|
|||
Lễ ký vừa diễn ra long trọng chiều 21/4, tại TP.Hồ Chí Minh. Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký kết Chương trình phối hợp. Cùng tham dự Lễ ký có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN và UBND Tp.HCM. Thời gian qua, các kết quả KH&CN đã đóng góp lớn trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, các nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, địa phương, khu vực và của quốc gia; tái cơ cấu ngành KH&CN theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia; tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế. Trong quá trình phát triển và hội nhập, Tp.HCM luôn là một trung tâm kinh tế, tài chính, KH&CN, thương mại, dịch vụ của cả nước; là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong ba vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất nước. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, về quy mô Thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,3% dân số nhưng đã đóng góp 20,2% tổng sản phẩm quốc gia, 26,1% giá trị sản xuất công nghiệp và 44% dự án đầu tư nước ngoài. Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, KH&CN là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố, đây là nền tảng để phát triển kinh tế thành phố từ chiều rộng sang chiều sâu trong bối cảnh nước ta đang tiến nhanh vào kỷ nguyên số với xu thế phát triển KH&CN và kinh tế tri thức. Lực chọn phát triển KH&CN là con đường ngắn nhất để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, giúp Thành phố hội nhập nhanh hơn, sâu hơn và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, trong suốt thời gian qua mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Thành phố vẫn ưu tiên bố trí trên 2% tổng chi ngân sách hàng năm (1.000 tỷ đồng) cho đầu tư và phát triển KH&CN; củng cố và hoàn thiện cơ chế liên kết hợp tác giữa Nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp, giữa Khu Công nghệ cao với các trường đại học, khu chế xuất và khu công nghiệp, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho hoạt động KH&CN, lấy đổi mới công nghệ, ứng dụng và phát triển công nghệ mới làm đòn bẩy cho sự tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, liêm chính, đồng hành cùng doanh nghiệp, Thành phố đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ kinh phí các dự án khởi nghiệp ĐMST thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu; định hình cơ chế hình thành Quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực KH&CN; đồng thời quy định ứng dụng KH&CN là yêu cầu bắt buộc đối với mọi công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và được thể chế hóa bằng quy định của pháp luật. Kết quả đó đã thúc đẩy mạnh mẽ lực lượng sản xuất phát triển, bình quân giai đoạn 2011 – 2015, lĩnh vực KH&CN Thành phố tăng 16,9%/năm, cao nhất trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu; tốc độ năng suất lao động tăng 5,6%, cao gấp 1,3 lần cả nước; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 33,1% cao hơn mức bình quân cả nước 29%, trong đo KH&CN chiếm khoảng 70%. Ngoài ra, việc phát triển KH&CN đã giúp các sản phẩm thiết bị, công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp rẻ hơn 20 – 60% so với giá nhập khẩu, trung bình 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thiết kế tương ứng thu hút vốn tối thiểu 1,4 đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp từ xã hội và giúp tiết kiệm 7,8 đồng phí mua thiết bị ngoại nhập. Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã xác định “Tp. HCM từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, KH&CN của đất nước và khu vực Đông Nam Á” đồng thời định hướng “KH&CN của thành phố phải thực sự trở thành động lực trực tiếp, đóng góp quan trọng vào chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững, đạt trình độ trung bình tiên tiến, rút ngắn khoảng cách với các thành phố trong khu vực”. 7 nội dung hợp tác phát triển KH&CN Theo Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2017-2020, hai bên sẽ phối hợp triển khai 7 nội dung chính: Thứ nhất, xây dựng Quy chế phối hợp tham vấn, hướng dẫn, ban hành những cơ chế, chính sách thí điểm nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy lĩnh vực KH&CN và ĐMST phát triển. Xây dựng và triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính, tín dụng cho khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố; Xây dựng cơ chế và thúc đẩy việc ra đời các Quỹ Đầu tư mạo hiểm.
Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh ký kết Chương trình phối hợp. Thứ hai, hai bên xây dựng Chương trình hợp tác Phát triển tiềm lực KH&CN giữa Khu CNC Hòa Lạc và Khu CNC Tp. HCM, đặc biệt hợp tác về đào tạo nhân lực công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, quản lý và chuyển giao công nghệ để nhằm phát huy tối đa điểm mạnh của các bên. Cụ thể, Khu CNC Hòa Lạc và Khu CNC Tp. HCM phối hợp để xây dựng, hoàn thiện chuẩn kỹ năng đánh giá nhân lực trên các lĩnh vực công nghệ cao, từng bước trở thành đầu mối triển khai đánh giá sát hạch nhân lực công nghệ cao cho cả nước; Khu CNC Hòa Lạc và Khu CNC Tp. HCM phối hợp xây dựng chương trình hợp tác phát triển về ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN, chia sẻ kinh nghiệm và các nguồn lực, đặc biệt các nội dung các bên cùng quan tâm như tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp hàng năm và khởi nghiệp dựa trên nền tảng IoT. Thứ ba, phối hợp nghiên cứu đề xuất cơ chế, giải pháp đầu tư, nâng cấp sàn giao dịch công nghệ Tp. HCM thành sàn giao dịch công nghệ quốc gia; phát triển Trung tâm Thông tin KH&CN của Sở KH&CN Tp. HCM thành Trung tâm Thông tin KH&CN phía Nam. Tiếp tục phối hợp tổ chức các chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) quy mô quốc gia, quốc tế và chuyên đề với Tp. HCM; Thúc đẩy các hoạt động đánh giá thực trạng cung cầu công nghệ trên địa bàn Thành phố; Tạo điều kiện kết nối hệ thống Viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện nghiên cứu tại Thành phố với hạ tầng thông tin KH&CN tiên tiến (mạng VinaREN);... Thứ tư, hai bên sẽ phối hợp xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, hỗ trợ đào tạo cán bộ lãnh đạo của Sở KH&CN, Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố về quản trị ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo; Chuyển giao một phần các công cụ, phương pháp, kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng trưởng cao và đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp từ các đơn vị, dự án ODA do Bộ chủ quản. Phối hợp phát triển Nền tảng trực tuyến về hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST quốc gia và khu vực Tp. HCM. Phối hợp hỗ trợ một số trường đại học đóng trên địa bàn Thành phố triển khai chương trình đào tạo khung về ĐMST và khởi nghiệp. Phối hợp thiết lập các khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và không gian làm việc chung cho khởi nghiệp ĐMST tại tòa nhà Saigon Innovation Hub và Trung tâm thông tin KH&CN phía Nam để tổ chức các sự kiện đào tạo, kết nối khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố, quốc gia và khu vực ASEAN. Thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần tại địa phương và trong khu vực miền Nam để tập hợp nguồn vốn đầu tư, tạo kênh chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà đầu tư. Đồng thời phối hợp tổ chức các sự kiện hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Hỗ trợ hoạt động phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn Thành phố. Thứ năm, triển khai chương trình nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp; phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, Viện nghiên cứu, trường đại học, thông qua các chương trình đào tạo. Cụ thể, hợp tác chuyên môn nhằm đảm bảo hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ các cá nhân, tổ chức trên địa bàn Thành phố trong việc xác lập quyền đối với các sáng chế; hỗ trợ khai thác, áp dụng vào thực tiễn cho một số sáng chế tiêu biểu của Thành phố. Phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức tập thể, các tổ chức KH&CN phát triển nguồn nhân lực quản trị tài sản trí tuệ nội bộ để có thể tự xây dựng, triển khai mô hình quản trị, định giá và phát triển tài sản trí tuệ; Xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đối với các tổ chức, các làngnghề, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố. Thứ sáu, phối hợp phát triển chương trình đổi mới thiết bị, công nghệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn Tp.HCM. Theo đó, sẽ đánh giá tình trạng thiết bị, công nghệ và thống kê, sắp xếp thứ tự ưu tiên nhu cầu đổi mới thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp; từ đó có những cơ chế, chính sách thí điểm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị; triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Phát triển, phổ biến công cụ (phần mềm) hỗ trợ doanh nghiệp tính toán tốc độ đổi mới công nghệ. Phối hợp tổ chức một số Hội thảo chuyên ngành nhằm xác định, xây dựng đề xuất đặt hàng, hình thành cụm nhiệm vụ KH&CN trọng tâm để giải quyết những vấn đề cấp bách của Thành phố và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ nhằm tạo ra những sản phẩm thương mại, công nghệ có ý nghĩa. Thứ bảy, hợp tác phát triển trong lĩnh vực phát triển công nghiệp vi mạch. Hai bên sẽ phối hợp triển khai chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Tp.HCM thông qua các Chương trình Quốc gia do Bộ KH&CN chủ trì. Phối hợp nghiên cứu thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nhằm phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn trên cơ sở đặt hàng thực hiện nhiệm vụ với Bộ KH&CN. Thành phố đảm bảo nguồn lực nhằm đối ứng với nguồn đầu tư từ các Chương trình Quốc gia cũng như khai thác và sử dụng một cách hiệu quả các kết quả hình thành từ những nhiệm vụ nêu trên. Các kết quả từ sự hợp tác này sẽ được sử dụng một cách đồng bộ và đóng góp trực tiếp vào việc hoàn thành các mục tiêu của các Chương trình Quốc gia, Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Tp.HCM và những nhiệm vụ khác có liên quan. Động lực mới cho Tp. Hồ Chí Minh Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhận định, trong quá trình phát triển và hội nhập, TP.HCM luôn là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước; là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong ba vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất nước. Bộ trưởng bày tỏ sự vui mừng khi Lãnh đạo Tp. HCM đã dành sự quan tâm đặc biệt đến đầu tư, phát triển KH&CN. Theo Bộ trưởng, Bộ KH&CN và Tp.HCM đã có sự phối hợp chặt chẽ qua nhiều nhiệm kỳ và hiện nay, sự phối hợp được đặt ra trong bối cảnh mới, khi cả nước đang ưu tiên, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo. Bộ KH&CN đã và đang đưa tinh thần Nghị quyết 20/NQ-TW về phát triển KH&CN, và mới đây có Nghị quyết 05-NQ/TW của BCH Trung ương về chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tp. HCM luôn luôn là đơn vị đi trước, coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo và đã được hiện thực hóa bằng hành động. Không chỉ riêng việc thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết mà cả những chương trình trực tiếp vừa qua cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt, cụ thể của Lãnh đạo UBND trong việc đầu tư, phát triển KH&CN, không chỉ từ nguồn lực 2% Ngân sách Nhà nước mà còn có các nguồn lực khác. “Đây là điều kiện thuận lợi để KH&CN phát triển, để TP. HCM tiếp tục là đơn vị đầu tàu cả nước về kinh tế - xã hội ở mức độ mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 7 nội dung được đặt ra trong Chương trình phối hợp đã bám sát tình hình thực tiễn và thể hiện sự đồng tình, quan tâm từ hai phía. Bộ KH&CN mong muốn, TP. HCM tiếp tục thúc đẩy việc đưa KH&CN vào cuộc sống và là đơn vị đi đầu, thí điểm cơ chế chính sách, Bộ trưởng nói. Thay mặt Lãnh đạo Thành phố, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cảm ơn Bộ trưởng và các đồng chí Lãnh đạo Bộ KH&CN đã phối hợp với Thành phố tổ chức buổi Lễ ký kết hợp tác ý nghĩa này. “Đây không chỉ là buổi ký kết hợp tác đơn thuần, mà còn mang đến cho Thành phố một động lực mới để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X đã đề ra”, ông Phong nói. Chủ tịch UBND Tp.HCM tin rằng, “Việc ký kết Chương trình hợp tác sẽ là khuôn khổ để hai bên trao đổi, phôi hợp thực hiện, là nền tảng quan trọng để Thành phố hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ do Chính phủ đề ra. Đồng thời sẽ tạo xung lực mới, có sức lan tỏa mạnh, giải phóng mọi tiềm năng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để Thành phố phát triển nhanh và bền vững, giải quyết được những bức xúc, trăn trở của người dân hiện nay”. Bài, ảnh: Hạnh Nguyên – Hoàng Anh |