|
|||
Luôn luôn đặt câu hỏi: Tại sao? Cuộc sống bên cạnh những mặt tích cực, luôn luôn tồn tại những hạn chế cần được giải quyết. Điều quan trọng là mỗi người, nhất là các bạn làm khởi nghiệp có thấy được vấn đề đó để tìm cách giải quyết hay không. Luôn luôn đặt câu hỏi: Tại sao? là cách để mỗi người khơi gợi khả năng sáng tạo từ những ý tưởng của thực tế cuộc sống. Khi mới khởi sự một công việc kinh doanh, các nhóm startup thường mắc phải một số vấn đề như: Không có tiền làm marketing, không tìm được những nhà đầu tư để hỗ trợ vốn…Vậy tại sao các bạn không tham dự các phiên chợ khởi nghiệp để giúp khách hàng, nhà đầu tư tiếp cận được ý tưởng, sản phẩm. Khách hàng cũng là đối tượng trải nghiệm và đưa ra những ý kiến đóng góp để sản phẩm hoàn thiện hơn. Trong một lần đi Cần Thơ, tôi nhận thấy đây là vùng đất có ít nhà máy, ít khu công nghiệp. Điều đó khiến không khí trở nên trong lành, tạo ra sự dễ chịu. Thành phố này không xảy ra kẹt xe như ở các đô thị lớn khác. Vậy tại sao lại không đặt ra câu hỏi nên làm gì, phát triển lĩnh vực gì trên những điều tuyệt vời đó. Một ví dụ khác, cá linh là một món ăn đặc sản của vùng Tây Nam Bộ nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Vì là món đặc sản, lượng người sử dụng, thích sản phẩm là rất lớn. Vậy có cách nào để những người xa quê có thể mang món ăn đặc sản này sang nước ngoài. Để khi thưởng thức món ăn này, họ lại nhớ về quê hương mình. Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có cách để làm việc này. Tư duy đặt câu hỏi từ những vấn đề thực tế để đưa ra những ý tưởng mới luôn quan trọng. Mỗi người hãy tạo cho mình thói quen đặt câu hỏi để trong đầu luôn luôn có ý tưởng. Khi đã có ý tưởng rồi thì hãy bắt tay vào thực hiện ngay. Ý tưởng sẽ mãi chỉ là ý tưởng và không thể trở thành sản phẩm cụ thể nếu không thực hiện nó. Hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm để phát huy sự sáng tạo tập thể Một bộ phận không nhỏ các sinh viên Việt Nam khả năng làm việc nhóm rất hạn chế. Một số bạn trẻ còn có tư tưởng “cá nhân hóa”, không có tâm thế lắng nghe người khác và nhận thấy được giá trị của làm việc nhóm. Khởi nghiệp không phải cứ tự làm theo sở thích, đam mê mà không hiểu được thị trường đang cần gì. Một ý tưởng có được cho là tốt đến đâu mà không được thị trường chấp nhận cũng coi như không có giá trị. Vì thế, khi còn đang đi học, các sinh viên nên tự xây dựng cho mình mối quan hệ thân tình với những người bạn khác trong và ngoài trường. Mối quan hệ được xây dựng sẽ giúp đỡ mỗi người khi gắn kết và có thể hợp tác để cộng hưởng những ý tưởng sáng tạo của mỗi người. Hãy luôn giữ một tâm thế, khả năng của bản thân có thể giúp gì được cho người khác phát triển. Khi người khác nhận được sự giúp đỡ, sẽ tin tưởng và giúp đỡ lại chính mình. Phát triển mối quan hệ xung quanh bằng những hành động cụ thể sẽ giúp mọi người kết nối và làm việc cùng với nhau. Khi cả nhóm cùng giải quyết một vấn đề cần phải hướng về một mục tiêu đặt ra từ trước. Làm việc nhóm mà mỗi người một mục tiêu khác nhau thì không thể nào cộng hưởng được ý tưởng và thế mạnh của mỗi người để khởi nghiệp. Khi một thành viên trong nhóm không đạt được nhiệm vụ, các thành viên khác hãy tìm hiểu quá trình làm việc của người đó như thế nào, bằng phương pháp gì, mất thời gian bao lâu,…Việc làm này để tìm hiểu rằng tại sao người bạn đó không hoàn thành công việc để có phương án điều chỉnh thích hợp. Mỗi nhóm khởi nghiệp, hãy biết rõ tài năng của mỗi người để cùng nhau làm việc, phát huy sức sáng tạo của mỗi cá nhân để xây dựng ý tưởng thành một sản phẩm hội tụ “tinh hoa” của sự sáng tạo tập thể. Bởi vì, mỗi người khi khởi nghiệp không thể giỏi được mọi vấn đề. Vì vậy, khởi nghiệp cần sức mạnh tập thể từ làm việc nhóm.
|