|
|||
Ban hành kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp quốc gia Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định ban hành kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp quốc gia. Theo đó, hệ thống tổ chức ứng phó sự cố cấp quốc gia bao gồm: Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sở chỉ huy hiện trường; các tổ chức tham gia ứng phó sự cố cấp quốc gia; các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật và các bộ, ngành khác. Đối với phương án ứng phó sự cố cấp quốc gia, thông tin sự cố xảy ra trong lãnh thổ VN được tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận 24/7 đặt tại Bộ Khoa học - công nghệ (KH-CN). Thông tin sự cố xảy ra bên ngoài biên giới VN có nguy cơ tác động ảnh hưởng đến an toàn đối với con người, môi trường VN sẽ được Bộ KH-CN tiếp nhận qua Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Bộ KH-CN có trách nhiệm xác minh tính chính xác của thông tin, đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của sự cố làm căn cứ đề xuất triển khai ứng phó sự cố cấp quốc gia và yêu cầu trợ giúp quốc tế. Hoạt động ứng phó sự cố quốc gia chỉ được công bố chính thức chấm dứt khi đã đảm bảo được các yếu tố cần thiết về việc kiểm soát tình trạng phóng xạ. (Theo Tuổi trẻ 19/6). Kết nối cung cầu công nghệ Hàn Quốc-Việt Nam Ngày 21/6, tại Hà Nội, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phối hợp với Viện chấn hưng công nghiệp công nghệ Hàn Quốc (KIAT) và BSR Group tổ chức Kết nối cung cầu công nghệ Hàn Quốc - Việt Nam. Phát biểu tại buổi kết nối, ông Beck Seung Rock, Tổng giám đốc BSR Group bày tỏ mong muốn thông qua cuộc kết nối sẽ có nhiều hợp đồng, thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ, liên doanh đầu tư dựa trên công nghệ giữa doanh nghiệp hai nước được ký kết trong thời gian tới. Kết nối cung cầu công nghệ trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc Tại phiên kết nối cung cầu công nghệ, các doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam đã làm việc, trao đổi, đàm phán với các đối tác Hàn Quốc về khả năng chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư liên doanh liên kết dựa trên công nghệ; đã có 03 doanh nghiệp Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp Hàn Quốc về liên doanh phát triển sản phẩm công nghệ tại Việt Nam….(Theo vietq.vn 22/6). Xây dựng Chiến lược Phát triển sở hữu trí tuệ quốc gia Trong hai ngày 21 và 22/6, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thảo luận các vấn đề xung quanh việc xây dựng Chiến lược phát triển SHTT quốc gia. Chiến lược Phát triển SHTT quốc gia gồm 3 nội dung chính: Quan điểm chỉ đạo và mục tiêu tổng quát của hệ thống SHTT; các mục tiêu chiến lược cụ thể đến năm 2030; các nhiệm vụ chiến lược. Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 gồm: Đưa hệ thống SHTT trở thành công cụ chủ lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo, nhằm tạo ra tài sản trí tuệ, góp phần đáp ứng nhu cầu đối với sản phẩm mới và sáng tạo, đặc biệt là công nghệ nội sinh để phát triển các ngành công nghiệp.Để xây dựng Chiến lược, vừa qua, Bộ KH&CN đã ký thỏa thuận hợp tác với WIPO về việc hỗ trợ về kĩ thuật. Các chuyên gia quốc tế và các chuyên gia của Việt Nam sẽ trao đổi các công việc cần triển khai để xây dựng Chiến lược thành công, gắn chiến lược SHTT với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và chiến lược phát triển KH&CN. Chiến lược Phát triển SHTT quốc gia sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn: 2018-2020, 2021-2025, 2026-2030. (Theo báo điện tử chính phủ 21/6). Xây dựng sản phẩm công nghệ chủ lực Nhằm hỗ trợ các sản phẩm nghiên cứu và triển khai (R&D) chuyển sang giai đoạn sản xuất quy mô công nghiệp, UBND TPHCM đã triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ cao trong hoạt động R&D tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), giai đoạn 2017-2018. Được biết, đây là chương trình nhằm hỗ trợ phát triển các sản phẩm R&D chuyển sang giai đoạn sản xuất quy mô công nghiệp, với kỳ vọng các sản phẩm này sẽ trở thành sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, đóng góp vào kinh tế TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Chương trình do Ban Quản lý SHTP phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) TPHCM chủ trì thực hiện, với tổng vốn hỗ trợ từ ngân sách là 20 tỷ đồng. Ban Quản lý SHTP cho biết, với chương trình này, mục tiêu hướng đến còn kỳ vọng hình thành các DN KH-CN mạnh, cung cấp các dịch vụ, sản phẩm công nghệ cao phục vụ nhu cầu thị trường trong nước; tăng tỷ lệ các đề tài - dự án sử dụng ngân sách nhà nước ứng dụng vào thực tiễn và được thương mại hóa hàng năm. (Theo Sài gòn giải phóng 22/6). Máy gieo hạt của anh nông dân tài hoa Những ngày này, từ sáng sớm anh Nguyễn Hồng Chương, xã Lạc Lâm, Đơn Dương, Lâm Đồng cùng gần chục thợ máy phải bận rộn với cái xưởng nhỏ, kiểm tra các máy gieo hạt “6 trong 1” để kịp giao cho khách. Anh Nguyễn Hồng Chương bên chiếc máy gieo hạt chân không “6 trong 1” tự động của mình Chiếc máy gieo hạt của anh Nguyễn Hồng Chương tự mày mò chế tạo có năng suất bằng 16 lao động thủ công. Máy chạy rất êm, không nghe tiếng động. Trung bình mỗi giờ hoạt động đạt năng suất giao từ 330-350 khay hạt. Anh Nguyễn Minh Thắng (thợ cơ khí - người đã gắn bó với anh Chương gần bảy năm) cho biết: “Cái hay của chiếc máy này là những hạt giống nhỏ nhưng vẫn được thanh lấy hạt hút và gieo chính xác vào các khay ươm. Còn những hạt giống không sử dụng hết, chiếc máy có thể tự động hút vào một lọ nhựa gắn trên thân máy”. Vậy là không bị hao hụt hạt giống. Ông Hồ Thanh Kỷ (49 tuổi, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) là một trong những khách hàng đầu tiên đặt mua sản phẩm này của anh Chương nói: “Từ trước tới giờ đây là chiếc máy làm vườn ươm có nhiều công dụng nhất mà tôi biết. Chỉ cần đổ đất, bỏ khay và cho hạt giống vào, máy tự động sẽ làm hết cho mình từng khâu một. Rất hay!”. Anh Chương cho biết hiện anh đang làm hồ sơ gửi Bộ KH-CN đăng ký quyền sở hữu công nghiệp máy gieo hạt chân không “6 trong 1” của mình. (Theo Tuổi trẻ 17/6).
Hà Trang (tổng hợp)
|