Bản in
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” cho sản phẩm chè san tuyết
Trong nhiều năm qua, chè Shan của Hà Giang đã được người tiêu dùng trong nước đón nhận và được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Mới đây Cục Sở hữu trí tuệ vừa ban hành Quyết định số 2835/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00069 cho sản phẩm chè Shan tuyết “Hà Giang”.

Chất lượng nổi bật

Hà Giang là một tỉnh nằm ở cực Bắc của Việt Nam, có diện tích đất trồng chè lớn thứ ba cả nước sau tỉnh Lâm Đồng và Thái Nguyên. Hà Giang được biết đến với những điểm du lịch nổi tiếng, lễ hội văn hóa độc đáo và giống chè đặc sản Shan tuyết. 
 
Cây chè Shan tuyết ở đây mọc thành rừng, có nhiều cây chè cổ thụ vài trăm tuổi, không cần chăm sóc, bón phân và phun thuốc. Những búp chè Shan tuyết Hà Giang rất mập, căng tràn nhựa sống, bề mặt phủ lớp lông sáng bạc. Sinh trưởng và phát triển dọc theo dãy núi Tây Côn Lĩnh, quanh năm sương phủ, nơi sinh sống của cộng đồng người Dao và người H’Mông, vì vậy, cây chè Shan tuyết gắn bó chặt chẽ với sự tồn tại và phát triển của người dân địa phương. Quần thể 220 cây chè Shan tuyết cổ thụ tiêu biểu cho vùng chè Cao Bồ, Hà Giang đã được công nhận là các cây Di sản Việt Nam có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ nguồn gen của giống chè vùng cao nổi tiếng thơm ngon. 
 
Người dân địa phương ở Hà Giang cho rằng, chè ngon vì có sương mù, chè ngậm sương mù thành tuyết nên gọi là chè tuyết, việc chế biến chè Shan tuyết hội tụ đủ tinh túy của đất, nước và hơi ấm của bếp lửa nên khi uống không chỉ thấy hương thơm mà còn giúp người thưởng thức tỉnh táo, tươi mát, sảng khoái và khỏe khoắn hơn.
 
Sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mời Tổng Bí thư Tập Cận Bình thưởng thức chè Shan tuyết Hà Giang đã khẳng định được chất lượng và uy tín của chè Shan tuyết Hà Giang.
 
Chè Shan tuyết Hà Giang có các đặc điểm về hình thái và chất lượng nổi bật, có thể dễ dàng nhận biết chè Shan tuyết Hà Giang đồng đều về màu sắc và kích thước, búp chè xoăn chặt, non, thô, bạc cánh (có tuyết), cánh chè to, tròn. Khi pha chè, nước chè sánh, màu xanh vàng bắt mắt, mùi thơm tự nhiên, vị chát dịu và có vị ngọt hậu dễ chịu, dặc trưng cho sản phẩm, hài hòa giữa vị và mùi thơm. Chất lượng của chè Shan tuyết Hà Giang được thể hiện ở các chỉ tiêu sinh hóa, cụ thể: hàm lượng tro tổng số từ 4,87% đến 6,49%, hàm lượng tanin từ 27,22% đến 38,88%, hàm lượng cafein từ 2,30% đến 4,19%, hàm lượng tro tổng số từ 58,31% đến 66,52%, hàm lượng chất chiết trong nước từ 38,32% đến 47,79%.
 
Chè Shan tuyết Hà Giang hội tụ đầy đủ các yếu tố: thơm, ngon, xanh và sạch. Có được đặc thù như vậy là khí hậu mát mẻ, những làn sương và mây mù quanh năm bao phủ... và truyền thống canh tác hoàn toàn tự nhiên của người dân địa phương.

Địa hình của khu vực địa lý là vùng núi cao trên 600m so với mực nước biển, cấu trúc địa hình phức tạp. Cấu trúc địa hình phức tạp, cụ thể là địa hình núi trung bình - cao, nơi có độ cao lớn hơn 1.000m thuộc khối núi granit thượng nguồn sông Chảy và địa hình núi thấp, ở độ cao từ 600 - 1.000m được tạo thành chủ yếu từ các đá macma, trầm tích và trầm tích biến chất. 
 
Vùng chè Shan tuyết nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm, chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa và được trồng trên các loại đất: đất đỏ vàng trên đá sét (Fs), đất mùn đỏ vàng trên đá sét (Hs), đất vàng đỏ trên đá granit (Fa), đất mùn vàng đỏ trên đá granit (Ha). Thành phần cơ giới của đất là đất thịt nhẹ đến thịt nặng. Đất thuộc loại rất chua, giá trị pHKCL từ 3,95 - 4,36, hàm lượng chất hữu cơ (OM) từ trung bình đến giàu. Việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến chè Shan tuyết có những đặc điểm khác biệt kết hợp với điều kiện tự nhiên và yếu tố lịch sử, góp phần tạo nên sự khác biệt về chất lượng của chè Shan tuyết Hà Giang. 
 
Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng. Bên cạnh quy trình sản xuất truyền thống, người dân địa phương ở Hà Giang quan niệm: “cây chè Shan không cần phải chăm bón, cây uống sương đêm, nắng sớm để phát triển, cho lá xanh tươi bốn mùa”. Để phòng trừ sâu bệnh, người dân sử dụng phương pháp thủ công hoặc pha các loại thuốc phòng, diệt sâu bệnh gây hại sinh học bằng cách sử dụng vỏ chanh, bưởi, tỏi, ớt... Đặc biệt, ở Hà Giang người dân luôn nhất nhất tuân theo một tục lệ lâu đời, đó là không hái chè vào 3 ngày âm lịch: ngày “Thần Sấm” 1/3, ngày “Thần Gió” 20/1 và ngày “Lợn Rừng” 3/3.
 
Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhờ kinh nghiệm truyền thống của người dân địa phương mà chè Shan tuyết Hà Giang đạt tiêu chí là chè “Sạch”, nguyên liệu sạch từ cây chè Shan tuyết sống hoàn toàn tự nhiên, chế biến sạch không sử dụng bất kỳ hóa chất hay phụ gia nào khác; và “Ngon”, luôn có hương thơm dịu nhẹ tự nhiên do bí quyết lấy hương, màu nước xanh trong, vị đậm đà ngọt hậu kéo dài.
 
Cây trồng mũi nhọn trong phát triển KT-XH tỉnh
 
Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Hà Giang, tính đến cuối năm 2017, tổng diện tích chè Shan tuyết của Hà Giang đạt khoảng 16.067 ha (chiếm 75,6% tổng diện tích chè của tỉnh), trong đó có trên 13.700 ha cho thu hoạch.
 
Bên cạnh đó, trên địa bàn Hà Giang còn tồn tại khá nhiều diện tích chè Shan cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm tại một số huyện vùng cao. Do chè cổ thụ sinh trưởng hoang dã trong tự nhiên, không có sự tác động của con người, nên mặc dù năng suất thấp nhưng lại cho chất lượng cao và đây chính là các sản phẩm chè Shan hữu cơ đặc trưng của Hà Giang. Trong nhiều năm qua, chè Shan của Hà Giang đã được người tiêu dùng trong nước đón nhận và được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
 
Những năm qua tỉnh Hà Giang luôn xác định cây chè là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Hà Giang đã xác định chè (chủ yếu là chè Shan tuyết) là một trong những cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy công tác trồng mới, đầu tư khoa học kỹ thuật trong quá trình thâm canh, thu hái, chế biến luôn được tỉnh quan tâm bằng nhiều cơ chế chính sách phù hợp như hỗ trợ lãi suất cho người dân và các thành phần kinh tế vay vốn trồng mới, thâm canh, cải tạo các vườn chè già cỗi; hỗ trợ các cơ sở chế biến chè, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm…
 
 
 Chè Shan của Hà Giang đã được người tiêu dùng trong nước đón nhận và được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới
 
Nhằm triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm chè Shan tuyết, tỉnh Hà Giang đặt ra mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung khai thác và phát triển sản phẩm chè Shan tuyết theo hướng an toàn VietGAP và chè hữu cơ; đẩy mạnh phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm và truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
 
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chuyên môn lập hồ sơ về lịch sử, danh tiếng, uy tín và các yếu tố nông hóa thổ nhưỡng quyết định đến chất lượng chè Shan; đánh giá các chỉ tiêu về mầu sắc, tính chất, hàm lượng các chất dinh dưỡng…có tính chất đặc thù của sản phẩm; thống kê các tiêu chí để đánh giá chất lượng của sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang; đánh giá tác tác động của đất đai, tiểu vùng khí hậu đối với từng vùng trồng chè; qui trình canh tác và chế biến chè Shan tuyết Hà Giang; xây dựng bản đồ qui hoạch các vùng trồng chè Shan; phân tích những đặc điểm nổi bật của chè Shan Hà Giang; ….
 
Hiện nay, Khu vực địa lý trồng và chế biến chè Shan tuyết Hà Giang được trồng tập trung tại 5 huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên...
 
Bài, ảnh: PV