|
|||
Trong thời gian qua, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung, trong đó có thực phẩm độc hại nói riêng đã trở thành vấn đề gây bức xúc trong toàn xã hội. Tình trạng người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ,...diễn ra tràn lan và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và làm giảm chất lượng nông sản. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, việc phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe con người cũng như môi trường sinh thái. Phát triển nông nghiệp an toàn - hữu cơ được coi là một giải pháp đặc biệt quan trọng. Nhận thức được điều này, thời gian qua đã có nhiều cá nhân, đơn vị sản xuất nông nghiệp an toàn - hữu cơ và đạt một số thành công nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế nông nghiệp an toàn - hữu cơ hầu như chưa phát triển đủ mạnh, hiểu biết của người dân, người sản xuất và tiêu dùng còn chưa nhiều về loại sản phẩm này không dễ dàng nhận biết giữa sản phẩm an toàn với sản phẩm khác. Vấn đề đặt ra cho phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn - hữu cơ không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là vấn đề chính sách của Chính phủ, các bộ ngành có liên quan. Do đó, các ý kiến đại biểu cho rằng, để phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn - hữu cơ cần quy hoạch và bảo vệ đất đai và nguồn nước hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp an toàn - hữu cơ theo hướng hàng hóa; có cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư, hỗ trợ vốn sản xuất, ưu đãi trong giao và cho thuê đất, thuế thu nhập cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cũng nhận định, một trong những giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn - hữu cơ là hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra giám sát liên quan đến nông nghiệp an toàn - hữu cơ. Thứ trưởng cho rằng, phần lớn các sản phẩm an toàn - hữu cơ tiềm năng đều nằm ở vùng khó khăn về giao thông, điều kiện bảo quản, tạm trữ, chế biến không thuận lợi. Do vậy, nhà nước cần hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng cho chế biến phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh vật tại chỗ để giảm chi phí vận chuyển. Ngoài ra cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phá triển thị trường và quảng bá sản phẩm. Thứ trưởng Trần Văn Tùng hi vọng sau hội thảo sẽ hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng và phân phối hỗ trợ tiêu thụ và khuyến khích phát triển các sản phẩm nông nghiệp an toàn - hữu cơ. Tin, ảnh: H.A
|