|
|||
Chức Quán quân “Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sinh viên” đã có chủ Báo điện tử Chính phủ đưa thông tin, tối 18/3, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên lần thứ nhất năm 2016 - Start-up Student Ideas” đã trao giải thưởng cho các đội đoạt giải. Sau 5 tháng phát động và triển khai trên cả nước, Ban Tổ chức nhận được 569 ý tưởng dự thi. Tại vòng sơ loại, 61 ý tưởng đã lọt vào vòng chung khảo khu vực và đến vòng chung kết toàn quốc, còn lại 15 ý tưởng. Với đề tài “Giải pháp giám sát chất lượng nguồn nước và tự động thu thập dữ liệu về chỉ số nước tiêu thụ cho các nhà máy nước tại Việt Nam”, nhóm sinh viên Trường Đại học CNTT&TT Thái Nguyên đã giành được giải Nhất “Strart-up Student Ideas” 2016.
Nhóm thí sinh đến từ Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) thuyết trình về sản phẩm sáng tạo của mình Hai giải Nhì được trao cho đề tài “Bùn vi sinh” của nhóm sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ và Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Kinh tế Cần Thơ và đề tài "tungtung.vn" của sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên và Trường Đại học Khoa học kỹ thuật TP HCM... Thương nạn nhân bom mìn, học sinh lớp 11 chế cánh tay robot Ngày 20/3, báo Tuổi trẻ cho biết, em Phạm Huy, học sinh lớp 11A3, Trường THPT thị xã Quảng Trị vừa chế tạo thành công một cánh tay robot cho người khuyết tật. Cánh tay này có thể co duỗi các ngón tay, lật úp bàn tay như một cánh tay thật. Sáng chế này cũng vừa đạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia khu vực phía bắc do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức đầu tháng 3-2017. Cánh tay của Huy chế tạo bằng nhựa PLA có hình dáng giống với một cánh tay người lớn bình thường. Đầu ngón tay có đầy đủ năm ngón tay được chia thành từng đốt.... Huy lôi ra một chiếc dép cao su. Chiếc dép này cũng là Huy tự mua cao su về cắt dán thành. Phía trước mũi dép, Huy gắn ba miếng cảm biến. Huy mang chiếc dép vào chân rồi nhấn lần lượt vào ba miếng cảm biến bằng các đầu ngón chân. Khi nhấn, cánh tay giả của Huy phía trên có thể cử động được các ngón và cũng có thể quay trái, quay phải, lật úp.... WIPO hỗ trợ thúc đẩy quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam Sáng 22/3, tại trụ sở Bộ KH&CN, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Francis Gurry và Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đã ký kết Bản ghi nhớ giữa WIPO và Bộ KH&CN về việc xây dựng Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam.
Lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ KH&CN và WIPO Việc ký kết Bản ghi nhớ, cơ chế hợp tác chính thức giữa WIPO và Bộ KH&CN nhằm giải quyết các nhu cầu và ưu tiên cụ thể của đất nước trong cả dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Cũng trong buổi sáng 22/3, ông Francis Gurry và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã tham dự và phát biểu tại lễ khai mạc Hội thảo “Đổi mới sáng tạo - Động lực để phát triển bền vững đất nước”. Hội thảo diễn ra với 2 chủ đề: “Khởi động Dự án IP-Hub về thương mại hóa tài sản trí tuệ và “Chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII)”. Tại Hội thảo, ông Francis Gurry khẳng định, với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, WIPO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về phương pháp tính toán, xử lý số liệu và tư vấn giải pháp cải thiện các chỉ số đổi mới sáng tạo, bảo hộ thực thi quyền SHTT toàn cầu. WIPO đang cung cấp dịch vụ để có được quyền SHTT ở nhiều quốc gia và giải quyết tranh chấp. (Theo báo Đại biểu nhân dân ngày 22/3). Việt Nam - Israel ký kết hợp tác về đổi mới công nghệ Ngày 23/3, tại TPHCM, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam và Cơ quan Đổi mới công nghệ thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel (IIA) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về đổi mới công nghệ. Lễ ký kết này được tổ chức nhân chuyến thăm của Tổng thống Israel - ngài Reuven Rivlin - tới Việt Nam, và triển khai kết quả của kỳ họp lần thứ nhất của Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Israel. Hai bên thống nhất ký kết với mong muốn tăng cường hợp tác về đổi mới công nghệ; Hỗ trợ việc xác định các dự án, đối tác cụ thể có thể mang lại sự hợp tác trong đổi mới giữa các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và Israel; điều phối, tập trung các nguồn lực và chương trình phù hợp để hỗ trợ sự hợp tác trong đổi mới công nghệ. Thông qua thỏa thuận này, hai bên sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ và khuyến khích các dự án hợp tác về đổi mới công nghệ được thực hiện bởi các tổ chức, doanh nghiệp hai nước, qua đó đẩy mạnh thương mại hóa các kết quả nghiên cứu chung hoặc các sản phẩm, quy trình được phát triểndựa trên các công nghệ mới.(Theo Báo Khoa học và Phát triển ngày 24/3). Việt Nam đã làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ Ngày 23/3, tại Hà Nội, Trung tâm Vệ tinh quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức sơ kết và triển khai kế hoạch 2017-2022 của Dự án Trung tâm Vũ trụ quốc gia Việt Nam. Đài thiên văn đầu tiên của Việt Nam tại đảo Hòn Chồng (Nha Trang, Khánh Hòa) Đây là dự án lớn nhất trong lĩnh vực KH&CN của Việt Nam từ trước đến nay với số vốn đầu tư kỷ lục 600 triệu USD. “Các kỹ sư của Việt Nam với sự hỗ trợ của Nhật Bản đã chế tạo và lắp ráp thành công vệ tinh MicroDragon 50kg, đang trong giai đoạn thử nghiệm và dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa của Nhật Bản vào tháng 12-2018” - TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm vệ tinh quốc gia - đơn vị chủ trì thực hiện dự án cho biết. Ngoài ra, Trung tâm Vệ tinh quốc gia cũng sắp đưa vào hoạt động các đài quan sát thiên văn tại Nha Trang và Hòa Lạc nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học vũ trụ. Đặc biệt, Bảo tàng vũ trụ tại Hòa Lạc kết hợp với Nhà chiếu hình vũ trụ thuộc dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được đưa vào phục vụ cộng đồng vào năm 2018 góp phần phổ cập kiến thức và khơi gợi, nuôi dưỡng niềm đam mê của những người trẻ, các bạn học sinh sinh viên về công nghệ vũ trụ. (Theo báo Tuổi trẻ ngày 24/3). Hà Trang (Tổng hợp)
|