|
|||
Hội nghị là sự kiện khoa học quan trọng về lĩnh vực tinh thể học tại Việt Nam, được tổ chức định kỳ 3 năm/lần nhằm giới thiệu những kết quả nghiên cứu cấu trúc phân tử, tính chất vật liệu, thành tựu mới, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ và tiến bộ tại các quốc gia Châu Á và toàn thế giới. GS. Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho biết, đánh giá của các chuyên gia quốc tế cho thấy trình độ năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học Châu Á trong lĩnh vực tinh thể học rất tốt. Tuy nhiên, muốn phát triển lĩnh vực nghiên cứu tinh thể học ở Việt Nam cần phải nhấn mạnh vào 3 vấn đề: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản và tiếp xúc với các viện nghiên cứu, trung tâm KH&CN trình độ cao về tinh thể học; trang bị đầy đủ máy móc, phòng thí nghiệm tiên tiến; phải có cơ chế động viên cán bộ làm công tác nghiên cứu ứng dụng kết quả thành tựu trong thực tiễn sản xuất, đời sống. Có trên 400 báo cáo khoa học trình bày tại Hội nghị với các kiến thức cập nhật và chuyên sâu của gần 500 nhà nghiên cứu, khoa học hàng đầu đến từ nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á và thế giới (Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Trung Quốc, Đài Loan, Úc, Mỹ...). Hội nghị phân thành 20 phiên, tập trung vào các chủ để chính: cấu trúc hóa học, cấu trúc sinh học và kỹ thuật phân tích cấu trúc mới..., trong đó nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá cao. Ngoài ra, Hội nghị đã mời được các giáo sư hàng đầu thế giới trình bày 11 báo cáo toàn thể; trong đó đáng chú ý là bài trình bày của GS. Sumio Iijima – Trường ĐH Meijo (Nhật Bản) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thể học trong nghiên cứu vật liệu nano. Phát biểu tại Hội nghị, GS. Đinh Văn Phong - Phó Hiệu Trưởng Trường ĐHBK HN nhấn mạnh, tinh thể học là một trong những lĩnh vực được Trường ưu tiên chú trọng phát triển. Đây không chỉ là mối quan tâm của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam mà còn có quy mô toàn cầu trong hiện tại và tương lai, nhằm đóng góp vào sự phát triển KH&CN của Việt Nam và nhân loại. Tin: Hạnh Nguyên Ảnh: Kim Chi |