Bản in
Chiến lược cho thương hiệu cà phê
Cà phê Robusta của Việt Nam đứng thứ nhất thế giới cả về năng suất và sản lượng nhưng tỷ trọng chỉ chiếm 13% trên tổng sản lượng toàn thế giới.
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2010 ước giảm 2,4% về khối lượng nhưng tăng 24% kim ngạch. Đặc biệt, loại cà phê arabica Đà Lạt được xếp vào loại có chất lượng thơm ngon bậc nhất, được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và các nước EU đặt hàng.
Tuy nhiên, cũng như các mặt hàng khác của Việt Nam, cà phê xuất thô đến trên 90%. Làm sao để cà phê có thương hiệu trên trường quốc tế là vấn đề bức bách.
Chưa phát huy hết thế mạnh
Tại hội thảo “Nghiên cứu cơ sở khoa học thành lập hợp tác xã và Hiệp hội Người sản xuất cà phê Việt Nam” diễn ra mới đây, cây cà phê  được đánh giá là cây công nghiệp chủ lực nhưng giá trị kinh tế mang lại cho bà con nông dân lại không cao.
Nguyên nhân là do việc sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết và áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại. Theo nghiên cứu của thạc sĩ Trần Thị Quỳnh Chi,  Giám đốc Trung tâm Thông tin IPSARD - Chủ nhiệm đề tài HTX Cà phê, hiện trên 85% số hộ trồng cà phê có diện tích dưới 2 ha. Việc thu hoạch và bảo quản cà phê  còn tự phát và chưa chú trọng chất lượng, thậm chí nhiều mùa vụ bà con hái trái còn xanh, non.
Bên cạnh đó, phương pháp chế biến hiện lạc hậu, mang tính thủ công. Trên 90% cà phê được chế biến bằng phương pháp khô và bán ướt. Quá trình sơ chế phân tán, trên 80% sản lượng chế biến tại các hộ nhỏ lẻ, trong đó 50% hộ thiếu sân phơi và 80% hộ không có máy sấy, phải phụ thuộc vào thời tiết. So với yêu cầu về chất lượng xuất khẩu, năng lực sơ chế này chỉ đạt 20%, khâu tinh chế đạt 40%, công nghệ sấy chất lượng cao chỉ đạt 20%.
Nông dân trồng cà phê gần như không thể cải tiến sản xuất vì thiếu vốn và tiếp cận nguồn vốn vay quá khó khăn. Các ngân hàng thương mại không muốn cho nông dân vay vì rủi ro cao. Đến nay không có một hình thức bảo hiểm nào cho cây cà phê và chất lượng dịch vụ khuyến nông rất thấp.
Cần sự liên kết
Theo thạc sĩ Trần Thị Quỳnh Chi, muốn phát triển cây cà phê có chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường thế giới, cần phải đưa các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ vào một HTX có quy mô lớn, công nghệ sản xuất hiện đại và tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Theo đó, các HTX sẽ cung cấp cho xã viên dịch vụ gia công, chế biến, kho tàng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, cung ứng hàng tiêu dùng, cung cấp tín dụng lãi suất thấp và dịch vụ bảo hiểm mùa màng cũng như lương hưu cho các xã viên. Tham gia HTX, bà con nông dân tránh được sự ép giá của các thương lái. Việc kiểm soát chất lượng cũng sẽ tốt hơn.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam, cũng nhấn mạnh việc liên kết HTX với doanh nghiệp là một mô hình sáng tạo, vừa giải quyết được khó khăn của HTX về vốn và dịch vụ, đồng thời cũng giải quyết được khó khăn cho doanh nghiệp về mặt thiếu nguyên liệu đầu vào.
Hiện Tổng công ty Cà phê Việt Nam đã xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển đến năm 2020. Theo đó, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực chế biến cà phê nhân  xuất khẩu, cà phê hòa  tan chất lượng cao, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu; chú trọng phát triển vùng nguyên liệu với 20.000ha  cà phê giống cao sản cho năng suất, sản lượng cao được tái canh.
Tỉnh Đắk Lắk - “thủ phủ cà phê” - cũng tổ chức nhiều chương trình mang đặc thù của văn hóa cà phê với quy mô lớn để quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam. Năm 2011, thông điệp mà “thủ phủ cà phê” gửi đến những người yêu cà phê trên thế giới là: “Ngoại giao xanh - ngoại giao cà phê”./.
Theo NLĐ