|
|||
Chính phủ công bố nguyên nhân dừng dự án điện hạt nhân Ngày 22/11, báo điện tử vnexpress.net đưa thông tin Chính phủ cho biết việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là để dồn lực cho các dự án trọng điểm khác. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, công nghệ hạt nhân của Nga và Nhật Bản đều tiên tiến nhất hiện nay và có mức độ an toàn rất cao nên “việc dừng dự án không phải với lý do công nghệ, an toàn mà do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay”. Tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định đầu tư dự án. Mặt khác, Việt Nam cần nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội, cũng như giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra. Khẳng định việc dừng dự án điện hạt nhân không ảnh hưởng an ninh cung ứng điện, ông Mai Tiến Dũng cho rằng Việt Nam có thể bổ sung các loại hình nguồn điện khác như nhiệt điện than, điện năng lượng tái tạo, điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), cũng như xem xét mua điện từ láng giềng, nhất là Lào.... Theo ông Dũng, ý định dừng dự án điện hạt nhân cũng được Chính phủ Việt Nam thông tin tới đối tác Nga và Nhật Bản cùng thời điểm báo cáo Quốc hội. “Các đối tác đều bày tỏ sự đáng tiếc với nhiều kết quả đã đạt được, song về cơ bản họ thể hiện quan hệ hữu nghị, cảm thông và tôn trọng quyết định của Việt Nam”, ông Dũng cho hay. Hai nước bày tỏ mong muốn tăng cường hỗ trợ Việt Nam một số lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, thay thế cho đầu tư các nhà máy điện hạt nhân. “Việc dừng dự án không làm ảnh hưởng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga và quan hệ đối tác sâu rộng với Nhật Bản”, ông Dũng nhấn mạnh. Khai trương Phòng thí nghiệm trọng điểm về an toàn thực phẩm Ngày 24/11, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khai trương Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm. Đây là một trong bảy Phòng thí nghiệm trọng điểm của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội được đầu tư lớn về kinh phí và nhân lực. Với mục tiêu giữ vững sự cân bằng giữa nghiên cứu và ứng dụng, Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm hướng đến việc sẽ có sản phẩm là những công bố quốc tế trên những tạp chí chất lượng cao và đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn. Thông qua việc thực hiện tốt những mục tiêu này, Phòng thí nghiệm trọng điểm mong muốn đóng góp vào công tác nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong những địa chỉ hàng đầu về nghiên cứu khoa học của Việt Nam. (Theo Báo điện tử vietnamplus.vn ngày 24/11).
Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016 Việt Nam xây dựng hệ thống đánh giá và bảo lãnh công nghệ Sáng 22/11, tại Hà Nội, Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo quốc tế “Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia” với chuyên gia đến từ Hàn Quốc. Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Hoàng - Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN cho biết, với sự cố vấn của các chuyên gia Hàn Quốc, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống đánh giá công nghệ Việt Nam VTRS với 23 chỉ số, tương đương với mô hình của Hàn Quốc năm 2005. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh nhận định, đánh giá công nghệ là công cụ quan trọng để hỗ trợ hoạt động chuyển giao, bảo lãnh công nghệ, bảo lãnh vay vốn, qua đó giúp các tổ chức doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ. Hệ thống được xây dựng dựa trên mô hình được áp dụng tại Hàn Quốc và được điều chỉnh thông qua các đánh giá phù hợp với điều kiện nước ta. Đây là vấn đề mới nên việc triển khai đánh giá có hiệu quả, học tập kinh nghiệm thực tiễn của nước ngoài là cần thiết”. Ông Hoàng Văn Phong - Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực KH&CN, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia khẳng định, từ những tiêu chí trên, quỹ sẽ căn cứ lựa chọn và thực hiện các đề tài, dự án để hỗ trợ với mục đích giúp các viện, nhà khoa học và doanh nghiệp phối hợp với nhau, thực hiện tốt vai trò sản xuất kinh doanh, phục vụ sự phát triển của đất nước...(Theo Báo Khoa học và Phát triển ngày 24/11). BioTechmart 2016 “khoe” hơn 350 công nghệ, sản phẩm sinh học
Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành sinh học (BioTechmart) 2016 sẽ trưng bày 356 công nghệ, thiết bị và sản phẩm của hơn 40 đơn vị gồm các viện, trường và doanh nghiệp Báo điện tử vietnamplus.vn ngày 25/11 đưa tin, Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành sinh học (BioTechmart) 2016 sẽ trưng bày 356 công nghệ, thiết bị và sản phẩm của hơn 40 đơn vị gồm các viện, trường và doanh nghiệp. Thông tin trên được đưa ra trong buổi Họp báo công bố sự kiện này sáng 25/11 tại Hà Nội. Đại diện Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ KH&CN cho hay tại Việt Nam, công nghệ sinh học đang phát triển nhanh và đúng hướng song còn nhiều khó khăn, thách thức. Để hỗ trợ các nhà khoa học và doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ và sâu rộng hơn, từ năm 2014, Bộ KH&CN tập trung chỉ đạo tổ chức các Techmart chuyên ngành. Đó cũng là lý do BioTechmart 2016 sẽ được tổ chức tại Sàn Giao dịch công nghệ tại 24 Lý Thường Kiệt, Hà Nội từ 30/11-3/12 tới). Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 Ngày 25/11, Báo Đại đoàn kết đưa thông tin, Bộ KH&CN vừa thông báo tổ chức Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017. Theo đó, đối tượng tham gia Giải thưởng Tạ Quang Bửu là tác giả của công trình nghiên cứu khoa học cơ bản xuất sắc thuộc các lĩnh vực xét tặng Giải thưởng. Cơ cấu giải thưởng gồm: Từ 1-3 Giải thưởng dành cho tác giả của công trình khoa học; 1 Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) là tác giả của công trình khoa học. Nhà khoa học được tặng Giải thưởng sẽ được nhận Bằng chứng nhận Giải thưởng và tiền thưởng. Các tổ chức, các nhân đề cử hoặc tự ứng cử gửi hồ sơ đăng ký xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu tới Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia từ nay đến hết ngày 21/1/2017. Công tác xét chọn Giải thưởng sẽ diễn ra từ tháng 2/2017 đến tháng 4/2017. Trao giải thưởng vào tháng 5/2017. Hà Trang (Tổng hợp)
|