Bản in
Hiểu đúng, đi đúng trong cách mạng công nghiệp 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một khái niệm khá mới ở Việt Nam, chỉ mới thực sự được nhắc đến nhiều trong vài tháng trở lại đây. Thế nhưng xu thế này đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, điển hình là những bước tiến trong các lĩnh vực tự động hóa, mạng lưới vạn vật kết nối internet. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm để chúng ta hiểu đúng và đi đúng trong cuộc cách mạng công nghiệp toàn cầu lần thứ 4 này.

Hiệu quả khi tất cả cùng làm

Chủ động tìm đến những hội thảo về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông Lâm Thanh Hoàng là một trong những người tiên phong ở Việt Nam trong ứng dụng mô hình thông tin công trình (gọi tắt là BIM). Với việc ứng dụng BIM, mỗi tòa nhà sẽ được xây dựng một kho dữ liệu và hệ thống thiết bị cảm biến, những thông tin chính xác và toàn diện như thời hạn bảo trì, thay thế máy móc, nhiệt độ ánh sáng. Phía chủ đầu tư có thể tiết kiệm nhân công và quản lý chi phí tốt hơn. BIM là xu hướng của thế giới, nhưng khi triển khai tại Việt Nam thì gặp phải nhiều khó khăn. 

Ông Lâm Thanh Hoàng, Chủ tịch Cộng đồng BIM Việt Nam cho biết, hiện tại ở thị trường Việt Nam có nhiều sản phẩm phần mềm cũng như phần cứng, đứng về phía doanh nghiệp họ không biết áp dụng cái nào là tốt. Theo ông Hoàng nên đề xuất một số chương trình hành động của chính phủ đưa ra một số tiêu chuẩn một số chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, sau đó các doanh nghiệp có thể dựa trên những tiêu chuẩn đó để xây dựng quy trình chuẩn.

Việc ứng dụng các thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi tất cả cùng làm, triển khai đồng bộ trên khắp đất nước. Hiểu được điều đó, ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thể hiện quyết tâm cao độ của Chính phủ để Việt Nam tham gia và vận hành các công nghệ tiên tiến càng sớm càng tốt. 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, nhà nước hướng cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những người làm sản xuất kinh doanh đi theo đúng định hướng phát triển. Chúng tôi tin rằng các hoạt động cụ thể đều phải là doanh nghiệp triển khai. Về phía Bộ KH&CN, hiện nay đang có rất nhiều chương trình tập trung cho doanh nghiệp như: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tự động hóa, ro bot, trí tuệ nhân tạo, IoT, big data.

Hiện nay, Việt Nam có gần 50 triệu người sử dụng internet, đạt tỷ lệ trên 53% dân số. Chúng ta đang bước đầu xây dựng chính phủ điện tử, chúng ta đã và đang xuất khẩu phần mềm, gia công phần mềm như dịch vụ phân tích dữ liệu, các thiết bị nhúng thông minh.

Hội thảo "Đổi mới công nghệ vừa ứng dụng IoT vào sản xuất thông minh" diễn ra mới đây tại TP HCM thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý và doanh nghiệp

Hợp tác phát triển

Ông Julien Goy, Công ty phần mềm Elipse, Đài Loan cho biết, ngày càng có nhiều công ty tham gia vào giải pháp phần mềm, vì vậy những công ty như chúng tôi phải đi trước thời thế, hợp tác với nhau để phát triển giải pháp cho Việt Nam. Chúng tôi tìm hiểu phát triển cả phần cứng lẫn phần mềm đồng thời trao đổi với các doanh nghiệp. 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, vấn đề cơ bản nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp lân thứ 4 là vấn đề con người, bởi bất kỳ một cuộc cách mạng nào, cùng với nội dung hoạt động của nó đều do con người thực hiện. Việt Nam đang ở thời điểm dân số vàng với lực lượng trẻ khá nhiều, có thế mạnh là thông minh, có khả năng tiếp cận công nghệ thông tin khá mạnh. Đó là những ưu điểm, tuy nhiên cần phải được kết nối đào tạo thêm, phổ biến thêm các kiến thức, kinh nghiệm.

Đầu năm 2016, Đại học Nguyễn Tất Thành, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Viện KH&CN Industry 4.0, nhiệm vụ của Viện là xây dựng chương trình đào tạo và nghiên cứu những sản phẩm thương mại mang tính trí tuệ cao. 

Ông Dương Trọng Hải, Viện trưởng Viện KH&CN Industry 4.0, Đại học Nguyễn Tất Thành Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, xây dựng Viện là một hệ sinh thái, trong đó có hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái các doanh nghiệp và Viện luôn là cầu nối “gõ cửa” doanh nghiệp và đến bên doanh nghiệp. Giờ doanh nghiệp là đối tác đã tìm đến Viện. 

Trong nền sản xuất hàng hóa của quốc gia, hay sản xuất một linh kiện trong dây chuyền toàn cầu, khả năng vận hành phương thức sản xuất thông minh sẽ tạo ra cách biệt giữa các nước. Vì vậy, Việt Nam có còn rất nhiều việc phải làm, làm nhanh, làm đúng để không trở nên tụt hậu, tạo ra sức cạnh tranh thay đổi về chất, phát triển bền vững. 

Bài, ảnh: Lê Chi