|
|||
Ngày 16 tháng 8 năm 2018 tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ công bố Cuộc thi Sáng chế năm 2018 do Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Sở hữu trí tuệ là Cơ quan thường trực) chủ trì, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam tổ chức với chủ đề “Sáng tạo công nghệ cho cuộc sống hàng ngày”. Cuộc thi Sáng chế là sự kiện thường niên do WIPO, KIPO và Cơ quan Sở hữu trí tuệ của các quốc gia đang phát triển phối hợp tổ chức nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo để đưa ra các giải pháp kỹ thuật nhằm cải thiện cuộc sống cộng đồng ở chính các quốc gia đó.
Mọi công dân Việt Nam đang cư trú, sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam tạo ra giải pháp kỹ thuật là đối tượng được bảo hộ sáng chế thuộc mọi lĩnh vực kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, đời sống kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng... có thời điểm bộc lộ công khai lần đầu (ở trong nước hoặc ở nước ngoài) hoặc áp dụng lần đầu tại Việt Nam sau ngày 31/5/2013 và chưa tham dự Cuộc thi Sáng chế do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức năm 2013, 2014 đều có quyền đăng ký tham dự Cuộc thi.
Toàn cảnh Lễ công bố
Phát biểu tại Lễ Công bố, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT khẳng định, sở hữu trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng đã và đang là một trong những công cụ quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, làm gia tăng tài sản của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là việc tạo ra các sáng chế, giải pháp kỹ thuật mới đã góp phần quan trọng cho thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng. Do đó, việc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ và Ban Khoa giáo (Đài truyền hình Việt Nam) tổ chức Cuộc thi Sáng chế năm 2018 có ý nghĩa rất quan trọng.
Cuộc thi Sáng chế đầu tiên được tổ chức lần vào năm 2013 dành cho một số tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam, đã nhận được 146 giải pháp dự thi thuộc nhiều lĩnh vực kỹ thuật khác nhau như cơ khí chế tạo, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ môi trường, công nghệ sinh học, v.v.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT phát biểu tại Lễ Công bố
Cuộc thi tiếp theo tổ chức vào năm 2014 có 173 giải pháp kỹ thuật dự thi, đa số các giải pháp trong đó đều có tính ứng dụng thực tiễn cao, góp phần giải quyết được nhiều vấn đề của cuộc sống. Nhiều giải pháp đã được thương mại hóa thành công ở cả trong và ngoài nước. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng đối với sự phát triển Kh&CN nói chung và hoạt động đổi mới sáng tạo nói riêng, đồng thời cũng cho thấy tiềm năng và năng lực sáng to lớn của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, các nhà sáng chế của Việt Nam. Điển hình như giải pháp Máy gặt đập lúa (Giải Nhất năm 2013) của Công ty TNHH Nhựa Hoàng Thắng (Cần Thơ) với các tính năng công suất cao, tiết kiệm nhân lựcvà nhiên liệu, giảm tỷ lệ hao hụt lúa và có giá rẻ hơn (bằng 50% giá của các loại máy nhập ngoại cùng loại), đã được bà con nông dân sử dụng rộng rãi tại Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung.
Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục SHTT thông báo về thể lệ Cuộc thi
Với sự thành công của hai cuộc thi trước, Cuộc thi Sáng chế năm 2018 sẽ thu hút sự tham gia của đông đảo các tổ chức, cá nhân và nhà sáng chế. Việc tham gia Cuộc thi không chỉ là cơ hội để thể hiện năng lực sáng tạo của chính tổ chức và cá nhân đó, mà còn là cơ hội để quảng bá các giải pháp kỹ thuật và kết nối cơ hội kinh doanh với các nhà đầu tư tiềm năng.
Đại diện lãnh đạo Cục SHTT, Ban khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam trả lời các câu hỏi liên quan đến nội dung cuộc thi
Ông Đinh Hữu phí cũng đề nghị các cấp các ngành, các cơ quan thông tấn báo chí đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà sáng chế tham gia Cuộc thi.
Tin, ảnh: PV |