|
|||
Ngày 8/11, tại Thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Hội nghị là sự kiện để Cục Sở hữu trí tuệ và các cơ quan quản lý SHTT của các địa phương trên toàn quốc cùng nhau thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, thách thức và giải pháp để thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực này này trong thời gian tới. Nhiều kết quả khả quan
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, ông Trần Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục SHTT, ông Lê Kim Hùng - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Ninh Thuận cùng hơn 300 đại biểu là đại diện của các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, lãnh đạo và cán bộ chuyên trách của các Sở KH&CN trên toàn quốc đã tham dự.
Toàn cảnh Hội nghị Toàn quốc về SHTT
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và văn bản pháp luật về SHTT nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động sở hữu trí tuệ trên toàn quốc. Có thể nói cho đến nay, Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật đầy đủ, phù hợp với các chuẩn mực chung của thế giới. Hoạt động của toàn hệ thống sở hữu trí tuệ đã đạt được những kết quả khả quan.
Điều này có thể thấy rõ thông qua số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp liên tục tăng, các hoạt động thực thi quyền ngày càng sôi động; nhiều tổ chức, cá nhân đã sử dụng thành công tài sản trí tuệ để phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Cụ thể, tính đến tháng 11/2016, Cục SHTT đã xử lý 80.787 đơn các loại, trong đó có 38.872 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 9,9% so với năm 2015), trong đó chấp nhận bảo hộ cho 29.880 đối tượng SHCN, từ chối bảo hộ 8.992 đối tượng SHCN và xử lý 41.915 đơn các loại khác. Đặc biệt lượng đơn khiếu nại, đề nghị chấm dứt hủy bỏ hiệu lực đã được giải quyết tăng cao (đạt 1.320 đơn, gấp 7,8 lần so với năm 2015); kết quả xử lý đơn sáng chế tăng cao so với năm 2015 (tăng 23%), việc xử lý đơn sáng chế của người Việt Nam được quan tâm và thúc đẩy.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh; ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; ông Đinh Hữu Phí Cục trưởng Cục SHTT…chủ trì Hội nghị
Hoạt động quản lý nhà nước về SHTT của địa phương trên toàn quốc vẫn được duy trì ổn định và có những bước chuyển biến tích cực. Cục SHTT và các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển trong lĩnh vực này và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.Việc đưa vào sử dụng Thư viện số trực tuyến về SHCN trên trang web của Cục SHTT đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ địa phương tư vấn chính xác hơn và hoạt động tư vấn, xác lập và bảo vệ quyền SHTT tại địa phương đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thừa nhận, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của xã hội trong tình hình mới. “Công tác thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chưa đáp yêu cầu về thời hạn, cơ sở dữ liệu thông tin về sở hữu công nghiệp còn thiếu, hoạt động cung cấp thông tin sở hữu công nghiệp còn hạn chế, hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ chưa được triển khai đồng đều trên cả nước, chưa xây dựng được nguồn nhân lực thực sự mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ…”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động SHTT năm 2015-2016.
Thúc đẩy tăng cường phối hợp
Khẳng định vai trò của SHTT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và đối với địa phương nói riêng, ông Trần Quốc Nam cho biết, thời gian qua, Ninh Thuận đã phối hợp chặt chẽ với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) trong việc triển khai các hoạt động SHTT, mang lại những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm và nâng cao đời sống của người dân địa phương. Tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động để đưa SHTT đến gần người dân, các doanh nghiệp; thực hiện xã hội hóa công tác đầu tư cho bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, cũng như nâng cao nhận thức của người dân về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ
Kết quả, trong giai đoạn 2011 - 2016, toàn tỉnh có 198 đơn đăng ký bảo hộ các đối tượng SHCN, được cấp 119 văn bằng bảo hộ, cao gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2006-2010. Đặc biệt, với việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển các sản phẩm đặc thù thế mạng của tỉnh, Ninh Thuận được cho là một trong những địa phương triển khai các hoạt động phát triển tài sản trí tuệ một cách có tính sáng tạo.
Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý thịt cừu Ninh Thuận, các Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm dê Ninh Thuận, nước mắm Cà Ná và Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể heo đen Bác Ái
Hội nghị cũng đã nghe ông Lê Ngọc Lâm - Cục phó Cục SHTT báo cáo về dự thảo Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia mà được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho hoạt động SHTT của Việt Nam trong thời gian tới. Dự thảo Chiến lược dự kiến sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét vào cuối năm 2017. Ông Lê Ngọc Lâm cho biết, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của WIPO trong quá trình xây dựng Chiến lược, với mục đích đưa SHTT trở thành công cụ chủ lực, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, tạo ra nhiều tài sản trí tuệ, đặc biệt là công nghệ nội sinh để phát triển các ngành công nghiệp. Ông Lâm mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các đại biểu để Chiến lược sẽ thực sự đóng góp cho cả hoạt động SHTT của địa phương.
Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến tham luận của các Sở KH&CN về những kết quả đạt được, những khó khăn và những giải pháp đối đối với việc phát triển các hoạt động SHTT ở địa phương, để trong thời gian tới, SHTT có một vai trò lớn hơn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, một trong số các vấn đề nổi cộm và khó khăn nhất trong giai đoạn vừa qua tại địa phương chính là việc khai thác giá trị các sản phẩm đặc thù đã được bảo hộ quyền SHTT để phát triển trở thành sản phẩm thế mạnh của địa phương. Đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn, tạo lập cơ sở dữ liệu SHCN trực tuyến cũng được nhiều đại biểu kiến nghị nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để tri ân và cảm ơn tình cảm của người tiền nhiệm đã có những đóng góp cho hoạt động SHTT trong những năm vừa qua, đại diện Sở KH&CN 13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long đã tặng quà lưu niệm cho nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, kiêm Cục trưởng Cục SHTT Trần Việt Thanh.
Một số Sở KH&CN cũng đã mang đến Hội nghị các sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đinh Hữu Phí cho biết, Cục SHTT sẽ đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục SHTT) phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia để định hướng hoạt động của hệ thống SHTT quốc gia trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ; đẩy nhanh tiến độ và chất lượng thẩm định đơn đăng ký SHCN. Các địa phương tiếp tục tập trung vào hoạt động bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ gắn với đặc sản địa phương, đào tạo cán bộ làm công tác SHTT, v.v.
Đề cập đến định hướng cần ưu tiên tập trung trong lĩnh vực SHTT tại các địa phương trong giai đoạn tới, ông Phí cũng khẳng định, trên cơ sở các định hướng lớn đối với nhiệm vụ phát triển KHCN, trong đó có lĩnh vực SHTT được Chính phủ phê duyệt, các địa phương cần tăng cường, chú trọng vào một số hoạt động chủ đạo nhằm tăng cường và thúc đẩy hoạt động này tại địa phương, đưa SHTT thành công cụ hữu hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế -xã hội trong thời kỳ hội nhập.
Bài, ảnh: PV
|