|
|||
Lĩnh vực được ưu tiên PV: Nông nghiệp công nghệ cao được nhắc đến nhiều như hiện nay khi có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát từ người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này được hưởng những cơ chế ưu đãi, hỗ trợ gì, thưa ông? - Ông Trần Quốc Thắng: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thể hiện qua sự sát sao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Từ năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá, phát triển bền vững, chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới, đạt mức tăng trưởng GDP 3,5%/năm, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực. Ngay sau khi có Luật Công nghệ cao, Thủ tướng đã ký ban hành quyết định ngày 17/12/2012 phê duyệt Chương trình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và hàng loạt các chương trình xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, định hướng đến năm 2020. Tuyên ngôn rất rõ ràng của người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Chính phủ sẽ ưu tiên, hỗ trợ tạo điều kiện về đất đai, vốn cho bất cứ hộ nông dân, địa phương, doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp cao trong tương lai. Còn những chính sách rất cụ thể như cơ chế chính sách đất đai đang nghiên cứu và để đưa vào thực tế, đặc biệt chính sách về vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp về nông nghiệp công nghệ cao đi theo hướng quyết liệt, quyết tâm của toàn xã hội. PV: Có nhiều người đã khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao thành công như ông Trần Lệ với thương hiệu rau sạch thu tiền tỷ của Công ty TNHH Trường Phúc do anh Tô Quang Dũng (Lâm Đồng, Đà Lạt) làm chủ; hay trang trại hoa hồng của cô gái 27 tuổi Phạm Thiên Trang tại Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn còn đó những bài học về sự thất bại. Theo thống kê của Bộ TT&TT, hằng năm, có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời tại Việt Nam, số “sống sót” sau khởi nghiệp chỉ chiếm khoảng 10%. Ý kiến của ông thế nào về vấn đề này? - Năm 2015, tạp chí Forbes thống kê 10 người khởi nghiệp thì có 1 người thành công 9 người không phát triển được. Con số ở Việt Nam có 10% doanh nghiệp thành công, tôi cho rằng rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, tôi có vài ý kiến, thứ nhất, 90% người thất bại, chúng ta đừng nói là bị thua, có thể nói đây là những doanh nghiệp mới khởi nghiệp sau một thời kỳ rất ngắn họ phát hiện ra những bất hợp lý trong chiến lược kinh doanh hoặc công nghệ hay sản phẩm của họ không thích hợp với thị trường, đó là bài học rất quý giá để họ tiếp tục khởi nghiệp lại. Đây là sự chuyển hướng. Thứ hai, đối với con số 10% còn lại tiếp tục phát triển, chắc chắn sẽ gặp những khó khăn tiếp theo, phải phân định được phân khúc thị trường của mình, tiếp tục đổi mới công nghệ để cải thiện sản phẩm của mình, làm cho sản phẩm ngày một cao lên, cách thu hút vốn của nhà đầu tư, tăng cường năng lực của bản thân doanh nghiệp, tất cả những khó khăn đó phải vượt qua. Trong 10% này, chắc chắn sẽ có một số người phát triển hết sức mạnh mẽ, nhưng có một số người sẽ phải chuyển hướng khác, đó là điều cần lưu ý. Một điểm cần chú ý nữa là thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp còn phụ thuộc vào các ngành nghề, ví dụ như ICT số lượng khởi nghiệp nhiều nhưng tỉ lệ thành công không nhiều. Thứ tư, chúng ta cần phân biệt khái niệm start-up là loại hình doanh nghiệp phát triển nhanh chủ yếu dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ mới, dịch vụ mới, chất lượng cao có giá trị gia tăng sản phẩm. Còn một cách hiểu nữa là ý chí khởi nghiệp, tinh thần khởi nghiệp rất cao trong cộng đồng gọi là khởi sự kinh doanh.
Chính phủ tạo nhiều điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (Ảnh: Hạnh Nguyên) Tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn PV: Thưa ông, có những “nút thắt” nào trong quá trình thu hút đầu tư, huy động hay hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao? Theo ông, cần phải làm gì để gỡ “nút thắt” ấy? - Nói đến nút thắt, trước hết nói về vốn trong các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đó là bất cập trong chính sách về đất đai. Đã phát triển thành sản phẩm hàng hoá cạnh tranh với thị trường và đưa ra quốc tế thì sản lượng phải cao mà hiện nay hạn điền đối với doanh nghiệp còn thấp. Thứ hai, là việc tiếp nhận nguồn vốn đầu tư, hiện nhà nước cũng đang nghiên cứu cơ chế chính sách để tháo gỡ, ngoài ra có thể hình thành các quỹ trong tương lai để hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ ba, sự thiếu vắng các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm. Thứ tư, sự liên kết giữa người có ý tưởng với người nghiên cứu, có công nghệ thực sự nhưng không biết chuyển giao thế nào. Nếu không có mối liên kết này, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật rất khó khăn. Việc này liên quan đến hệ thống đổi mới quốc gia, liên kết ba nhà: Nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học. Nếu hệ sinh thái khởi nghiệp hình thành phát triển mạnh mẽ, khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao sẽ có nhiều khởi sắc. PV: Được biết, Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST)” của Bộ KH&CN giúp đầu tư, hỗ trợ công nghệ cho một số chương trình, mô hình của doanh nghiệp nông nghiệp. Ông có thể thông tin thêm về việc này? - Đây là dự án đầu tiên của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ cho hoạt động KH&CN hay nói cách khác là hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tại Việt Nam. Mục tiêu là hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và đưa công nghệ mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản phẩm cụ thể, để sản phẩm đó chiếm lĩnh được thị trường. Tư tưởng là lấy doanh nghiệp làm trung tâm và tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các nhà khoa học. Chúng tôi hỗ trợ cho doanh nghiệp ở giai đoạn đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tự động hoá, công nghệ sinh học, nông nghiệp,… Hợp phần thứ hai, hỗ trợ liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu để đổi mới công nghệ và tăng giá trị sản phẩm. Thứ ba, hỗ trợ cho các viện, trường, doanh nghiệp mời chuyên gia giỏi nước ngoài về hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ. Với việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy đổi mới sáng tạo làm mục đích, trong giai đoạn đầu, chúng tôi đã tài trợ 40 dự án, trong đó có 17 dự án nông nghiệp công nghệ cao. PV: Làm sao để doanh nghiệp có thể tiếp cận được sự hỗ trợ về vốn, những cơ chế chính sách ưu đãi, thưa ông? - Hiện Chính phủ đang thực hiện đúng tuyên ngôn là Chính phủ kiến tạo và phục vụ nhân dân. Chính phủ đang có nhiều quyết sách, tạo ra sân chơi cho doanh nghiệp. Bộ KH&CN cũng đang chủ trì Đề án 844/QĐ-TTg "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" và đang xây dựng chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Có thể khẳng định Chính phủ ngày càng tạo nhiều điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận vốn. Bản thân doanh nghiệp cũng cần phải có điều kiện cần và đủ. Thứ nhất, có ý tưởng sản phẩm, phải phân tích kỹ sản phẩm trong phân khúc nào, chiếm thị phần ra sao. Thứ hai, công nghệ liên quan đáp ứng được các tiêu chí cao như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật cao khi xuất khẩu. Các nhà khởi nghiệp phải nghiên cứu kỹ trước khi dấn thân. Tiếp theo là đội ngũ thực hiện ý tưởng rất quan trọng. Khi đã có điều kiện, việc doanh nghiệp thuyết minh huy động nguồn vốn sẽ thuận lợi. Hạnh Nguyên (lược ghi)
|