|
|||
Việt Nam đã làm chủ kỹ thuật một số kỹ thuật, quy trình như: kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp; quy trình ghép khối thận – tụy từ người chết não; quy trình phẫu thuật nội soi qua ngã tự nhiên (trực tràng và âm đạo) điều trị ung thư đại tràng và trực tràng; công nghệ gắn kháng thể đơn dòng với 2 đồng vị phóng xạ I131 và Y90… Cụ thể, kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp có ưu điểm hơn so với kỹ thuật đang thực hiện tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Với việc bơm khí CO2 tạo khoang làm việc vào tuyến giáp bằng đường biên các nhà khoa học đã loại bỏ những tổn thương nhưng không để lại sẹo vùng cổ đầu. Khoảng 15 Giáo sư và hơn 200 phẫu thuật viên các nước Đông Nam Á và trong nước đã đến học tập kỹ thuật này sau khi nhóm nghiên cứu thực hiện các ca phẫu thuật trình diễn tại các trường đại học của Thái Lan, Philippin, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ. Các nhà khoa học Việt Nam đã thực hiện thành công ca đầu tiên ghép thận tụy lấy từ người chết não đánh dấu một bước phát triển nữa của Y học Việt Nam trong lĩnh vực ghép đa tạng đặc biệt là việc lấy tạng từ người chết não. Quy trình ghép khối thận – tụy từ người chết não là kỹ thuật tiên tiến trên thế giới được thực hiện sau những thành công của y học Việt Nam trong kỹ thuật ghép đơn tạng. Thành công này không chỉ khẳng định sự tiến bộ của ngành Y tế Việt Nam mà còn góp phần hiện thực hóa Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đi vào cuộc sống. Trong điều kiện dịch vụ y tế của Việt Nam còn ở mức trung bình so với các nước đang phát triển, việc triển khai thành công phẫu thuật nội soi qua ngã tự nhiên (trực tràng và âm đạo) điều trị ung thư đại tràng và trực tràng (16 ca được phẫu thuật qua hậu môn lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam và 4 ca phẫu thuật qua âm đạo lần đầu tiên thành công trên thế giới) mang ý nghĩa lớn về mặt khoa học. Công nghệ gắn kháng thể đơn dòng với 2 đồng vị phóng xạ I131 và Y90 là công nghệ mới trên thế giới mà không nhiều các phòng thí nghiệm thực hiện được. Các nhà khoa học Việt Nam đã sử dụng công nghệ này tạo 02 dược chất phóng xạ dùng trong điều trị bệnh ung thư trong vùng đầu cổ. Sản phẩm dược chất đã được thử nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm minh chứng cho khả năng làm chủ công nghệ. Hiện nay, dược chất đang được nghiên cứu tinh chế để đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Bằng việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, các nhà khoa học trẻ đã thành công trong việc phân lập được 02 hợp chất chưa từng được phân lập được trong tự nhiên và giải được 40 trình tự gen mới (chủng virus Porcine circovirus type 2 (PCV2)) bổ sung vào ngân hàng Gen thế giới và được đăng ký tại Thư viện Quốc gia về Sinh học (NCBI) của Hoa Kỳ. Ngoài ra, hàng loạt các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến và các sản phẩm khoa học khác đã được tiến hành nghiên cứu thành công và hứa hẹn sẽ được phổ biến rộng rãi kết quả vào sản xuất như: quy trình sản xuất các kháng thể đơn dòng ở quy mô phòng thí nghiệm; giống ngô chuyển gen chịu hạn; giống đậu tương chuyển gen kháng thuốc diệt cỏ; kỹ thuật ghép thận từ người cho tim ngừng đập; kỹ thuật can thiệp nội mạch trong điều trị phình, bóc tách động mạch chủ… Tin, ảnh: Hà Chi
|