|
|||
PV: Thưa Giáo sư, ông đánh giá thế nào về tính ứng dụng trong thực tiễn của các công trình khoa học đã từng được giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN? GS.TSKH Đặng Văn Bát: Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) là hai Giải thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng cho các tác giả/nhóm tác giả của công trình/cụm công trình KH&CN tiêu biểu, có giá trị cao về KH&CN, hiệu quả kinh tế xã hội; có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống, góp phần phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Các công trình được giải thưởng trong thời gian vừa qua có tính thực tiễn rất lớn, có những đóng góp rất lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Điều đó có thể chứng minh bằng các cụm công trình được giải thưởng đợt 5 này. Cụ thể, đối với công nghiệp, 3 cụm công trình được giải thưởng của ngành dầu khí Việt Nam đã đưa ngành dầu khí của Việt Nam ngang tầm quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao năng lực khai thác dầu khí của đất nước. Đó là các cụm công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”, “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Việt Nam”, “Nghiên cứu phương án tối ưu để chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng ở vùng nước sâu hơn 100m phù hợp với điều kiện ở Việt Nam”. Bên cạnh đó, cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” của Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo đã đưa ra đồng bộ các giải pháp công nghệ để bảo vệ môi trường phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, cụm công trình “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển 2 giống lúa mới OM6976 và OM5451 có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất và xuất khẩu” do PGS.TS. Trần Thị Cúc Hòa làm Chủ nhiệm đã tạo nên những giống lúa có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Trong 3 năm 2013 -2015, diện tích ứng dụng của 2 giống này đã lên đến trên 3 triệu ha ở đồng bằng Nam Bộ. Ngoài ra, đối với lĩnh vực giao thông vận tải, cụm công trình “Cầu Hàm Luông” trên quốc lộ 60 của tỉnh Bến Tre đã áp dụng những công nghệ mới xây dựng cầu với khẩu độ nhịp chính lên đến 150m - đạt kỷ lục ở Việt Nam đã nối liền Bến Tre với các tỉnh lân cận, tăng cường giao thương, phát triển kinh tế - xã hội vùng. Những ví dụ đó là minh chứng sống của các công trình được giải thưởng. PV: Theo GS, đâu là giá trị lớn nhất mà các cụm công trình này mang lại cho người dân và xã hội? GS.TSKH. Đặng Văn Bát: Hiện nay, người dân đều biết đến giá trị của một số công trình, ví dụ như cầu Hàm Luông, các giống lúa mới ở Nam Bộ, công trình xây dựng đường bộ các hệ thống hạ tầng cơ sở ở nông thôn, y tế… Các cụm công trình đó đều mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, cải thiện đời sống cho đồng bào. Đó là giá trị lớn nhất mà các công trình đó mang lại. Hy vọng rằng, các phương tiện thông tin đại chúng sẽ tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để nhân dân có thể cập nhật của giá trị của những công trình này. PV: Thưa Giáo sư, so với thế giới, ông đánh giá thế nào về những thành tựu khoa học của Việt Nam? GS.TSKH Đặng Văn Bát: Theo tôi, so với thế giới, chúng ta đã đạt được những thành tựu khoa học nhất định mang tầm cỡ thế giới. Ví dụ như những công trình dầu khí, y học hay lần này chúng ta có một công trình về toán học, về đại số giao hoán. Tuy vậy, các công trình của chúng ta thực sự chưa đồng đều. Nhưng tôi hy vọng rằng, với sự phát triển KH&CN hiện đại, các nhà khoa học Việt Nam đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, trong thời gian tới sẽ vươn lên đưa ngành khoa học của Việt Nam xứng tầm với thế giới. PV: Mặc dù đã có những giải thưởng tôn vinh, nhưng theo Giáo sư điều đó đã đủ khích lệ các nhà khoa học của chúng ta say mê nghiên cứu, sáng tạo hay chưa? Theo Giáo sư cần có thêm điều gì để thúc đẩy tiềm năng về khoa học Việt Nam? GS.TSKH Đặng Văn Bát: Mặc dù đã có những giải thưởng được tôn vinh nhưng theo tôi Nhà nước cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho KH&CN, đặc biệt những công trình ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới áp dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam sẽ đẩy mạnh sự phát triển KH&CN của đất nước. Với số vốn Nhà nước chi cho KH&CN hiện nay là 2% tổng chi ngân sách Nhà nước thì còn khiêm tốn. Trong thời gian tới, mong muốn Quốc hội xem xét tăng tỷ phần này lên mới khích lệ được các nhà khoa học Việt Nam say mê nghiên cứu và làm việc. Ngoài ra, các chế độ chính sách đối với các nhà khoa học cũng cần được quan tâm. Ví dụ đối với các nhà khoa học đã cống hiến cả cuộc đời trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ rồi những năm sau này nữa, đến khi nghỉ hưu lương rất thấp. Theo tôi được biết, các nhà khoa học, những nghiên cứu viên cao cấp của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, may lắm đến khi nghỉ hưu mới được 8,0. Bài, ảnh: Ánh Tuyết – Nguyễn Hạnh (lược ghi)
|