|
|||
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh vừa ký Quyết định số 1035 (có hiệu lực từ 17-7-2017) đổi tên Trung tâm Vệ tinh quốc gia thành Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Đây được xem là sự ghi nhận, bước tiến mới trong việc khẳng định Việt Nam đã và đang từng bước tiếp cận, làm chủ công nghệ vũ trụ nói chung và công nghệ vệ tinh nói riêng. Vệ tinh Micro Dragon sắp lên quỹ đạo Theo PGS-TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, từ tháng 9-2013, tiếp nối thành công của vệ tinh Pico Dragon, Trung tâm vệ tinh quốc gia đã cử 36 kỹ sư đến 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản tham gia khóa học thạc sĩ công nghệ vệ tinh, đồng thời trực tiếp thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh Micro Dragon dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản.
Vệ tinh Micro Dragon có kích thước 50 x 50 x 50cm, khối lượng khoảng 50kg, khi được phóng lên quỹ đạo (dự kiến vào đầu năm 2018) sẽ tiến hành quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam; phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển; thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất, sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên trái đất…
Song song với đó, dự án vệ tinh Nano Dragon đang được triển khai trong vòng 3 năm (2017 - 2019), có khối lượng từ 4 - 6kg với nhiệm vụ chính là xác định vị trí tàu biển ứng dụng hệ thống tự động nhận diện tàu thủy AIS. Đây là dự án dự kiến được hỗ trợ bằng nguồn kinh phí từ Chương trình KH-CN vũ trụ cấp Nhà nước.
Trước đó, vệ tinh VNREDSat-1 cũng đã được các kỹ sư này nghiên cứu, chế tạo và phóng lên vũ trụ thành công. Sau vệ tinh Micro Dragon và Nano Dragon, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh radar LOTUSat-1 vào năm 2019, LOTUSat-2 vào năm 2022. Đây là hợp phần quan trọng trong Dự án Trung tâm Vệ tinh quốc gia, không chỉ giúp tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm nhờ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, 2 vệ tinh là minh chứng cho việc Việt Nam làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh.
Chuẩn bị nguồn lực cho công nghiệp vũ trụ
Trong năm 2016, việc xây dựng và các công tác chuẩn bị cho Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đi vào hoạt động được triển khai theo đúng tiến độ và kế hoạch.
Theo đó, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được xây dựng phục vụ cả 3 lĩnh vực công nghệ vệ tinh, ứng dụng và khoa học vũ trụ với 4 cơ sở hạ tầng tại Hòa Lạc, Hà Nội, TPHCM và Nha Trang. Sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm khoa học và công nghệ hiện đại của đất nước và là trung tâm vũ trụ hàng đầu ASEAN với hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất hiện đại.
Trước mắt, vào tháng 7-2017, Đài Thiên văn Nha Trang sẽ được khánh thành với các nhiệm vụ: Thực hiện nghiên cứu cơ bản về vật lý thiên văn quang học và phổ biến kiến thức vũ trụ cho cộng đồng; hỗ trợ đào tạo, giảng dạy và nâng cao chất lượng nhân lực trong lĩnh vực vật lý thiên văn và vũ trụ; hợp tác nghiên cứu với các nhóm nghiên cứu trong cùng lĩnh vực ở trong nước và nước ngoài… Khi đi vào hoạt động, Đài Thiên văn Nha Trang với nhà chiếu hình vũ trụ có sức chứa khổng lồ, sẽ phục vụ người dân, đặc biệt là sinh viên, thế hệ trẻ tham quan...
Dự án Bảo tàng Vũ trụ ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) hiện cũng đang được gấp rút xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2018. Đây sẽ là nơi giới thiệu trực quan sinh động về lịch sử vũ trụ và khoa học vũ trụ của thế giới và Việt Nam, góp phần nâng cao trình độ nhận thức của nhân dân về vũ trụ và vai trò của vũ trụ đối với cuộc sống của con người.
Để thực hiện những công việc trên, PGS-TS Phạm Anh Tuấn cho biết, dự kiến đến 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 250 cán bộ trẻ được đào tạo bài bản trong nước và ngoài nước về lĩnh vực này. Đây là đội ngũ ban đầu đảm bảo cho việc phát triển ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam.
|