|
|||
Những con số ấn tượng Tính đến năm 2017, Việt Nam đã bảo hộ được 60 chỉ dẫn địa lý, 971 nhãn hiệu tập thể và 253 nhãn hiệu chứng nhận, đa phần các sản phẩm được bảo hộ này là các đặc sản vùng miền. Con số này đã phần nào minh chứng cho điều đó.
Đối với chỉ dẫn địa lý, ngoài việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải đáp ứng các quy định về chất lượng đặc thù, đặc trưng được tạo dựng từ điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu) và kỹ thuật sản xuất truyền thống của người dân. Bản thân sản phẩm mang những giá trị mà thường được gọi là “đặc sản”. Theo thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ về cơ cấu sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, có khoảng 50% sản phẩm là trái cây, 20% là các sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp như: quế, hoa hồi, chè... Còn lại là các sản phẩm thủy sản, gạo và một số thực phẩm khác. Bên cạnh việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý, Việt Nam còn sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể để đăng ký cho các đặc sản địa phương, đặc biệt là các sản phẩm chưa đủ điều kiện để xây dựng chỉ dẫn địa lý.
Về hiệu quả mang lại, sau 15 năm nỗ lực từ chính quyền, sự chủ động của nhà sản xuất, doanh nghiệp, công tác bảo hộ, phát triển chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm, chỉ dẫn đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Quá trình bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã tác động tích cực và rõ ràng đến nhận thức, sự quan tâm, đầu tư về nguồn lực của các địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ dẫn địa lý cũng đã tác động rõ ràng đến nhận thức của cộng đồng, người tiêu dùng. Khái niệm chỉ dẫn địa lý đã dần trở nên quen thuộc, là một trong những quan tâm, ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng khi mua bán, sử dụng sản phẩm. Chỉ dẫn địa lý cũng đã giúp các địa phương hình thành được các tổ chức tập thể như Hội/Hiệp hội, đại diện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh để tham gia hoạt động quản lý, phát triển thị trường sản phẩm, góp phần trong hoạt động tổ chức sản xuất, thương mại sản phẩm trên thị trường.
Vải thiều, một trong những sản phẩm được Chỉ dẫn địa lý
Một trong những giá trị, kết quả tích cực nhất là sau khi sản phẩm được bảo hộ, giá bán của các sản phẩm sau khi CDĐL được bảo hộ đều có xu hướng tăng. Điều này thể hiện ở chỗ mỗi một chỉ dẫn địa lý sau khi được nhà nước bảo hộ, về cơ bản, các địa phương sẽ tổ chức quản lý trên cơ sở các chính sách và quy định theo từng sản phẩm, đặc biệt là việc kiểm soát chất lượng và các quy định liên quan đến bao bì, nhãn mác, sử dụng. CDĐL đã tác động đến giá trị của sản phẩm, giá bán của các sản phẩm sau khi CDĐL được bảo hộ đều có xu hướng tăng, đặc biệt là một số sản phẩm như: Nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang), cam Cao Phong (Hòa Bình), mật ong bạc hà Mèo Vạc (Hà Giang)...
Các thống kê và báo cáo của các hiệp hội sản xuất và kinh doanh sản phẩm bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thấy giá bán sản phẩm tăng từ 20-100%, điển hình như: Cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi; Mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%, Nước mắm Phú Quốc tăng từ 30-50%. Từ khi được bảo hộ, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn liên tục phát triển cả về quy mô và chất lượng. Từ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Việt GAP quy mô 1.000 ha đến nay đã nhân rộng lên là 13.000 ha; chất lượng ngày càng được nâng cao và được thị trường chấp nhận, giá bán ngày càng tăng từ 5.000 - 10.000đ/kg năm 2005 -2010 đến nay giá bán bình quân là 30.000 – 40.000đ/kg. Thị trường tiêu thụ trước đây chủ yếu trong nước đến nay đã xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Australia, một số nước ASEAN... như vậy khẳng định rằng chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn đang phát huy va sẽ phát huy được thế mạnh của mình.
Bên cạnh việc bảo hộ chỉ dẫn cho các sản phẩm đặc thù, chủ lực ở trong nước, chúng ta cũng đang nỗ lực tiến hành xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý sang các nước. Cụ thể, Cục SHTT cũng đã đề xuất bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại 28 nước Châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu và hiện nay Cục đang lựa chọn 3 chỉ dẫn địa lý để hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký sang Nhật Bản theo kế hoạch hợp tác về chỉ dẫn địa lý giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Nông, Lâm và nghề cá Nhật Bản.
Hoạt động đăng lý SHTT ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là đối với sản phẩm nông sản, thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp đã và đang diễn ra mạnh mẽ, ở hầu hết các địa phương. Rõ ràng, đây là một hoạt động rất quan trọng và cần thiết nhằm bảo vệ những giá trị của sản phẩm, phát huy những lợi thế về điều kiện sản xuất (tự nhiên, con người), nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm nhập khẩu
Hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ từ nhiều phía
Công tác bảo hộ SHTT nói chung và bảo hộ SHTT cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã được quan tâm. Tuy nhiên, Có thể nói, kinh nghiệm sử dụng, đưa SHTT trở thành một công cụ hữu hiệu để phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam còn khá hạn chế, chưa đạt được như kỳ vọng và khai thác được giá trị thương mại cốt lõi của việc bảo hộ, phát triển sản phẩm. Các sản phẩm nông nghiệp hiện nay của Việt Nam vẫn thiếu sự kiểm soát đối với chất lượng sản phẩm, tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả vẫn được trà trộn, bày bán cùng với những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; tỷ lệ các cơ sở sản xuất tham gia vào tổ chức tập thể quản lý chỉ dẫn địa lý còn khá thấp, dẫn đến khó khăn rất nhiều trong việc kiểm soát quá trình sản xuất và tạo dựng uy tín thương hiệu; công tác truyền thông đối với thương hiệu tập thể mang chỉ dẫn địa lý còn quá hạn chế, dẫn đến công chúng còn ít biết đến chỉ dẫn địa lý, đặc biệt là những khu vực tiêu dùng xa so với những chỉ dẫn địa lý.
Minh chứng cho điều này, chớm Hè hằng năm, chúng ta vẫn bắt gặp những xe thồ chở vải thiều được quảng bá là “vải thiều Lục Ngạn” trên tấm bìa carton, mà người dân vùng chỉ dẫn địa lý biết chắc rằng không phải sản phẩm của họ vì vải thiều Lục Ngạn chưa vào vụ, người tiêu dùng cũng không khó khăn để có thể nhìn thấy một chai nước mắm gắn chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” nhưng không được sản xuất, đóng chai ở hòn đảo xinh đẹp này, và cũng có những điều ngược lại, các kiện hàng thanh long chính gốc vẫn được xuất đi muôn phương nhưng lại không mang tên Bình Thuận, vùng bảo hộ chỉ dẫn địa lý mà sản phẩm danh tiếng này sinh ra.
Từ khía cạnh người tiêu dùng, chúng ta vẫn luôn yêu cầu, đòi hỏi nhà sản xuất phải bảo đảm nguồn gốc, chất lượng, sản phẩm được bảo hộ, bao gói bắt mắt, gắn tem nhãn, tuy nhiên, chúng ta lại đắn đo lựa chọn khi những sản phẩm này có giá bán cao hơn những sản phẩm cùng loại khác trôi nổi trên thị trường.
Cần gây dựng được văn hóa sở hữu trí tuệ từ nhiều phía, cả cơ quan nhà nước, nhà sản xuất, người tiêu dùng
Vì vậy, để gia tăng hiệu quả khái thác giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp sau bảo hộ, chúng ta cần gây dựng được văn hóa sở hữu trí tuệ từ nhiều phía, cả cơ quan nhà nước, nhà sản xuất, người tiêu dùng, trong đó cần: Tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý thị trường, phải ngăn chặn được việc lợi dụng danh tiếng, uy tín của các sản phẩm được bảo hộ để sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Đối với nhà sản xuất, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí chất lượng, nguồn gốc sản phẩm..; Xác lập được chuỗi cung cứng đối với các đặc sản địa phương mang chỉ dẫn địa lý. Gợi ý ở đây là nên thiết lập các đầu mối phân phối là các doanh nghiệp thương mại có uy tín, có hệ thống rộng rãi để phân phối sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; hoặc áp dụng mô hình tổ chức hệ thống phân phối riêng của tổ chức tập thể quản lý chỉ dẫn địa lý, nghĩa là các HTX, các hiệp hội chủ sở hữu của thương hiệu tập thể tự tổ chức hệ thống phân phối của riêng mình. Điều này sẽ đảm bảo tính linh hoạt rất cao và gia tăng khả năng kiểm soát đối với chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường; Tăng cường công tác truyền thông thương hiệu, đặc biệt là truyền thông qua internet (các diễn đàn, mạng xã hội, website…) để nhanh chóng nhất gia tăng nhận thức về thương hiệu đối với người tiêu dùng và tạo cơ hội để phát triển tiếp xúc thương hiệu. Từ đó, dần tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng đối với thương hiệu tập thể mang chỉ dẫn địa lý....
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sâu, rộng, sở hữu trí tuệ đã và đang trở thành một công cụ rất quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Cùng với điều đó thì hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi và phức tạp, các sản phẩm nông nghiệp cũng không thể nằm ngoài xu thế đó. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, việc tạo ra văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng nhà sản xuất, người tiêu dùng là rất cần thiết.
PV |