỗ trợ bảo hộ, áp dụng còn hạn chế; Việc hỗ trợ các đặc sản địa phương mới dừng lại ở việc bảo hộ, vấn đề kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu sản phẩm chưa được triển khai rộng rãi; Vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn ra phức tạp, Chương trình chưa triển khai được nhiều dự án quy mô lớn để xử lý vấn đề này; Việc hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn hạn chế.

Phát huy và khác phục những tồn tại của giai đoạn trước, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 tập trung vào 04 nhóm nội dung chính: Nâng cao năng lực tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù, chủ lực của địa phương; Tăng cường hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Hỗ trợ bảo hộ và phát triển các thành quả sáng tạo của các nhà sáng chế không chuyên

Thưa ông, trải qua một nửa chặng đường, ông có thể chia sẻ về những kết quả của chương trình 68 giai đoạn 2016 – 2020 đã đạt được?

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 đã và đang triển khai tích cực, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo dựng, phát triển các tài sản trí tuệ của Việt Nam, tiêu biểu như:

Hỗ trợ đăng ký bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù của Việt Nam: Hiện nay Cục SHTT đang hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho các sản phẩm thanh long Bình Thuận, Cà phê Buôn Ma Thuột và vải thiều Lục Ngạn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ lựa chọn để hỗ trợ bảo hộ cho các sản phẩm chủ lực khác ra các thị trường lớn trên thế giới; Hỗ trợ quản trị và phát triển tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang được Cục SHTT hỗ trợ như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Hiêp hội da giày túi xách, Công ty DABACO; Hỗ trợ kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm nông nghiệp: Chúng tôi lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để triển khai công tác hỗ trợ tạo ra cú hích, kết quả điển hình như cam Cao Phong, nước mắm Phú Quốc, café Buôn Ma Thuột;
 

Hội thảo công bố Báo cáo đề xuất nhằm cải thiện việc Bảo vệ quyền SHTT  ngày 12/3/2018
 
Tập trung việc đào tạo chuyên sâu, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao về sở hữu tri trí tuệ cho các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp: Cục SHTT đang phối hợp với 02 trường Đại học Luật lớn của 02 đầu đất nước là Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh để xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chuyên sâu về SHTT, ngoài ra, Cục cũng phối hợp với ĐH Văn hóa TP. Hồ Chí Minh để đào tạo về SHTT cho các cán bộ công tác trong lĩnh vực bản quyền tác giả, văn học nghệ thuật, ca nhạc, phim ảnh.
 
Để có được những kết quả ấn tượng như vậy, ông có thể chia sẻ rõ hơn về những thuận lợi trong công tác triển khai Chương trình? 
 
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, SHTT đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh và bảo vệ lợi ích quốc gia;
 
Bên cạnh đó, sự vào cuộc, quan tâm của lãnh đạo nhà nước, bộ ngành, địa phương về bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ; Cộng đồng, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sản phẩm phải được bảo hộ SHTT và được kiểm soát nguồn gốc, xuất sứ;
 
Đặc biệt, hàng năm, có một lượng lớn các tài sản trí tuệ được tạo ra từ hoạt động nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và thực tiễn đời sống, dẫn đến nhu cầu tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ là rất lớn và không ngừng gia tăng.
 
Tiếp tục nâng cao nhận thức

Thế còn những khó khăn thì sao thưa ông? 

Đúng vậy, bởi hầu hết các doanh nghiệp của Việt nam chủ yếu vẫn là nhỏ và vừa, năng lực về pháp chế nói chung và về SHTT còn hạn chế; Các sản phẩm nông nghiệp vẫn quy mô nhỏ lẻ, tự phát, khó kiểm soát nguồn gốc và chất lượng;
 
Bên cạnh đó, số lượng sáng chế được bảo hộ và có tính ứng dụng còn ít; Nguồn nhân lực chất lượng cao về SHTT, chuyên gia về SHTT chưa có nhiều.

Vậy ông đánh giá như thế nào về sự tham gia của cộng đồng và các doanh nghiệp đối với sự phát triển cả chương trình 68 giai đoạn 2016 – 2020?
 
Giai đoạn này, ngay từ ban đầu đã định hướng cho chương trình cần có sự đột phá khác hẳn so với giai đoạn trước, lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho sự phát triển. Cách đặc hàng của Bộ KH&CN cũng rất khác, bản thân chúng tôi rất chủ động đến với các doanh nghiệp, viện, trường để tìm hiểu nhu cầu của họ.
 
 
Máy giep hạt tự động của nhà sáng chế không chuyên Phạm Văn Hát
 
Đã có bước đột phá, dịch chuyển lớn về quan điểm tiếp cận đối với hoạt động bảo hộ, phát triển TSTT so với giai đoạn 2011-2015: đa dạng về chủ thể tham gia đề xuất (Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp lớn, hiệp hội doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường ĐH); phong phú về loại dự án; đầy đủ về lĩnh vực triển khai và toàn diện về nội dung (tất cả các nội dung được phê duyệt trong Chương trình đều có dự án đề xuất thực hiện).
 
Trong năm 2016-2018, tổng số đơn vị tham gia Chương trình là 151 đơn vị, trong đó có 48 địa phương; 52 Tập đoàn, công ty; 09 hiệp hội; 38 Viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng và các đơn vị khác.
 
Sự tham gia Chương trình cho thấy ngành KH&CN nói chung và SHTT nói riêng đang từng bước khẳng định vai trò và vị thế quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội: Nhiều tập đoàn, DN lớn đã chủ động liên hệ, gặp gỡ, trao đổi với Cục SHTT để đề xuất các nhiệm vụ, đặt hàng tư vấn chuyên môn, hỗ trợ bảo hộ, quản trị và phát triển TSTT, ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN, sáng tạo.
 
 
Hội thảo "Phát triển và Chuyển giao Tài sản Trí tuệ" do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ  và Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức
 
Tính đến nay đã có 147 đặt hàng, trong đó các địa phương của các tỉnh thành là 48 đặt hàng, 52 đặt hàng của doanh nghiệp, có 38 đặt hàng của viện trường, 9 đặt hàng của Hiệp hội,  rải đều ra các nhóm dự án từ việc đào tạo, xây dựng mô hình tổ chức quản lý, quản trị tài sản trí tuệ nâng cao hiệu quả thực thi, có dự án về thiết kế các gói tra cứu thông tin để phục vụ doanh nghiệp. Cuối cùng là hỗ trợ áp dụng các sáng chế và tôn vinh các nhà sáng chế không chuyên.
 
Để chương trình gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, ông có thể chia sẻ về chương trình trong thời gian tới mà cục sẽ tập trung ưu tiên triển khai trong thời gian tới?
 
Ngoài những nhiệm vụ chung, chúng tôi tiếp tục bám vào mục tiêu của Chương trình tiếp tục nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tài sản trí tuệ trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam
 
Đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ cho khoảng 1000 cá nhân, tập trung vào các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; Hỗ trợ khai thác, áp dụng thực tiễn cho ít nhất 50 sáng chế/giải pháp hữu của Việt Nam.
 
Hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho ít nhất 70 sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm làng nghề mang địa danh; Hỗ trợ ít nhất 100 doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trong việc xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở trong và ngoài nước đối với các sản phẩm quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Bài, ảnh: L. Hạnh