|
|||
TS. Phạm Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã chia sẻ với PV những kinh nghiệm tham gia trong mỗi kỳ Techdemo cũng như việc thúc đẩy hoạt động trình diễn, chuyển giao công nghệ giữa các Viện, trường và doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. PV: Nhiều ý kiến cho rằng, TechDemo được tổ chức ngày một quy mô và đi vào thực chất hơn. Ông đánh giá ý kiến này như thế nào? TS. Phạm Anh Tuấn: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Vì thực tế xuất phát từ nhu cầu phát triển theo xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi các doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh đối với sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu. Chính vì vậy, nhu cầu tìm kiếm công nghệ đối với các doanh nghiệp là rất cần thiết. Mặt khác, đối với các viện, trường – nơi có nhiều nguồn cung công nghệ, đã có sự thay đổi đáng kể về phương thức hoạt động cũng cần có thị trường để sử dụng sản phẩm nghiên cứu của mình đặc biệt trong giai đoạn các viện trường đang hướng theo xu hướng tự chủ trong hoạt động, đúng chức năng của mình. PV: Đối với một Viện nghiên cứu, theo ông TechDemo có những tác động tích cực như thế nào? TS. Phạm Anh Tuấn: Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, Bộ NN&PTNT là một trong những đơn vị đầu ngành trong nghiên cứu, chuyển giao những thiết bị công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến liên quan đến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Thời gian qua, Viện đã tham gia thường xuyên hoạt động trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ (Techdemo). Tại đây, Viện mang đến những công nghệ, thiết bị tiên tiến, mới lạ xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của từng địa phương nhằm phục vụ phát kinh tế - xã hội. Tôi cho rằng, sự kiện TechDemo là cơ hội tốt để các nhà khoa học giới thiệu và trình diễn những kết quả nghiên cứu mới nhất đến với những đối tượng có nhu cầu đổi mới công nghệ. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học gặp mặt để trao đổi thông tin, tư vấn, kết nối, chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, kết quả trình diễn từ TechDemo sẽ tạo được động lực thúc đẩy trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ có hiệu quả, phù hợp hơn với cơ chế tự chủ trong giai đoạn hiện nay đối với các đơn vị sự nghiệp khoa học công lập. PV: Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của Viện nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu hơn nữa sau mỗi lần tham gia TechDemo? TS. Phạm Anh Tuấn: Xác định được tác động tích cực của hoạt động Tech Demo nên Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã tham gia liên tục trong 4 lần gần đây. Theo tôi, cần lựa chọn những sản phẩm khoa học có tính mới, tính cạnh tranh và phù hợp với đặc thù của các vùng kinh tế; quan tâm đến đối tượng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ - đối tượng có nhu cầu và năng lực trong đầu tư đổi mới công nghệ; quan tâm đến hoạt động tư vấn đối với các doanh nghiệp, đồng thời thu thập và tổng hợp thông tin về nhu cầu đổi mới công nghệ qua các kỳ tham gia TechDemo. Ngoài ra, cần tăng cường các sản phẩm và mô hình trình diên tại sự kiện TechDemo; tạo lập đội ngũ chuyên gia tư vấn và giới thiệu công nghệ; phối hợp, xử lý thông tin liên quan đến hoạt động KH&CN từ các địa phương để nắm bắt và xử lý các nhiệm vụ đặt hàng, cũng như xúc tiến triển khai công tác chuyển giao công nghệ đến các địa phương có nhu cầu. PV: Vậy ông có thể đánh giá hiệu quả mang lại từ việc tham gia TechDemo cũng như Viện đã nhận được sự hỗ trợ gì của Nhà nước ra sao?
TS. Phạm Anh Tuấn tham gia giao lưu trực tuyến trên báo Đất Việt TS. Phạm Anh Tuấn: Qua các lần tham dự sự kiện TechDemo, ngoài việc được cung cấp các gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm; cung cấp thông tin kết nối và xúc tiến chuyển giao công nghệ; các sản phẩm, đề tài được thông tin truyền thông đại chúng,… TechDemo còn tạo nhiều điều kiện cho Viện trong những năm qua như: tạo môi trường gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và ứng dụng; thay đổi tư duy trong công tác nghiên cứu theo hướng tích cực; thông qua các kết nối, doanh số chuyển giao công nghệ được gia tăng trung bình 15-20%/năm - là mục tiêu của các Viện nghiên cứu trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế thị trường. PV: Những công nghệ tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch hiện có ở Viện đã được chuyển giao tới doanh nghiệp có thực sự tạo hiệu quả kinh tế? TS. Phạm Anh Tuấn: Xuất phát từ chức năng nhiệm vụ của Viện được Bộ NN-PTNT giao phó, trong giai đoạn thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Viện chúng tôi đã bám sát "Đề án Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông- lâm- thủy sản trong chế biến và sản phẩm sau thu hoạch" qua một số sản phẩm nổi bật thời gian qua: Đối với hàng nông sản: lúa, ngô, lạc. Công nghệ hệ thống thiết bị tập trung vào sơ chế, sấy, bảo quản, thúc đẩy công nghệ và thiết bị quy mô hộ và công nghiệp đối với hàng nông sản (lúa, ngô, lạc,…) Về mặt hàng rau, quả, chúng tôi tập trung giải quyết công đoạn sơ chế, xử lý bao gói, tiêu thụ. Ngoài ra, chế biến tách chiết các loại tinh dầu cũng như tách chiết các hợp chất hữu cơ từ cây dược liệu nhằm khai thác tiềm năng đặc thù của các địa phương (dây chuyền chế biến nhựa thông với quy mô 5.000-10.000 tấn/năm áp dụng tại Quảng Ninh, Quảng Trị...); dây chuyền chế biến thức ăn gia súc với mức tự động hóa cao, công suất 5-10 tấn/giờ được phân bố tại nhiều tỉnh thành trên cả nước trong hoạt động chăn nuôi; dây chuyền công nghệ chế biến lạnh và lạnh đông, phục vụ cho chế biến và bảo quản thủy sản cá, tôm, mực... PV: Để đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, theo ông cần có chính sách gì để gắn kết giữa Viện, trường, doanh nghiệp? TS. Phạm Anh Tuấn: Để gắn kết 3 “nhà”, theo tôi, cần tiếp tục hoàn thiện và đổi mới cơ chế cho các nhiệm vụ đặc thù "Giải mã công nghệ mới" theo hướng khoán đến sản phẩm cuối cùng với giá thấp hơn nhập khẩu công nghệ từ 30-50% với sự phối hợp chặt chẽ từ 3 “nhà”; khuyến khích và tạo cơ chế hỗ trợ phát triển loại hình doanh nghiệp KH&CN trong các Viện nghiên cứu và Trường Đại học; đào tạo nguồn nhân lực KH&CN từ các Viện, trường, theo nhu cầu của doanh nghiệp và định hướng phát triển của các địa phương. Đối với Bộ KH&CN, hiện đã có nhiều chương trình KH&CN nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN đóng vai trò quan trọng trong thời điểm hiện nay. Theo tôi, ngoài sự kiện TechDemo, cần xúc tiến hình thành và phát triển các điểm, trung tâm kết nối cung cầu trực tuyến, qua đó có thể tiếp nhận các cơ sở dữ liệu về công nghệ và chuyên gia tư vấn nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp có nhu cầu về đổi mới công nghệ. Đối với các cơ quan quản lý khoa học tại địa phương và cụ thể là Sở KH&CN các tỉnh, cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ. Mặt khác, thông qua doanh nghiệp nắm bắt và tổng hợp các nhu cầu về đổi mới công nghệ từ thực tiễn sản xuất. Đây là một thông tin rất quan trọng để có thể xây dựng các nhiệm vụ đặt hàng ở các cấp cao hơn như ở cấp Bộ, cấp Nhà nước. Và cuối cùng, đối với các Viện nghiên cứu, trường Đại học, ngoài việc tham gia sự kiện TechDemo có thể đề xuất các đặt hàng trực tiếp từ địa phương từ các công trình nghiên cứu của mình. Ngũ Hưng (lược ghi)
|