|
|||
Gặp người chế tạo nam châm đất hiếm ở Việt Nam Chế tạo thành công nam châm đất hiếm là một trong những kết quả của cụm công trình “Nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng các vật liệu từ liên kim loại đất hiếm - kim loại chuyển tiếp” của GS, TSKH Thân Đức Hiền, nguyên giảng viên Khoa Vật lý, Trường đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng 13 cộng sự. Công trình này được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Để chế tạo nam châm đất hiếm phải kể đến quá trình nghiên cứu bền bỉ trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản từ trước đó của GS, TS Thân Đức Hiền và nhóm nghiên cứu. Đây được coi là thành tích đáng tự hào của khoa học Việt Nam thời điểm năm 1979, mở đầu cho những nghiên cứu sau này. Trong hơn 20 năm thực hiện, cụm công trình nghiên cứu về vật liệu từ kim loại đất hiếm đã công bố hơn 80 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, trong đó có 50 bài báo được trình các Hội đồng xét duyệt. Trong giai đoạn 1980-2002, số lượng trích dẫn các bài báo lên tới hơn 1.000 lần. Điều đó chứng tỏ những vấn đề nghiên cứu đã được các phòng thí nghiệm trên thế giới quan tâm. Các nghiên cứu cơ bản của cụm công trình đã góp phần vào sự hiểu biết cơ bản về tính chất từ của hợp kim liên kim loại, đất hiếm - kim loại chuyển tiếp. (Theo Nhân Dân 17/9). Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp trong lĩnh vực Tiêu chuẩn và Sở hữu trí tuệ nhưng phải theo “khung khổ” pháp lý Ngày 21/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có buổi kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực Tiêu chuẩn và Sở hữu trí tuệ tại Cục Sở hữu trí tuệ và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới thăm Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 thuộc Tổng cục TCĐLCL. Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh đã báo cáo Phó Thủ tướng tình hình thực tế trong hoạt động quản lý về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm và hàng hóa, hoạt động quản lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Sau khi nghe báo cáo, ý kiến các Bộ, ngành và kiểm tra tình hình thực tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các bộ, ngành đã vào cuộc tích cực, một số nơi đã có những kết quả rõ nét nhưng cần tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong khung khổ pháp lý thông thoáng nhưng phải chặt chẽ. Đồng thời, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo phải kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế pháp luật, thủ tục hành chính, nâng cao năng suất, chất lượng; để doanh nghiệp bớt thời gian lo các thủ tục liên quan đến chất lượng và sở hữu trí tuệ. (Theo Đảng cộng sản 21/9). Hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ Ngày 22/9, tại Hà Nội, Ban Quản lý Dự án hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BIPP) đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận tài trợ với một số đơn vị nhằm hỗ trợ hoạt động ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KHCN) và thí điểm vận hành quỹ hỗ trợ cho hoạt động ươm tạo. Cụ thể, BIPP đã ký 3 hợp đồng tài trợ cho các đơn vị bao gồm: Trung tâm Thiết kế, chế tạo và thử nghiệm (SATI-TECH) với trị giá 495.000 Euro thực hiện việc triển khai Quỹ InnoFund; Trung tâm Ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KHCN - Viện Ứng dụng công nghệ (NTBIC) với trị giá 170.000 Euro thực hiện triển khai các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp KHCN tại Hà Nội; Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ - Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh (HCMUT-TBI) với trị giá 100.000 Euro thực hiện triển khai các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp KHCN tại TP. Hồ Chí Minh. Đại diện BTC và Dự án BIPP ký kết hợp tác với Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ - Viện Ứng dụng Công nghệ. Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Trần Văn Tùng bày tỏ mong muốn các đơn vị nhận sự hỗ trợ của Dự án BIPP sẽ tập trung công sức, trí tuệ triển khai đúng tiến độ, theo đúng mục tiêu, nội dung đã được Dự án BIPP hỗ trợ. Từ kết quả của các hoạt động của SATI-TECH, NTBIC và HCMUT-TBI sẽ là nhân tố để nhân rộng, tạo điều kiện ươm tạo ra nhiều doanh nghiệp KHCN cũng như sẽ xây dựng các nội dung về hệ thống chính sách cho phát triển hệ thống doanh nghiệp KHCN tại Việt Nam. (Theo Báo Công thương 22/9). TP.HCM: Xây dựng mô hình tổ chức nghiên cứu khoa học tiên tiến Sáng 23/9, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Mô hình tổ chức nghiên cứu tiên tiên: Từ lý luận đến thực tiễn”. Đây là một trong những hoạt động của chương trình phát triển tiềm lực KHCN của TP đến năm 2020. Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, trong hệ thống các tổ chức KHCN của chúng ta hiện nay, còn thiếu các tổ chức nghiên cứu ứng dụng đủ mạnh về qui mô, tính liên nghành, đội ngũ nhân lực trình độ cao và hạ tầng nghiên cứu hiện đại để có thể cung cấp công nghệ và trợ giúp kỹ thuật tiên tiến, tác động mạnh tới các ngành. Thông qua buổi hội thảo này, Sở KH&CN TP.HCM mong muốn sẽ nhận được nhiều thông tin chia sẻ hữu ích từ phía các chuyên gia, nhà khoa học… “Căn cứ vào đó, Sở sẽ xây dựng bộ tiêu chí đề xuất về mô hình tổ chức khoa học và công nghệ tiên tiến nhằm hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu của TP tiếp cận đến tiêu chuẩn quốc tế, tiến tới xây dựng ít nhất 02 mô hình tổ chức khoa học và công nghệ theo mô hình tiên tiến trên địa bàn TP.HCM.” (Theo Khám phá 23/9). Robot tự động dò tìm khuyết tật mối hàn "made in Việt Nam" Nhóm nghiên cứu chế tạo thành mẫu robot này gồm 5 chàng sinh viên đến từ khoa Điện - Điện tử của ĐH Duy Tân gồm: Đinh Hữu Quang, Nguyễn Mạnh Tiến, Võ Hoàng Anh, Lưu Quang Thành và Hoàng Thái Hòa. Sản phẩm vừa đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp tổ chức tại thành phố Đà Nẵng tháng 8 vừa qua do Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa lạc đồng tổ chức cùng Sở KHCN, Hội đồng khởi nghiệp và Ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố Đà nẵng. Sau hơn 1 năm nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của TS Vũ Dương sản phẩm mang tên “Robot kiểm tra mối hàn vỏ tàu” đã ra đời. Robot được lắp đặt đầu dò siêu âm kết hợp với một camera ghi nhận hình ảnh. TS Vũ Dương, người hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho biết: Robot mang theo thiết bị dò siêu âm và di chuyển tự động theo mối hàn mà người sử dụng muốn kiểm tra. Khi phát hiện thấy có khuyết tật (tức là thấy các xung hồi đáp bất thường) thì người điều khiển có thể cho dừng robot, điều khiển robot để kiểm tra lại xem ở vị trí đó có phải là khuyết tật hay không. Nếu đó là khuyết tật thì người điều khiển sẽ ra lệnh cho Robot đánh dấu vị trí đó rồi di chuyển, kiểm tra tiếp. Nếu không phải là khuyết tật thì sẽ điều khiển cho robot di chuyển, kiểm tra tiếp luôn . Cứ như vậy cho đến hết đường hàn. (Theo Dân trí 23/9).
Hà Trang (Tổng hợp)
|