Bản in
Chương trình 68 giai đoạn 3: tăng giá trị thương mại của sản phẩm
Chương trình đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ, áp dụng thực tiễn cho 72 sáng chế; tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho 109 đặc sản địa phương mang địa danh; tập huấn về sở hữu trí tuệ cho hơn 30.000 lượt người...

Với những nỗ lực của Bộ KH&CN, Cục SHTT, sự phối hợp tích cực của các Bộ, ban ngành và các địa phương, Chương trình đã được triển khai theo đúng mục tiêu, nội dung, kế hoạch được phê duyệt và đã thu hút được sự quan tâm, tham gia tích cực của các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng. Chương trình đã tạo ra một hướng đi mới cho các ban ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc triển khai công tác bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ. Chương trình đã góp phần đưa SHTT thành công cụ hữu hiệu để thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

 
Chương trình đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ, áp dụng thực tiễn cho 72 sáng chế; tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho 109 đặc sản địa phương mang địa danh; tập huấn về sở hữu trí tuệ cho hơn 30.000 lượt người; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên đài truyền hình của 49 địa phương với gần 3.000 số phát sóng; tư vấn, hỗ trợ xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ cho hơn 2000 doanh nghiệp; tạo cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc phê duyệt chương trình phát triển tài sản trí tuệ riêng của 35 địa phương.
 
Từ việc nhiều các địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp lớn chủ động tham gia Chương trình, đặt hàng, đề xuất nhu cầu về phát triển tài sản trí tuệ cho thấy ngành KH&CN nói chung và SHTT nói riêng đang từng bước khẳng định vai trò và vị thế quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội. Trong năm 2017, Chương trình đã tiếp nhận đề nghị hỗ trợ công tác quản lý, phát triển TSTT của 151 đơn vị, trong đó có 48 địa phương; 52 Tập đoàn, công ty, 14 hiệp hội, 38 Viện nghiên cứu, trường đại học.
 
 
Một số Sở KH&CN cũng đã mang đến Hội nghị quản lý nhà nước về SHTT năm 2017 tại Ninh Thuận các sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
 
Việc bảo hộ, khai thác TSTT làm cơ sở cho việc kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, góp phần nâng cao uy tín với người tiêu dùng, tác động đến việc gia tăng giá trị của sản phẩm, như: Mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%, Nước mắm Phú Quốc tăng từ 30-50%, Bưởi Phúc Trạch tăng 30-35%, Cam Vinh đã tăng lên hơn 50% sau khi CDĐL được đăng bạ. Từ kết quả hỗ trợ của Chương trình, có gần 50 tổ chức tập thể được thành lập (nước mắm Phú Quốc, vải thiều Lục Ngạn, cà phê Buôn Ma Thuột,...) nhằm tập hợp sức mạnh, huy động nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh.
 
Chương trình cũng thúc đẩy nhanh việc đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế vào thực tiễn đời sống, phục vụ lợi ích dân sinh. Ví dụ như : kết quả áp dụng các sáng chế số 7430 và số 10277 để xử lý môi trường tại làng nghề sản xuất miến và bánh đa tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình từ việc ô nhiễm rất lớn do chất thải làng nghề tới việc thay đổi hoàn toàn môi trường và cuộc sống dân sinh ở nơi đây,môi trường nơi đây đã trở lại trong lành.
 
Tin, ảnh: PV