|
|||
Sự kiện trên nhằm kết nối các nhà đầu tư trong nước và quốc tế với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; chia sẻ những kinh nghiệm, bài học sâu sắc về khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tôn vinh các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chương trình tài trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đồng thời kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế. Để tinh thần quốc gia khởi nghiệp, vươn ra biển lớn thành hiện thực Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ vui mừng trước không khí, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo đã có sự lan tỏa rất tốt. Phó thủ tướng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ, của cá nhân Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ. Với mục tiêu hướng tới 1 triệu doanh nghiệp trong tương lai không xa, Chính phủ đã có nhiều hành động để trợ giúp doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là những doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm mới, phân khúc thị trường mới bằng những công nghệ mới chưa từng có, cách tiếp cận thị trường mới. Phó thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, doanh nghiệp khởi nghiệp thường gắn với rủi ro. Nhưng khi đã thành công thì sẽ có giá trị rất lớn, có sức cạnh tranh cao và có sức đột phá. Đây chính là động lực để nền kinh tế đất nước tăng tốc phát triển, thu hẹp khoảng cách với các nước. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra 10 điểm nghẽn đang trở thành lực cản khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn như: Khó khăn về vốn, tiếp cận thị trường, chuyển giao công nghệ, thiếu sự hỗ trợ về tư vấn pháp lý... Vì vậy, Phó thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN, các bộ, ngành bằng những sự chỉ đạo thật cụ thể để những chủ trương của Chính phủ thành hiện thực; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tinh thần quốc gia khởi nghiệp, vươn ra biển lớn thành hiện thực, tránh để tình trạng khởi nghiệp sáng tạo nhưng không biết cụ thể phải làm gì. Năm nhiều satrup nhận được đầu tư lớn Được xếp thứ 3 trong danh sách những quốc gia tốt nhất thế giới nên đầu tư vào, Việt Nam là nơi thu hút không ít của các Quỹ đầu tư mạo hiểm trên khắp thế giới, năm nay tiếp tục là một năm khởi sắc khi một loạt các starup Việt nhận được các khoản đầu tư lớn. Ví dụ Tháng 2 Triipme gọi vốn được 10 tỷ đồng; Tháng 3 MoMo do Công ty cổ phần M_Service sở hữu đã nhận được khoản đầu tư lên tới hơn 600 tỷ đồng từ quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity (SCPE)và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs. Đây có thể coi là một trong những thương vụ gọi vốn thành công nhất của start-up Việt tính đến hiện tại; Tháng 5 Gotit nhận được khoản 200 tỷ đồng và lọt vào Top 2 ứng dụng Apple Store; Tháng 7 Vntrip.vn được đầu tư gần 70 tỷ đồng hay HelloMa nhận được khoảng đầu tư 90 tỷ đồng. Giai đoạn 2012-2016 cũng chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về cả số lượng và chất lượng của các cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh khi hiện nay có khoảng 1800 doanh nghiệp khởi nghiệp, 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Các mô hình này ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng sự hình thành và phát triển cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam. Có thể kể ra một vài ví dụ về sự thành công của một số start-up nhờ được đầu tư như: Lozi - Mạng xã hội về ẩm thực và mua bán đồ thời trang và điện tử; hiện Lozi có khoảng 400,000 người dùng và doanh thu cũng khoảng 50,000 USD một tháng. Đầu năm 2016, Lozi vừa nhận đầu tư từ Nhật và Singapore, cuối năm nay Lozi dự kiến sẽ tiếp tục gọi vốn. Trong tháng 11 này, Lozi cũng nhận được khoản đầu tư 1 triệu USD từ Hàn Quốc. Beeketing – start-up với giải pháp marketing online cho các doanh nghiệp, hiện các phần mềm marketing. Trong vòng 3 quý đầu 2016, doanh thu của doanh nghiệp tăng 15-20%. Với sự hỗ trợ và chứng nhận của IPP2, Beeketing đã xuất sắc được Quỹ đầu tư 500 startups tại thung lũng Silicon, Hoa Kỳ lựa chọn đầu tư 150,000 USD và được định giá 2.5 triệu USD. Ezcloud: là doanh nghiệp với 4 năm kinh nghiệm hoạt động trên thị trường, cung cấp giải pháp quản trị khách sạn với hơn 300 khách hàng trong và ngoài nước, và là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đưa toàn bộ việc quản trị khách sản lên nền tảng điện thoại thông minh. Với sự hỗ trợ của IPP2, cuối năm 2015, doanh thu của Ezcloud đã tăng 150%. Lozi: là nền tảng online về tìm kiếm địa điểm đồ ăn uống tiện lợi và đã mở rộng ra các lĩnh vực khác như thời trang, mỹ phẩm, phụ kiện, đồ điện tử, sách truyện, vv...kết nối người mua, người bán và hiện trở thành cộng đồng đăng bán phổ biến nhất tại Việt Nam. Với sự phát triển nhanh chóng, Lozi đã gọi được vốn thành công 1 triệu USD từ các quỹ đầu tư từ Nhật Bản và Singapore trong năm qua. TechElite Inc là công ty công nghệ được thành lập bởi những cá nhân xuất sắc đã từng học tập và làm việc tại Stanford, M.I.T, L.S.E, Google, Microsoft. TechElite có sứ mệnh xây dựng và phát triển những sản phẩm công nghệ mới, hữu ích cho xã hội; như Hệ thống thi công chức trực tuyến quốc gia, bộ sản phẩm quản lý sự kiện BigTime.vn. Năm 2014, TechElite được Bộ Khoa học và công nghệ bảo trợ và đầu tư thông qua đề án Vietnam Silicon Valley cùng nhiều các quỹ đầu tư khác. VP9.VN- start-up dựa trên công trình nghiên cứu về nén video, giúp truyền hình ảnh độ nét cao trên đường truyền Internet công cộng. Từ công nghệ này VP9.VN đã chế tạo được nhiều thiết bị như cầu truyền hình (video conference), camera giám sát giá rẻ, camera thông minh đầu tiên trên thế giới chạy hệ điều hành Android và có khả năng nhận dạng mặt người và biển số. Nhờ đặc tính kỹ thuật vượt trội và giá thành thấp, năm 2016 doanh nghiệp này đã được chính phủ các nước Phần Lan, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản lựa chọn tài trợ để xúc tiến sử dụng thử nghiệm. Một tin vui khác đối với cộng đồng khởi nghiệp là việc quỹ 500 Startups - một quỹ đầu tư mạo hiểm lớn của Mỹ vừa công bố quyết định sẽ lập riêng một quỹ nhỏ trị giá 10 triệu USD, rót vốn vào khoảng 100-150 dự án khởi nghiệp Việt Nam. Giá trị mỗi lần hỗ trợ khoảng 100.000-250.000 USD. Trong vòng 5 năm tới Quỹ đầu tư 500 Startup sẽ tăng vốn từ 10 triệu lên 100 triệu đô la mỹ dành cho starup Việt. Lấy một vài ví dụ trên cho thấy, để hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công cần tạo ra một môi trường “vườn ươm” để các “hạt giống” là các start-up có điều kiện “nảy mầm” tốt nhất. Môi trường này được gọi là hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, tại Việt Nam, bên cạnh những thuận lợi, lĩnh vực khởi nghiệp ĐMST vẫn là lĩnh vực mới mẻ tại Việt Nam. Các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khiến môi trường khởi nghiệp chưa bùng nổ như các nước khác. Thứ nhất việc thi hành chính sách hỗ trợ còn thiếu đồng bộ. Thứ hai là thủ tục phức tạp, chưa khuyến khích các nhà đầu tư. Thứ ba, các quy định về đầu tư mạo hiểm - thành phần cốt yếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp chưa được rõ nét. Thứ tư, nguồn nhân lực tuy dồi dào nhưng không chuyên sâu. Kiến thức khởi nghiệp và kinh doanh của nhân lực kỹ thuật còn hạn chế. Bài ảnh: Nhóm PV |