|
|||
GS.TS. Phạm Minh Thông đã có dịp chia sẻ về những đóng góp của cụm công trình đối với sự phát triển khoa học y – dược Việt Nam. PV: Những năm gần đây, khoa học y học Việt Nam đã có bước phát triển đáng tự hào. Cụm công trình “Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch” của Giáo sư và đồng nghiệp là một ví dụ về thành tựu của y học Việt Nam. Giáo sư đánh giá như thế nào về đóng góp của nghiên cứu khoa học đối với sự phát triển ngành y - dược? GS.TS. Phạm Minh Thông: Ngành y trong những năm gần đây đã đạt được những thành tựu đáng kể so với giai đoạn trước đó. Nhiều kỹ thuật hiện đại của các nước phát triển đã được triển khai thành công và đi vào cuộc sống như ghép tạng, trong đó có ghép tim, công nghệ tế bào gốc, phẫu thuật nội soi và đặc biệt là các kỹ thuật điều trị ít xâm lấn qua đường mạch máu trong tim, mạch máu. Đây là những kỹ thuật của các nước phát triển, nhưng đã được ứng dụng thành công tại Việt Nam trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, với giá thành thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Nhiều bệnh nhân được cứu sống nhờ những kỹ thuật cao này, góp phần nâng cao trình độ của ngành y nói chung so với các nước trên thế giới. Xu thế chung của thế giới là phòng bệnh, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt là điều trị bằng kỹ thuật ít xâm lấn. Chúng tôi cũng tiếp tục nghiên cứu và triển khai các kỹ thuật này tại Bệnh viện Bạch Mai nơi tôi đang làm việc, và tiếp tục chuyển giao cho đồng nghiệp các tuyến theo các chương trình của Bộ Y tế như bệnh viện vệ tinh, 1816, chỉ đạo tuyến... PV: Giáo sư có thể nói rõ hơn về kết quả của công trình do Giáo sư và cộng sự thực hiện trong thời gian qua? GS.TS. Phạm Minh Thông: Mỗi năm ở riêng Bệnh viện Bạch Mai có hàng trăm bệnh nhân được điều trị thông động mạch cảnh xoang hang thành công, khoảng 200 bệnh nhân phình mạch não được điều trị thành công, vài trăm bệnh nhân đột quỵ não được chẩn đoán kịp thời và hàng trăm bệnh nhân điều trị tiêu sợi huyết và lấy huyết khối. Các trung tâm khoác như Bệnh viện 108, Bện viện Quân y 103, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện 115, Chợ Rẫy, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng... đã điều trị thành công rất nhiều bệnh nhân. Hiện nay, chúng tôi đang chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch não cho bệnh viện tuyến tỉnh, đang và sẽ và có kế hoạch chuyển giao cho bệnh viện tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Ninh, Phú Thọ, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Đồng Hới, Quảng Bình)... Ngoài chuyển giao các kỹ thuật can thiệp mạch não, chúng tôi còn can thiệp điều trị nhiều bệnh lý khác qua đường mạch máu hoặc trực tiếp qua da như điều trị ung thư gan bằng đốt bằng sóng RF, điều trị ung thư gan bằng nút mạch bằng hạt hóa chất, hạt phóng xạ. Đặc biệt, hiện nay chúng tôi đang điều trị phì đại tiền liệt tuyến bằng nút mạch. Đây là kỹ thuật mới đã triển khai thành công, người bệnh sau điều trị có chất lượng cuộc sống tốt hơn rất nhiều so với phẫu thuật. Chúng tôi đang dự kiến chuyển giao cho một số bệnh viện ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Trong hai năm đã có hơn 50 bệnh nhân điều trị thành công. PV: Giáo sư có thể chia sẻ những khó khăn của mình trong quá trình thực hiện công trình? GS.TS. Phạm Minh Thông: Đây là những kỹ thuật mới, tiên tiến ở các nước phát triển. Sau thời gian học tập ở nước ngoài, tôi thấy bệnh lý mạch máu não được điều trị hiệu quả bằng can thiệp nội mạch, trong khi ở Việt Nam những năm 1999 - 2000 vẫn phẫu thuật với nhiều biến chứng. Ví dụ ở Pháp thì thông động mạch cảnh xoang hang chỉ điều trị bằng can thiệp nội mạch, phình mạch não cũng được can thiệp nội mạch là chủ yếu, chủ phẫu thuật một số trường hợp can thiệp nội mạch thất bại. Chính vì vậy, chúng tôi quyết tâm đưa kỹ thuật can thiệp nội mạch trong điều trị bệnh lý mạch máu não vào Việt Nam. Năm 1999, chúng tôi tiến hành ca đầu tiên điều trị thông động mạch cảnh xoang hang. Trước khi can thiệp, chúng tôi đã hội chẩn với hội đồng các giáo sư nổi tiếng trong ngành y như GS. Vũ Văn Đính, GS. Phạm Gia Khải, GS. Dương Trạm Uyên, cố GS. Hoàng Kỷ, nhưng chúng tôi đã thất bại. Một tuần sau, tôi đã mời giáo sư người Pháp Deramond ở Đại học Amiens sang hỗ trợ kỹ thuật. Dù đã học một số năm ở Pháp, tuy nhiên vẫn cần phải có giáo sư trực tiếp chuyển giao kỹ thuật. Trong thời gian ngắn, chúng tôi đã hoàn thiện kỹ thuật, và những bài báo khoa học đầu tiên đã được đăng tải vào năm 2001 về những kỹ thuật này. Nhiều người bệnh đã được cứu sống, chúng tôi đã đào tạo và chuyển giao cho các bệnh viện khác từ những năm 2002. Năm 2004 - 2005, chúng tôi đã vào TP.HCM nhiều lần để chuyển giao kỹ thuật này tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện 115, vì chúng tôi cũng hiểu rằng các đồng nghiệp học lý thuyết và kiến tập là không đủ mà phải trực tiếp được cầm tay chỉ việc. Sau 2 năm chuyển giao tại TP.HCM các đồng nghiệp đã làm chủ kỹ thuật. Hiện nay, các bác sỹ làm can thiệp thần kinh của Việt Nam đã làm chủ nhiều kỹ thuật phức tạp, với chất lượng ngang bằng các nước trong khu vực, một số kỹ thuật có chất lượng tương đương các nước phát triển, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống bằng kỹ thuật này. PV: Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN là giải thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành tặng cho những tác giả có công trình/cụm công trình KH&CN đặc biệt xuất sắc. Giáo sư cảm nhận như thế nào khi biết cụm công trình của mình đã được Hội đồng cấp Nhà nước đánh giá cao và đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh? GS.TS. Phạm Minh Thông: Sau khi nghe mình được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh tôi rất xúc động. Hội đồng giải thưởng đã đánh giá cao giá trị của cụm công trình khoa học của chúng tôi. Và đó là những đó góp không chỉ của các tác giả mà còn của ngành y tế với sự nghiệp khoa học kỹ thuật trong nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Ngành y là ngành khoa học ứng dụng và đã ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến của thế giới vào chăm sóc sức khỏe, trong đó có ngành điện quang. Trước đây, điện quang chỉ làm công tác chẩn đoán, nhưng hiện nay đã ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong điều trị ít xâm lấn, giảm thiểu tối đa tổn thương với người bệnh. Một số bệnh trước đây không điều trị được thì hiện đã ứng dụng điều trị và đem lại hiệu quả cao đối với người bệnh. Chúng tôi bắt đầu cụm đề tài này từ những năm 2000. Kỹ thuật đầu tiên được chuyển giao là điều trị thông động mạch cảnh xoang hang do chấn thương. Bệnh lý này trước đây phải phẫu thuật với nhiều biến chứng và di chứng. Chúng tôi đã triển khai kỹ thuật điều trị bằng đường nội mạch ít xâm lấn rất thành công, đã chuyển giao cho nhiều trung tâm lớn trong toàn quốc từ Hà Nội vào đến TP.HCM. Kỹ thuật can thiệp qua đường mạch đã thay thế hoàn toàn phẫu thuật, cứu sống rất nhiều bệnh nhân. Kỹ thuật thứ hai là kỹ thuật điều trị phình mạch não vỡ và chưa vỡ. Phình mạch não vỡ gây tỷ lệ tử vong trên 50%, bệnh nhân sống sót thì để lại di chứng nặng nề, trước đây điều trị bệnh lý này hoàn toàn bằng phẫu thuật. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không thể mổ được và phẫu thuật cũng để lại nhiều tai biến và di chứng. Chúng tôi đã đưa kỹ thuật can thiệp qua đường nội mạch vào Việt Nam, với sự hỗ trợ kỹ thuật của các giáo sư Pháp, và sau đó chúng tôi đã chuyển giao kỹ thuật cho nhiều trung tâm y khoa lớn trong cả nước. Kết quả đã cứu sống nhiều bệnh nhân. Hiện nay người bệnh đã có cơ hội lựa chọn, hoặc điều trị bằng mổ mở, hoặc điều trị bằng can thiệp nội mạch, mở ra cơ hội mới cho những trường hợp bệnh khó. Bên cạnh đó, chúng tôi áp dụng những kỹ thuật mới nhất của các nước phát triển vào Việt Nam, tại Bệnh viện Bạch Mai và một số Trung tâm lớn. Đặc biệt, có thể áp dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại (chụp cắt lớp vi tính đa dãy mạch máu, chụp cộng hưởng từ mạch máu...) nên có thể chẩn đoán được phình mạch não khi chưa vỡ và điều trị dự phòng, tránh nguy cơ vỡ gây tỷ lệ tử vong cao.
Trong những năm gần đây ngành Y đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể Hiện nay, trong thực tế lâm sàng, chúng tôi điều trị cho 50% bệnh nhân phình mạch não chưa vỡ, trong khi chỉ cách đây 10 năm chủ yếu điều trị những trường hợp đã vỡ vị trí phình, còn hiện nay thì chủ yếu điều trị cho các mối phình chưa vỡ giống các nước phát triển, nên hiệu quả điều trị cao hơn rất nhiều, phòng ngừa được tai biến vỡ mạch não gây tỷ lệ tử vong cao. Kỹ thuật thứ ba là sử dụng cộng hưởng từ để chẩn đoán sớm đột quỵ nhồi máu não. Đột quỵ nhồi máu não là bệnh rất thường gặp, nếu được chẩn đoán sớm chính xác thì có thể điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết (chỉ có hiệu quả trong tối đa 4,5 giờ đầu đối với các mạch nhỏ) cho đột quỵ não sớm. Đặc biệt, nhờ cộng hưởng từ có thể phát hiện được thời điểm bị đột quỵ nhồi máu, nhiều bệnh nhân đến bệnh viện không xác định được thời điểm bị đột quỵ, cộng hưởng từ có thể xác định được điều này, đồng thời xác định được vị trí tắc mạch, mạch nào tắc, nếu mạch lớn thì kết hợp vừa sử dụng thuốc tiêu sợi huyết và lấy huyết khối ra. Kỹ thuật này cũng đã được chuyển giao và một số trung tâm lớn cũng đã thực hiện được chẩn đoán và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học qua con đường nội mạch. Kết quả của cụm đề tài đã được báo cáo trong nhiều hội nghị khoa học trong nước, trong khu vực và trên thế giới được các đồng nghiệp quốc tế đánh giá, đã mở ra một chuyên ngành mới trong ngành điện quang đó là điện quang can thiệp. Chúng tôi đã thành lập Hội điện quang can thiệp Việt Nam để điện quang can thiệp Việt Nam hòa nhập với các nước trong khu vực và thế giới. Bài, ảnh: Bảo Hà
|