Bản in
Đưa doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của nghiên cứu khoa học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần có cơ chế thu hút doanh nghiệp không chỉ quan tâm mà còn tham gia vào nghiên cứu từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra sản phẩm nghiên cứu- doanh nghiệp phải là trung tâm của nghiên cứu

KH&CN là động lực phát triển kinh tế - xã hội

Phát triển KH&CN cùng với giáo dục và đào tạo đã khẳng định trong các văn bản của Đảng và Nhà nước là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Trong những năm gần đây, Bộ KH&CN đã nỗ lực trong các hoạt động của mình nhằm thúc đẩy môi trường, nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển. Hiện nay, cùng với các chính sách khen thưởng ưu đãi của Nhà nước, việc trao tặng giải thưởng về KH&CN đã động viên các nhà khoa học Việt Nam có những đóng góp to lớn phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 do Bộ KH&CN tổ chức ngày 18/5 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng, mỗi năm đến Ngày Khoa học Công nghệ (KHCN) 18/5, ông lại ngồi xem lại xem trong năm vừa qua, giới KH&CN đã làm được những gì và tới đây sẽ phải làm gì để KH&CN thực sự trở thành động lực như các văn bản của Đảng, Chính phủ và tất cả mọi người vẫn nói.

"Năm vừa qua, chúng ta đã kế thừa những năm trước và tiếp tục có những bước đổi mới đáng mừng. Một trong những điều đó là sự hiện diện trong hội trường này những gương mặt trẻ, những người trong giới khoa học không chuyên, những bạn trong cộng đồng startup và đặc biệt là các doanh nghiệp".

Theo Phó Thủ tướng điều này thể hiện những nỗ lực, cố gắng để cả xã hội tham gia vào hoạt động khoa học, từng bước khai thác tiềm lực, sức trẻ của Việt Nam và từng bước đưa doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của nghiên cứu khoa học.

Vì vậy, theo Phó thủ tướng, để làm được những việc này không chỉ những người ngồi đây, không chỉ có sự tham gia của các nhà khoa học, các bộ, ngành. Chúng ta cần rất nhiều giải pháp đồng bộ từ thể chế kinh tế đến các chính sách về thuế, tài chính, về đầu tư… Nhưng trước hết về phần của chúng ta cũng có thể làm mạnh hơn.
 
Một trong những việc ấy, cần triển khai bắt đầu từ những cái có hiệu quả, bởi hiện nay, chi ngân sách cho khoa học công nghệ mỗi năm là 2% tổng chi ngân sách là rất ít, chỉ khoảng trên 15-16 ngàn tỉ. Tuy nhiên, nếu sử dụng tốt thì hiệu quả sẽ tốt hơn.

Phó Thủ tướng đề nghị, bên cạnh những giải pháp đồng bộ từ thể chế kinh tế, chính sách thuế, tài chính, đầu tư, phải làm mạnh mẽ hơn 3 việc.

Thứ nhất, dù nguồn lực đầu tư cho KH&CN còn có hạn, nhưng nếu sử dụng tốt thì kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều. Muốn làm được điều đó, cần công khai minh bạch tất cả các khâu từ lúc đặt ra đề tài, cho đến quá trình làm, lấy ý kiến phản biện và kết quả. Theo Phó Thủ tướng, việc công khai có ý nghĩa rất quan trọng, nếu đề tài tốt sẽ được chia sẻ trong cộng đồng xã hội, trong DN để ứng dụng và không phải nghiên cứu lại. Trong khi đó, những đề tài không tốt, không thiết thực, không chất lượng thì sẽ được cộng đồng nhìn nhận, đánh giá.

Thứ hai là cần khuyến khích các trường ĐH, sinh viên trẻ, vừa tốt nghiệp cũng như tạo môi trường, hỗ trợ cần thiết để sẵn sàng hiến thân cho khoa học, khởi nghiệp sáng tạo. Cùng với trách nhiệm chung trong việc phát triển DN, Bộ KH&CN cần đặc biệt chú trọng tới việc phát triển cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, start-up theo đúng quan niệm quốc tế.

Thứ ba là nâng cao nhận thức chung về khoa học, theo Phó Thủ tướng, cần làm cho sự hiểu biết, kiến thức của toàn xã hội về khoa học được nâng lên. Bằng những công cụ cần thiết đặc biệt là công nghệ thông tin, cần làm cho toàn dân, không chỉ là các nhà khoa học, nhà quản lý, sinh viên mà kể cả những người dân bình thường, được phổ biến, trang bị kiến thức KH&CN cần thiết để sống khỏe mạnh, an toàn, làm việc với hiệu quả cao hơn.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho biết, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản, văn kiện quan trọng  khẳng định KH&CN là động lực, là cấu thành quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nghiên cứu cơ bản được coi là một yếu tố quan trọng để chúng ta quan tâm đến chất lượng, tăng cường hiệu quả, thông qua đó chúng ta duy trì được môi trường nghiên cứu, và đặc biệt hơn là một môi trường đào tạo thực sự đỉnh cao. Đó cũng là những yếu tố sống còn giúp chúng ta tạo ra được lực lượng khoa học có thể tham gia ngay vào phát triển nền kinh tế đất nước.

Doanh nghiệp là trung tâm của nghiên cứu

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội thì trách nhiệm không chỉ thuộc về nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp hay Chính phủ và của toàn xã hội và cần một giải pháp đồng bộ từ chính sách, tài chính,…cần có cơ chế làm sao để không chỉ các nhà khoa học mà toàn xã hội. Đặc biệt  có cơ chế thu hút  doanh nghiệp không chỉ quan tâm mà còn tham gia vào nghiên cứu từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra sản phẩm nghiên cứu- doanh nghiệp phải là trung tâm của nghiên cứu.

Điều này cũng được khẳng định tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, được tổ chức ngày 17/5 tại Hà Nội. Trong phần giải đáp những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người đứng đầu ngành KH&CN cho biết, với tinh thần coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo - có nghĩa nhà nước, chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học tập trung kết nối tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, ngành KH&CN đã chuyển động theo hướng quản lý tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, về thể chế, hiện nay Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa cơ bản đã đáp ứng được thông lệ quốc tế. Riêng Luật Chuyển giao công nghệ đang được Bộ KH&CN hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba tới. “Đây sẽ là hành lang pháp lý để các doanh nghiệp, hiệp hội có thể tiếp nhận, chuyển giao kết quả nghiên cứu công nghệ trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

     Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất Đông trùng Hạ thảo tại Lâm Đồng (Ảnh: Hoàng Anh)

Bộ Bộ trưởng khẳng định, Bộ KH&CN sẽ tập trung cao độ trí tuệ, tâm huyết để xác định được các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, tạo môi trường chính sách thực sự thuận lợi, lành mạnh, dỡ bỏ các rào cản và giải phóng tối đa niềm tăng sáng tạo của lực lượng KH&CN để gia tăng hiệu quả và tác động của hoạt động KH&CN đối với sự phát triển KT-XH của đất nước. Tiếp tục nỗ lực, say mê lao động sáng tạo để có thêm nhiều công trình KH&CN có giá trị cao về KH&CN; xây dựng và phát triển đội ngũ KH&CN trình độ cao để đảm nhiệm trọng trách mà Đảng, Chính phủ giao phó.

Điều đó được thể hiện qua nhiều Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 20 về phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và  hội nhập quốc tế, tinh thần chung khá nhiều nội dung đều nhấn mạnh tạo điều kiện hỗ trợ phát triển nghiên cứu cơ bản như: tăng cường nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu hoạch định đường lối chính sách để phát triển đất nước, quan tâm đến nghiên cứu cơ bản có trọng điểm, ưu tiên một số lĩnh vực khoa học tự nhiên mà Việt Nam có lợi thế, đặc biệt xây dựng một số Chương trình nghiên cứu cơ bản trong một số lĩnh vực như Toán, Vật lý, khoa học sự sống, …

Hoàng Anh