|
|||
Hiệu quả từ chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước Ngày 10/9, tại Hà Nội, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội nghị tổng kết các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015. Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thiện Thành - Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, hệ thống các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước có 15 chương trình bao gồm 10 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ (chương trình KC), 5 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX). Kết quả, sau 5 năm hoạt động, các chương trình đã tạo ra cho sản xuất 23 loại giống cây mới và 25 chủng vi sinh, vật nuôi có ưu thế vượt trội so với các chủng giống cũ. Các chương trình cũng đã tạo ra được 208 công nghệ mới trong đó có 55 công nghệ đã được hoàn thiện và chuyển giao cho sản xuất; 630 quy trình sản xuất mới với 157 quy trình đã hoàn thiện; 161 mẫu máy móc thiết bị mới được tạo ra với 65 mẫu máy đã được hoàn thiện và được ứng dụng trong sản xuất. Bên cạnh đó, các đề tài, dự án đã tạo ra 321 loại vật liệu mới và tiến hành thương mại hóa được 73 loại sản phẩm… Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc khẳng định, dù nguồn lực đất nước còn hạn chế, Nhà nước đã dành lượng kinh phí khá lớn cho các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước và thu được những thành tựu đáng kể, không chỉ ở số công trình công bố quốc tế mà còn ở những đóng góp cho kinh tế đất nước. (Theo dangcongsan.vn ngày 10/9). Trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa cho 2 công trình khoa học ứng dụng Ngày 11/9, Báo điện tử VietNamNet đưa tin, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất nhân kỷ niệm 103 năm ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm nay vinh danh 2 công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc là công trình “Công nghệ sản xuất tinh quặng sắt, thép và vật liệu xây dựng không nung từ bùn đỏ” của Tiến sỹ Vũ Đức Lợi, Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Tiến sỹ Nguyễn Văn Tuấn, Công ty Cổ phần thương mại Thái Hưng. Công trình thứ hai được trao giải là công trình “Ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất vắc xin phòng bệnh cho người” của Giáo sư - Tiến sỹ khoa học Hoàng Thủy Nguyên và cố Giáo sư – Tiến sỹ khoa học Đặng Đức Trạch, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải cho các tác giả đạt Giải thưởng Trần Đại Nghĩa Khác với các giải thưởng khác về KH&CN, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa hướng tới việc khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu xuất sắc nhất về khoa học tự nhiên và công nghệ và đã trực tiếp tổ chức triển khai ứng dụng các kết quả đó để đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước. Dự án FIRST - cơ hội tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học Sáng 13/9, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra khai mạc Hội thảo “Giới thiệu dự án FIRST và hướng dẫn viết hồ sơ đề xuất tài trợ”. Sự kiện do Ban Quản lí dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học, công nghệ - FIRST” (Bộ KH&CN) tổ chức. Hội thảo nhằm giới thiệu một cách đầy đủ nhất về dự án FIRST và các khoản tài trợ đến đông đảo các đối tượng thụ hưởng tiềm năng. Qua đó, tạo cơ hội để Ban Quản lí dự án trao đổi với các đơn vị quan tâm về cách thức xây dựng hồ sơ dự án, những kinh nghiệm của đợt kêu gọi đầu tiên nhằm giúp các đơn vị chuẩn bị hồ sơ đề xuất có chất lượng tốt nhất. Theo dự kiến, dự án này sẽ được thực hiện trong vòng 60 tháng (bắt đầu từ 23/10/2013 và kết thúc 30/6/2019) với tổng số vốn lên đến 110.000.000 USD. (Theo Tạp chí Khám phá điện tử ngày 13/9). Việt Nam nhận thêm 4 khoản tài trợ nghiên cứu khoa học của Hoa Kỳ Theo thông tin từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ chiều 13/9 cho biết, các học giả Việt Nam vừa nhận thêm 4 khoản tài trợ nghiên cứu khoa học trong đợt công bố mới nhất của Chương trình quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy tham gia nghiên cứu (PEER). Bốn dự án nghiên cứu khoa học của Việt Nam được nhận tài trợ đợt này bao gồm: Tích hợp dữ liệu thực địa từ cảm biến từ xa và các khảo sát xã hội để phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực Tây Nguyên của Việt Nam; Ứng dụng Hệ thống thông tin Địa lý (GIS) và cảm biến từ xa để đánh giá thoái hóa đất tại vùng lưu vực hạ lưu sông Mekong; Nghiên cứu về khả năng chống chịu của rặng san hô ngầm tại các khu vực so sánh ở miền Nam Việt Nam để phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học trong một thế giới đang biến đổi; Đánh giá việc hút thuốc lá và tiếp cận chăm sóc y tế như là các yếu tố rủi ro đối với những khác biệt giới trong tỷ lệ nhiễm lao: một nghiên cứu thành phần của Chương trình Phòng chống Lao quốc gia của Việt Nam (NTP) về tỷ lệ nhiễm lao. PEER là chương trình do USAID tài trợ phối hợp với một số cơ quan khác của Chính phủ Hoa Kỳ và do Viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NAS) quản lý. Đây là một chương trình tài trợ cạnh tranh mời gọi các nhà khoa học tại các nước đang phát triển phối hợp với các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ do Chính phủ nước này tài trợ để hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu. (Theo vietnamplus.vn ngày 13/9). Tìm lối ra cho sản phẩm khoa học công nghệ Ngày 15/9, Báo Sài Gòn giải phóng đưa tin, tại hội nghị hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ KH&CN phục vụ xây dựng “Chương trình sản phẩm mục tiêu thành phố”, do Sở KH&CN TPHCM tổ chức cuối tuần qua, vấn đề cụ thể hóa quyền sở hữu và phân chia lợi nhuận sản phẩm đã được sở và đại diện các doanh nghiệp đặt ra, xem đây là giải pháp kích thích doanh nghiệp chủ động tham gia ngay từ quá trình nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, khẳng định mục tiêu của chương trình là xây dựng được những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Nhưng các sản phẩm đó phải có sự tham gia “thật” của hai đối tượng doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu. Nhà nước chỉ đóng vai trò kích thích bằng nguồn vốn mồi nhất định. Nghiệm thu của chương trình này chính là sản phẩm được bán ra thị trường. Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Dũng cũng nhấn mạnh: “Thay vì đầu tư trực tiếp cho doanh nghiệp, Nhà nước sẽ đầu tư vào tổ chức KH&CN. Bởi khi đề tài, sản phẩm nghiên cứu ra, tổ chức KH&CN có thể chuyển giao thêm cho nhiều doanh nghiệp khác để nhiều người cùng hưởng thụ”. Lý giải điều này, theo ông Dũng, Nhà nước không thể lấy tiền thuế của dân để đầu tư cho một doanh nghiệp, như thế sẽ vi phạm nguyên tắc thị trường. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết, mức hỗ trợ của Nhà nước cho các đề tài tham gia chương trình này có thể cao hơn nhiều lần so với mức bình quân của các đề tài nghiên cứu thông thường. Muốn được hỗ trợ thì cần phải có sự hợp tác công tư, nghĩa là doanh nghiệp phải bỏ vốn đối ứng để cùng thực hiện.
Một dự án khởi nghiệp của bạn trẻ mong muốn tìm vốn hỗ trợ từ Chương trình sản phẩm mục tiêu TP Phát triển kinh tế Bắc Trung Bộ: Đẩy mạnh liên kết vùng, gắn vai trò doanh nghiệp “Làm sao có được nhiều nhất doanh nghiệp ứng dụng KH&CN trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện của doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần đưa nhanh nhất KH&CN vào cuộc sống”. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã nhấn mạnh điều này trong phần kết luận sau khi nghe các kiến nghị được đại diện các Sở KH&CN 6 tỉnh nêu tại hội nghị Giao ban KH&CN các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ lần thứ 12, tổ chức ngày 16/9 tại Thanh Hóa. Hội nghị còn có sự tham dự của ông Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa; ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Ông Phạm Bá Oai – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo Ban tuyên giáo tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa; lãnh đạo các cục, vụ, viện trực thuộc Bộ KH&CN; lãnh đạo các Sở KH&CN 6 tỉnh Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Hội nghị giao ban vùng được tổ chức luân phiên các tỉnh diễn ra 2 năm một lần. Đây là dịp 6 tỉnh cùng nhau nhìn lại kết quả thực hiện triển khai chính sách KH&CN cũng như trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý hoạt động KH&CN và đưa ra giải pháp để KH&CN đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế từng tỉnh cũng như toàn vùng. (Theo khoahocphattrien.vn ngày 16/9). Hà Trang (Tổng hợp)
|