Bản in
Điểm tin KH&CN từ ngày 01 - 07/10
Thành lập Viện nghiên cứu khoa học tại ICISE; Việt Nam chế tạo thiết bị giám sát các nguồn phóng xạ di động; Phú Yên đầu tư 520 tỷ đồng vào nông nghiệp công nghệ cao;...là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Thành lập Viện nghiên cứu khoa học tại ICISE

Ngày 01/10, tại Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) Quy Nhơn, Bình Định diễn ra Lễ khởi động thành lập Viện nghiên cứu Khoa học và giáo dục liên ngành thuộc nhóm Vật lý lý thuyết (IFIRSE).

GS Trần Thanh Vân, Giám đốc khoa học IFIRSE cho biết, Viện có chức năng tạo môi trường học thuật đặc biệt cho các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu khoa học; hỗ trợ công tác đào tạo nhân tài, thu hút các nhà khoa học quốc tế trình độ cao về Việt Nam làm việc;...

Việc thành lập viện là ý tưởng từ GS Jerome Friedman (Nobel vật lý 1990) và GS Trần Thanh Vân nhằm tận dụng nguồn chất xám của hơn 1.000 nhà khoa học từ nhiều quốc gia đến dự hội nghị và trao đổi khoa học tại ICISE.

"Để viện có sức mạnh và được xếp hạng trên thế giới thì chúng ta phải biết tận dụng sức mạnh của các nhà khoa học quốc tế" - GS Trần Thanh Vân cho biết.

Hiện tại viện đã thu hút được hai nhà khoa học trẻ Việt Nam đang làm việc ở Đức về nước làm việc tại IFIRSE. (Theo Báo Tuổi trẻ ngày 01/10).

Việt Nam chế tạo thiết bị giám sát các nguồn phóng xạ di động

Ngày 03/10, vnexpress.net đưa tin, trước tình trạng mất nguồn phóng xạ ở nhiều nơi, tiềm ẩn nguy cơ xấu tới đời sống người dân, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đặt hàng Đại học Bách Khoa Hà Nội chủ trì thiết kế chế tạo hệ thống giám sát nguồn phóng xạ từ tháng 10/2014. 

Sau hai năm thực hiện, nhóm thực hiện đề tài "Nghiên cứu và phát triển hệ thống quản lý và giám sát từ xa các nguồn phóng xạ theo thời gian thực", tạo ra sản phẩm là hệ thống quản lý và giám sát nguồn phóng xạ di động (BKRAD).

Với chức năng cảm biến - truyền thông - cảnh báo, hệ thống BKRAD giúp người dùng giám sát từ xa nhanh nhất về vị trí cũng như trạng thái hoạt động của nguồn phóng xạ. Việc giám sát có thể thực hiện qua Internet hoặc điện thoại thông minh.

Thiết bị do Đại học Bách khoa tạo ra có giá hơn 30 triệu đồng, bằng một nửa so với sản phẩm có tính năng tương đương từ nước ngoài. Nghiên cứu được Bộ Khoa học đánh giá cao khi trải qua nhiều đợt thử nghiệm đều đáp ứng yêu cầu. 

10 thiết bị giám sát nguồn phóng xạ do các nhà nghiên cứu Đại học Bách Khoa bàn giao

Phú Yên đầu tư 520 tỷ đồng vào nông nghiệp công nghệ cao

Tỉnh Phú Yên đã quyết định đầu tư 520 tỷ đồng thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có diện tích 460 ha tại địa bàn xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa.

Kinh phí này dùng để xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi Lỗ Chài 1 với dung tích chứa hơn 3 triệu m3 nước; làm gần 4 km đường giao thông; xây dựng khu xử lý chất thải, nhà điều hành và một số hạng mục phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật khác.

Cùng với thực hiện dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu nói trên, từ nay đến năm 2020, tỉnh Phú Yên tiếp tục đầu tư một dự án khác trong khu nông nghiệp này là xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, sẽ xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng công nghệ cao; phát triển, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong và ngoài nước để chuyển giao cho nông dân và doanh nghiệp. (Theo Báo Chính phủ ngày 05/10).

Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo thường kỳ Qúy III/2016

Ngày 06/10, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức họp báo thường kỳ Quý III/2016, nhằm cung cấp thông tin cho báo chí về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của Chính phủ.

Phát biểu tại buổi họp báo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, về công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật KH&CN, trong Quý III/2016, Bộ đã hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các văn bản như: Nghị định số 87/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2016 quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; Nghị định số 105/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường….Bên cạnh công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN, Bộ đã tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo quan trọng như: phối hợp với UBND tỉnh Bình Định, Hội Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN), Viện Quốc tế SOLVAY tổ chức hội thảo quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” trong khuôn khổ Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII”…

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của Bộ KH&CN trong việc tìm nguyên nhân cá chết ở Hồ Tây trong những ngày qua, ông Bùi Thế Duy – Chánh văn phòng Bộ KH&CN cho biết, theo chức năng nhiệm vụ Bộ đã chỉ đạo Sở KH&CN Hà Nội phối hợp các cơ quan liên quan của Hà Nội phối hợp các đơn vị tìm hiểu thông tin. Bộ cũng đã cử cán bộ làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam liên quan các công việc lấy mẫu, khảo sát, đánh giá mẫu, nghiên cứu. 

Tại cuộc họp báo nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề về an toàn bức xạ, hạt nhân, gắn chíp quản lý các nguồn phóng xạ di động đã được lãnh đạo Bộ KH&CN cũng như đại diện các đơn vị chức năng giải đáp thỏa đáng. (Theo Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam ngày 06/10).

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Phạm Công Tạc Chủ trì cuộc họp báo

Sở KH&CN chủ trì sự kiện khởi nghiệp quốc tế

Ngày 06/10, Báo Sài Gòn Giải phóng đưa tin: Dưới sự chủ trì và bảo trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TPHCM, triển lãm và hội nghị “Khởi nghiệp HATCH! FAIR 2016” sẽ được tổ chức trong hai ngày 7 và 8-10, với sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp khởi nghiệp và 80 diễn giả từ hơn 20 quốc gia tại Grand Palace.

HATCH! FAIR 2016 là sự kiện dành cho khởi nghiệp lớn nhất được tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2013. Sự kiện thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng nhất, nhà đầu tư, diễn giả với kinh nghiệm khởi nghiệp đa dạng, các cá nhân quan tâm và hoạt động tích cực trong cộng đồng khởi nghiệp từ hơn 20 quốc gia.

 

Các dự án tham dự cuộc thi HATCH! BATTLE

Sở KH&CN TPHCM được biết đến là một trong những đơn vị tiên phong với những hoạt động tích cực trong kết nối, hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của thành phố. Đây là hoạt động tiếp nối sự kiện khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (Saigon Innovation Hub - SIHUB)

Hà Trang (Tổng hợp)