|
|||
Công trình đã được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt V năm 2016. Nền tảng lý luận cho “dòng chảy” lịch sử Việt Nam Theo GS. Phan Huy Lê, điểm quan trọng nhất trong việc nghiên cứu sử là nguồn sử liệu, trên cơ sở những hạn chế trong nghiên cứu và nhận thức lịch sử trước đây, tác giả nêu quan điểm về tính đa tuyến, toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam. Lịch sử Việt Nam trước đây chủ yếu trình bày theo quá trình phát triển của người Việt và theo quá trình tiến về Phương Nam, người Việt đi đến đâu lịch sử bắt nguồn từ đấy. Qua đó, lịch sử miền nam Trung bộ chỉ bắt đầu từ thế kỷ XVI, lịch sử Nam Bộ chỉ bắt đầu từ thế kỷ XVII. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu mới, tác giả xác lập quan điểm cho rằng, lịch sử Việt Nam là lịch sử của tất cả các cộng đồng dân cư, các dân tộc đã từng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay. Bởi theo quan điểm của tác giả, bên cạnh dòng chủ lưu của lịch sử văn hóa của dân tộc đa số là người Việt, còn bao gồm các dòng hội nhập của các dân tộc khác. Với quan điểm tổng thể đó, tác giả phác họa lịch sử cổ đại Việt Nam gồm trung tâm văn hóa Đông Sơn và nhà nước Văn Lang – Âu Lạc ở miền Bắc, trung tâm văn hóa Sa Huỳnh với nhà nước Lâm Ấp – Chăm pa ở miền Trung và trung tâm văn hóa Óc Eo với nhà nước Phù Nam ở miền Nam. Từ phác họa này, cuốn sách Lịch sử Việt Nam tập I (Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội, 2012) đã được chính thức đưa vào trong giáo trình lịch sử Việt Nam của Khoa Lịch sử (Trường Đại học KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội giảng dạy do chính tác giả là chủ biên. Ngoài ra, công trình đã phân tích những chuyển biến trong giai đoạn có thể nói có tính “bước ngoặt” của lịch sử Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ X, tức là bắt đầu khi Khúc Thừa Dụ xưng nền tự chủ vào năm 905, công cuộc củng cố chính quyền dười thời Khúc Hạo cho đến Dương Đình Nghệ và cuộc kháng chiến chống Nam Hán năm 930 – 931; Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng năm 938. Thời điểm kết thúc thời kỳ Bắc thuộc để mở ra thời kỳ phong kiến độc lập đầu tiên tại Việt Nam. Tác giả cũng đi sâu vào luận giải những chuyển biến trong giai đoạn lịch sử từ cuối thế kỷ XIV đến cuối thế kỷ XV, từ cuối thời nhà Trần sang thời nhà Hồ, qua kháng chiến chống nhà Minh đến khởi nghĩa Lam Sơn qua thời kỳ Lê sơ trên tất cả các phương diện từ: kinh tế, xã hội, đến chính trị, tư tưởng văn hóa. Tác giả cho rằng, thời điểm trên không chỉ là cuộc khủng hoảng thay đổi vương triều mà còn là những biến động sâu sắc, gắn liền với những thay đổi trong kết cấu kinh tế, xã hội, hệ tư tưởng và mô hình phát triển của chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam. Về tổng kết lịch sử Tây Sơn, tác giả đã phân tích những cống hiến và hạn chế, nguyên nhân thắng lợi và thất bại của phong trào Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII.
Giáo sư Phan Huy Lê Đánh giá về ý nghĩa công trình, GS.TSKH. Vũ Minh Giang khẳng định, lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu văn hóa và lịch sử Việt Nam, quan điểm đa tuyến, toàn bộ và toàn diện được trình bày một cách hệ thống dưới dạng tổng quát như một nguyên lý và được dẫn giải theo dọc tiến trình lịch sử Việt Nam thời cổ - trung đại, làm nền tảng lý luận cho một công trình đồ sộ, tầm cỡ được kết nối một cách liên hoàn. Đây là bước tiến dài trên con đường nhận thức lịch sử và văn hóa dân tộc, vốn được hiểu như một quá trình phát triển lớp lang nhưng tương đối đơn tuyến. Điều này mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của sử học Việt Nam khi bắt đầu áp dụng việc triển khai Đề án Nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam do chính GS. Phan Huy Lê làm chủ biên. “Tuy là công trình thuộc lĩnh vực KHXH&NV, nhưng tính liên ngành rất cao trong nhiều nghiên cứu sự hiện diện, đóng góp của nhiều lĩnh vực khoa học khác, được khai thác bởi các nhà khoa học ngoài lĩnh vực KHXH&NV. Đặc biệt, nội dung của công trình đã được sử dụng làm luận cứ khoa học để xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới”, GS.TSKH. Vũ Minh Giang nhấn mạnh. Cơ sở khoa học để xác định vị trí Hoàng thành Thăng Long Trong lĩnh vực nghiên cứu về Việt Nam học và Đông phương học, tác giả đã xác lập vị trí và phương hướng phát triển cho những ngành được coi là mới này (tác giả là người đầu tiên xây dựng, tạo lập Khoa Phương đông học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng như nghiên cứu mối quan hệ văn hóa giữa Việt Nam với các nước Đông Nam Á, Đông Á và Pháp, phương Tây nhằm xác định những giá trị văn hóa Việt Nam trong quan hệ giao lưu văn hóa của người Việt với văn hóa ngoại lai. Đối với vấn đề nông thôn và đô thị, tác giả tập trung phân tích tình hình nghiên cứu làng xã ở Việt Nam trong thế kỷ XX; so sánh chế độ quân điền ở Việt Nam với Trung Quốc; nghiên cứu địa bả cổ Hà Nội thế kỷ XIX; lịch sử một số địa phương và đô thị cổ như: Hà Tĩnh, Hội An, Hà Nội. Đặc biệt công trình nghiên cứu sâu lịch sử Hà Nội và cấu trúc kinh thành Thăng Long – Hà Nội từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX. Đây là điểm mang tính quyết định, cơ sở khoa học để xác định vị trí khu di tích Hoàng thành Thăng Long nằm trong vùng trung tâm của Cấm thành Thăng Long từ thời Lý đến thời Lê. GS.TS. Phạm Hồng Tung nhận định, công trình có tầm vóc và giá trị học thuật cao, ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng khoa học nghiên cứu về Việt Nam. Giá trị khoa học đặc sắc của công trình trước hết ở tính lý luận cao, quan điểm học thuật và cách tiếp cận mà tác giả đã nhất quán vận dụng trong toàn bộ nghiên cứu của mình. Quan điểm coi lịch sử quốc gia – dân tộc Việt Nam là một chỉnh thể với chủ thể chính là cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Do vậy, đó phải là lịch sử của tất cả các cộng đồng người từng sinh tụ trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay. Cũng theo GS.TS. Phạm Hồng Tung, giá trị đặc biết xuất sắc của công trình chủ yếu được khẳng định bằng nhiều phát hiện khoa học mới với những kiến giải sâu sắc và mới mẻ về lịch sử, văn hóa Việt Nam thông qua các nghiên cứu chuyên sâu của tác giả về các trung tâm văn minh và nhà nước cổ đại trên lãnh thổ Việt Nam, về các quá trình, sự kiện và nhân vật lịch sử và văn hóa Việt Nam; về các đô thị cổ điển hình; về đời sống của cư dân nông thôn; về các mối liên hệ liên vùng, liên khu vực và quốc tế của quốc gia – dân tộc Việt Nam. Điều này đã góp phần làm cho nhận thức về lịch sử dân tộc Việt Nam thêm toàn diện, chính xác và sâu sắc hơn. Đồng thời, đây cũng là chỉ dẫn quan trọng để hình thành nên những định hướng nghiên cứu mới về lịch sử và văn hóa dân tộc. Ngoài ra, công trình còn có ý nghĩa chính trị quan trọng và giá trị thực tiễn to lớn, thiết thực. Trong nghiên cứu, việc xuất hiện những quan điểm, ý kiến khác nhau là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, những năm gần đây, đã và đang xuất hiện ở cả trong và ngoài nước những nghiên cứu nhân danh khoa học để phục vụ cho những tư tưởng không tốt nhằm phủ nhận tính thống nhất của dân tộc Việt Nam. Trước bối cảnh đó, công trình đã cung cấp những luận cứ khoa học vững chắc cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia – dân tộc cũng như những giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam. Bài, ảnh: Ngũ Hiệp – Bảo Chi
|